Báo Công An Đà Nẵng

Vấn nạn hãm hiếp vẫn đe dọa Ấn Độ

Thứ năm, 27/12/2018 12:34

6 năm sau vụ hãm hiếp tập thể một sinh viên trên xe buýt ở thủ đô New Delhi đã gây chấn động thế giới, phụ nữ ở Ấn Độ vẫn bị ám ảnh bởi vụ việc này.

Tình trạng hãm hiếp tràn lan khiến giới chức Ấn Độ thật sự đau đầu.  Ảnh: Getty Images

Số phận của cô sinh viên Jyoti Singh Pandey - thường được gọi là Nirbhaya, có nghĩa là "không sợ hãi"- đã gây phẫn nộ trên toàn thế giới và dường như vào lúc đó đã trở thành chất xúc tác giúp thay đổi một vấn đề vốn đã tồn tại quá lâu tại Ấn Độ: tình trạng hãm hiếp xảy ra tràn lan. Nhưng có lẽ, nỗ lực đó đã chùn bước.

Hôm 16-12, một bé gái 3 tuổi bị hãm hiếp ở New Delhi, đúng 6 năm kể từ ngày nữ sinh viên Singh bị hãm hiếp, đánh đập và bỏ lại bên đường đến chết. Cha của bé gái phát hiện cô bé nằm bất tỉnh trên sàn nhà, trong bộ quần áo bẩn. Cô bé hiện đang được điều trị tại một bệnh viện địa phương. Một nhân viên bảo vệ 40 tuổi, tên là Ranjeet, đang bị điều tra về vụ tấn công.

Các nhà quan sát cho rằng, trường hợp của bé gái này đã đặt ra câu hỏi về vấn đề rộng lớn hơn: Cần phải làm thêm những gì nữa sau khi Ấn Độ đã trải qua vụ việc bước ngoặt hồi năm 2012? Bà Jayshree Bajoria, tác giả của một báo cáo về các rào cản mà nạn nhân bị tấn công tình dục phải đối mặt khi tìm kiếm công lý, cho biết: "Những thay đổi mang tính hệ thống đáng lẽ phải đi kèm với thay đổi về luật pháp và chính sách".

100 vụ mỗi ngày

Theo Cục Hồ sơ tội phạm quốc gia, mỗi ngày cảnh sát ở Ấn Độ nhận được báo cáo về khoảng 100 vụ tấn công tình dục. Có gần 39.000 vụ tấn công tình dục được báo cáo trong năm 2016 - tăng 12% so với năm trước.

Mới tuần trước, một phụ nữ ở Anh bị cưỡng hiếp tại một điểm du lịch nổi tiếng ở Ấn Độ trong khi đang đi bộ về khách sạn. "Thiếu ý chí chính trị để làm điều gì đáng kể nhằm đảm bảo sự an toàn của phụ nữ. Rất nhiều lời hứa đã không được thực hiện, phụ nữ đã quá thất vọng", Ranjana Kumari, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu xã hội có trụ sở tại New Delhi cho biết. Trong nhiều trường hợp, bạo lực có liên quan đến đẳng cấp và chia rẽ tôn giáo. Hồi tháng 4, một đứa trẻ 8 tuổi bị đánh thuốc mê, hãm hiếp và siết cổ ở bang Jammu và Kashmir, miền bắc Ấn Độ. Cảnh sát đã bắt giữ 8 nghi phạm, tất cả đều là người Hindu. Các nhà điều tra cho rằng, họ âm mưu bắt cóc bé gái này để dọa những người du mục Hồi giáo rời khỏi khu vực. Vụ việc dẫn đến các cuộc biểu tình rầm rộ trên khắp Ấn Độ. Hai bộ trưởng chính phủ buộc phải từ chức sau khi bị tố cáo đã tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ một số bị cáo.

Sau vụ án này, chính phủ đưa ra luật mới, nâng mức phạt tù cũng như đưa ra án tử hình đối với tội hiếp dâm bé gái dưới 12 tuổi.

