Báo Công An Đà Nẵng

Vẫn là bài chòi một thuở

Thứ sáu, 02/02/2018 12:53

Phường ven biển Điện Dương (Điện Bàn, Quảng Nam) sôi động những công trình xây dựng mọc lên hằng ngày. Cứ ngỡ mải làm ăn, người nông dân không mấy quan tâm thời sự. Vậy mà tin nghệ thuật bài chòi Trung Trung bộ được công nhận di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, nhiều người rất vui mừng. Họ là thế hệ tham gia chống Mỹ, cứu nước hay lớp trưởng thành sau giải phóng cùng các cô gái trẻ hiện nay.

Ông Lê Hồng Sinh, chị Phạm Thị Ánh, bà Nguyễn Thị Thăng (từ trái qua) cùng tập một tác phẩm bài chòi.

Trong căn nhà ấm áp ở thôn Hà My Trung, bà Nguyễn Thị Thăng, tuổi đã 72 đang ôn lại những làn điệu bài chòi với hàng xóm của mình. Tuổi đã lớn vậy mà giọng bà vẫn còn ngọt lắm. Cô du kích Thăng mê bài chòi từ thuở 18 khi các chú cán bộ nằm vùng về hát "Mấy dòng tâm sự" với lời người vợ kêu gọi chồng là lính ngụy quay súng trở về với cách mạng: "...Con họ có cha bế mẹ bồng. Con mình nghĩ thật vô cùng xót chua. Ruộng vườn bỏ đã mấy mùa. Con mình thì đau mãi anh chưa trở về...". Chỉ nghe qua một vài lần mà thuộc làu làu, chất giọng trong trẻo, tình cảm, không kém gì chuyên nghiệp. Năm 1966, bà tham gia đoàn văn công thị xã Hội An và từ đó đến năm 1967, đoàn của bà đi biểu diễn khắp nơi, không chỉ Hội An mà còn ở các huyện lân cận. Nhiều lần đoàn đặt sân khấu bên này sông bắt loa sang bờ bên kia địch đặt đồn bót.

Mỗi chương trình, thường có mấy giọng ca đơn và một vở kịch từ các làn điệu bài chòi như một vũ khí hữu hiệu để cảm hóa, lung lạc kẻ thù và cổ vũ, động viên nhân dân chiến đấu, giải phóng quê hương. Bà Thăng tâm sự: "Tôi thích nhất là bài hát về gương anh hùng của chị Trần Thị Lý- người con gái Việt Nam. Đêm nào tôi hát bà con cũng bật khóc". Rồi bà cất giọng: "Trong kháng chiến ta đã từng gian khổ. Nay hòa bình lại máu đổ xương rơi. Mến thương chị lắm chị Lý ơi. Máu chúng tôi tiếp cho đời chị tươi"... Bà Thăng nói rằng, trở về làm ruộng từ sau năm 1967, không còn đi biểu diễn, nhưng bà luôn hát bài chòi trong các đám cưới hay ru con rồi đến cháu, hàng xóm nghe cũng mê mẩn theo. Gần đây bà lại có dịp hát những khúc ca xưa khi tham gia đội dưỡng sinh của phường. Tiếc là các con và dâu của bà không có đứa nào say bài chòi như mẹ để có thể truyền nghề.

Nói đến ông Lê Hồng Sinh ở Điện Dương, nhiều người tuổi trung niên trở lên đều biết. Thừa hưởng năng khiếu văn nghệ của cha là ông Lê Sĩ Hùng, nguyên trưởng ban Tuyên giáo Điện Bàn, người trong chiến tranh sáng tác nhiều bài chòi nổi tiếng kêu gọi lính ngụy quay về với cách mạng, chàng trai Lê Hồng Sinh đã từng là trụ cột của đội văn nghệ sau giải phóng. Với tài hoa sáng tác của ông Nguyễn Minh Đạt (nay đã mất), các làn điệu bài chòi đã thực sự đồng hành cùng nhân dân xây dựng cuộc sống mới, đáp ứng nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật bình dị của người dân quê. Đi thi ở huyện, nhiều năm xã Điện Dương giành giải nhất. Bài hát "Đường về Điện Dương" ngày ấy đã "làm mưa làm gió" nhiều sân khấu đến nỗi bây giờ ai cũng có thể thuộc hàng chục câu. Theo ông Sinh, hát bài chòi không khó, nhưng cái khó là biết làm sao luyến láy để chạm trái tim người nghe. Có rất nhiều làn điệu trong một bài chòi như: trống quân, lô tô, thơ đường, nói lối, cà lả, xuân nữ, cổ bản, xàng xê... Mỗi làn điệu có tiết tấu riêng khi da diết, xúc động khi sôi động, giục giã, có thể chuyển tải hết nội dung một câu chuyện trọn vẹn. Theo ông Sinh, bài chòi là báu vật dân gian, đem lại cho con người niềm vui sống, thêm yêu quê hương đất nước, gắn kết tình làng nghĩa xóm gần gũi nhau hơn. Việc bài chòi có tiếng nói tận UNESCO thực sự là tin vui với những người dân miền Trung.

Nghe các cô chú hát mượt mà, chị Phạm Thị Ánh cảm thấy mình thật non nớt. Chị tâm sự: "Tôi mới học mấy năm nay từ chú Hồng Sinh và cô Thăng, cũng được đánh giá là có chất giọng nhưng để đạt được đỉnh như các cô chú thì khó quá. Chúng tôi có ít môi trường để cọ xát, thi thố. Lâu lâu phường mới tổ chức đi thi tuyên truyền hoặc văn nghệ xóm thôn. Bây giờ cũng không có ai đặt lời những bài chòi có nội dung mới phù hợp". Theo lời chị Ánh, ở thôn Hà My Trung lớp trẻ hiện nay chỉ có chừng dăm người hát được bài chòi, còn đa phần hát nhạc trẻ trong khi nhu cầu của nhân dân được nghe dân ca vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Chị vẫn mong địa phương khôi phục và động viên nhiều người hát được bài chòi hơn nữa để giữ gìn văn hóa dân gian không bị mai một và quên lãng.

Như có ngọn lửa cảm hứng lan cháy, cả ba thế hệ ở Hà My Trung lại say sưa hát những làn điệu quen thuộc đã ăn sâu vào tâm thức của người Điện Dương: "Nếu có dịp anh về vùng cát. Ghé Điện Dương xã sát Biển Đông. Trước đây giặc Mỹ cuồng ngông. Gây bao tội ác chất chồng nơi đây...".  Tiếng hát của các ca sĩ nghiệp dư như làm ấm lại cái rét ngày đông và thấy yêu hơn quê hương thân thuộc.

HỒNG VÂN