Báo Công An Đà Nẵng

Vấn nạn hàng giả, hàng lậu có dấu hiệu gia tăng

Thứ bảy, 14/08/2021 06:38

Mặc dù tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng đến sản xuất kinh doanh, song nạn buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên  - Huế vẫn diễn biến khá phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi. Theo thống kê của Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong 6 tháng đầu năm 2021, Cục đã kiểm tra khoảng 700 vụ, trong đó đã xử lý trên 620 vụ, tổng giá trị thực hiện hơn 3,7 tỷ đồng.

Công an TP Huế thực hiện Lệnh khám xét một cơ sở mua bán phụ tùng mô-tô của ông Thạnh.

Buôn lậu, hàng giả vẫn phức tạp

Ngày 13-8, Cơ quan CSĐT Công an TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho hay, đang điều tra mở rộng đường dây chuyên sản xuất phụ tùng mô-tô giả nhãn mác các thương hiệu lớn như Honda, Yamaha... Trước đó, sau thời gian xác minh, điều tra, lực lượng Cảnh sát kinh tế phát hiện 3 cơ sở sản xuất, mua bán phụ tùng xe mô-tô của ông Nguyễn Đức Thạnh (1969, trú phường Thuận Hòa (TP Huế) có nhiều dấu hiệu nghi vấn sản xuất hàng giả.

Để đấu tranh, triệt xóa đường dây sản xuất phụ tùng mô-tô giả nhãn mác này, Công an TP Huế đã xác lập chuyên án. Đến ngày 4-6-2021, Ban Chuyên án kiểm tra 3 cơ sở sản xuất, mua bán phụ tùng mô-tô của ông Thạnh tại địa chỉ số 9- Thanh Hương, số 119- Lê Huân (thuộc phường Thuận Hòa) và số 10/61- Vạn Xuân (phường Kim Long, TP Huế), thu giữ hơn 30.000 phụ tùng mô-tô và hơn 160.000 nhãn mác giả các hãng xe Honda, Yamaha... Tổng giá trị hàng hóa thu giữ ước tính hơn 700 triệu đồng.

Làm việc với cơ quan Công an, ông Thạnh khai nhận, ông không có mối liên hệ nào với các hãng bán phụ tùng xe Honda, Yamaha… Toàn bộ số phụ tùng trên do ông Thạnh mua nguyên liệu, bao bì từ các tỉnh thành phía Bắc đưa về Huế; sau đó thuê người gia công, sản xuất và bán ra thị trường ở Huế, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lào... để thu lợi bất chính. Ông Thạnh khai, số phụ tùng này đều xuất xứ từ Trung Quốc. Hiện vụ án đang được Cơ quan CSĐT Công an TP Huế điều tra mở rộng để xử lý nghiêm hành vi sản xuất hàng giả của ông Nguyễn Đức Thạnh theo đúng quy định của pháp luật.

Mới đây nhất, vào ngày 15-7-2021, qua công tác quản lý, giám sát địa bàn, bằng các biện pháp nghiệp vụ chuyên môn, Đội QLTT số 2 (thuộc Cục QLTT tỉnh) đã phát hiện, tạm giữ 1.165 áo may sẵn mang nhãn hiệu Lacoste do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ kèm theo tập kết trên lề đường trước nhà số 132- Lý Thái Tổ (TP Huế). Số hàng hóa nói trên hiện chưa xác định được chủ sở hữu, trị giá ước tính khoảng 300 triệu đồng. Hoặc như vụ việc vào đầu tháng 6-2021, từ tin báo của người dân cung cấp, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT tỉnh) đã kiểm tra xe tải BKS 29H 445.45 dừng đổ hàng tại đường Dương Văn An (TP Huế). Đoàn kiểm tra phát hiện 32 loại hàng hóa với 875 sản phẩm gồm sữa ngoại nhập, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ theo quy định.

Cuối năm, nguy cơ hàng lậu, hàng giả gia tăng

Theo Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Phan Hùng Sơn, thời điểm từ nay đến cuối năm 2021, dịch COVID-19, dịch bệnh gia súc, gia cầm vẫn diễn biến phức tạp… là nguy cơ của nhiều yếu tố diễn ra trên thị trường như đầu cơ, găm hàng, đưa tin thất thiệt gây nhiễu loạn thị trường. Đồng thời, các đối tượng sẽ lợi dụng bối cảnh toàn lực lượng chung tay phòng, chống dịch, thiên tai để thực hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng cấm…

Bên cạnh đó, hoạt động bán hàng qua mạng xã hội, thương mại điện tử, bán hàng đa cấp… vẫn tiềm ẩn hoạt động xen ghép, trá hình để thực hiện buôn bán hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng giả, ảnh hưởng đến người tiêu dùng, môi trường kinh doanh. Mặt khác, tội phạm sử dụng thiết bị, công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội, đối phó với lực lượng chức năng có xu hướng gia tăng, phức tạp hơn với nhiều thủ đoạn khó lường đã đặt ra yêu cầu mới, quan trọng hơn trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Để kiểm soát hàng hóa, ổn định thị trường, Cục QLTT tỉnh tiếp tục chỉ đạo công tác kiểm tra, kiểm soát vừa tổng thể vừa có trọng tâm, tập trung vào địa bàn trọng điểm, các mặt hàng trọng điểm, hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân; hàng có nhu cầu cao theo mùa vụ; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại cả trong khâu lưu thông, vận chuyển và tại địa bàn cố định. Phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng chức năng trong xử lý các hành vi vi phạm; phối hợp với các ban quản lý chợ tại các huyện, thị xã, TP. Huế tổ chức tuyên truyền, ký cam kết, vận động các hộ kinh doanh tại các chợ không kinh doanh hàng giả, hàng lậu và tích cực hưởng ứng, tham gia Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, không tham gia hoặc tiếp tay cho kinh doanh hàng lậu, hàng giả...

Mặt khác, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, làm cho mọi người hiểu rõ tác hại của buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng để từ đó không tham gia, tiếp tay đồng thời tố giác các hành vi vi phạm.

P.QUANG- T.HƯƠNG