Chất xúc tác thất bại

Vụ hiếp dâm trên xe buýt vẫn ám ảnh ký ức của hầu hết phụ nữ ở thủ đô của Ấn Độ. Vào tối ngày 16-12-2012, sinh viên vật lý trị liệu Singh rời khỏi rạp chiếu phim ở New Delhi sau khi xem bộ phim "Life of Pi" với một người bạn nam. Trời đã khuya nên cặp đôi lên xe buýt để về nhà ở ngoại ô.

Theo cảnh sát, người lái xe và ít nhất 5 người đàn ông khác - một trong số đó vẫn còn là trẻ vị thành niên vào thời điểm đó - đã say và muốn một "chuyến đi vui vẻ". Cảnh sát cho biết những người đàn ông đã lần lượt cưỡng hiếp nữ sinh viên, sử dụng một thanh sắt để xâm phạm cô trong khi xe buýt chạy quanh thành phố trong gần một giờ. Người bạn nam của cô đã bị đánh khi cố gắng chống lại họ. Sau khi thỏa mãn, những kẻ hãm hiếp vứt hai nạn nhân bên đường. Singh bị chấn thương nghiêm trọng, một số cơ quan nội tạng phải bị cắt bỏ. Cô qua đời 2 tuần sau đó tại một bệnh viện ở Singapore. 4 trong số các thủ phạm đã bị kết án tử hình, 1 người khác đã tự sát trong tù hồi năm 2013 và người chưa thành niên bị kết án 3 năm tù và hiện nay đã được trả tự do.

Vụ việc gây phẫn nộ trên toàn thế giới. Hàng trăm nghìn nam giới và phụ nữ đã xuống đường để phản đối sự an toàn quá kém, luật pháp yếu, một hệ thống thực thi pháp luật quá nhiều sai sót và định kiến và một nền tư pháp quá tải. Tuy nhiên, sự thay đổi dường như chỉ quanh quẩn ở việc các quan chức bắt tay sửa đổi luật tấn công tình dục và đảm bảo một sự cố kinh hoàng như vậy không bao giờ xảy ra nữa. Nhưng sự thay đổi thực sự đã không được thực hiện.

Cần thay đổi

Bà Bajoria cho biết, nhận thức tạo ra sau vụ án năm 2012 và sự phẫn nộ mà nó gây ra đã tạo thêm động lực.

Nhiều phụ nữ tìm thấy tiếng nói trong các cuộc biểu tình sau đó, và xu hướng này vẫn tiếp tục khi nhiều người Ấn Độ quan tâm hơn đến vấn đề phân biệt và quấy rối tình dục rộng lớn hơn. Nhưng trong khi các hình phạt trở nên khắc nghiệt hơn, và các báo cáo về tội phạm tình dục được cải thiện nhờ nhận thức rõ hơn về bạo lực tình dục, các chuyên gia cho rằng, các vấn đề cơ bản vẫn chưa được giải quyết. "Bất chấp luật pháp nghiêm ngặt, chúng ta đã không thể kiểm soát tội phạm này. Những thay đổi hệ thống đã không diễn ra", Kumari nói.

Các nhà phê bình cho rằng, các chính trị gia sửa luật quá thường xuyên và dễ dàng mà không giải quyết những thách thức khó khăn trong việc thay đổi nhận thức, đặc biệt là trong lực lượng cảnh sát, nơi mà nhiều phụ nữ phàn nàn là không đủ khả năng để xử lý các trường hợp nhạy cảm. "Cần giáo dục nhận thức bắt đầu từ trường học và tại các cơ quan công cộng, thực thi luật quấy rối tình dục tại nơi làm việc… rất nhiều công việc cần phải được thực hiện. Và đặc biệt là cần phải thay đổi tư duy trong một xã hội mang tính gia trưởng sâu sắc", bà Bajoria nhận định.

AN BÌNH