Vấn nạn tiền giả tại Ấn Độ
(Cadn.com.vn) - Ấn Độ đã xóa bỏ tiền giấy 500 và 1.000 rupee. Thủ tướng Narendra Modi cho biết một trong những lý do khiến chính phủ đưa ra chính sách này là để chống lại mối đe dọa từ vấn nạn tiền giả. Theo ông, tiền giả được bơm từ Pakistan vào Ấn Độ là hoạt động “khủng bố kinh tế”.
Sản xuất tiền giả là hoạt động phổ biến trong quá khứ và được xem là "nghề lâu đời thứ hai" trên thế giới. Trước đây, tiền giả được cá nhân hoặc một nhóm người làm ra để thu lợi, nhưng hiện nay, một hiện tượng mới xuất hiện: các quốc gia làm giả tiền của quốc gia thù địch để gây bất ổn cho nền kinh tế của đối phương.
Ở Ấn Độ, việc lưu thông tiền giả ngày một gia tăng. Theo báo cáo hàng năm của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI), năm 2014-2015 số lượng tiền giả tăng đột ngột, với 594.446 tiền giả bị phát hiện, tăng từ 488.273 trong năm 2013-2014. Theo báo cáo năm 2013 của Lực lượng Đặc nhiệm tài chính (FATF), đồng rupee Ấn Độ là đồng tiền giả thứ chín về giá trị và thứ ba về số lượng trên toàn thế giới.
Đến từ đâu?
Theo báo cáo, tiền giả của Ấn Độ được in nhiều nhất ở Pakistan. Từ Pakistan, tiền giả được chuyển trực tiếp vào Ấn Độ hoặc thông qua một mạng lưới các quốc gia khác. Điểm trung chuyển chính là các nước láng giềng của Ấn Độ, gồm Nepal và Bangladesh. Dubai thuộc Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng là con đường mà những kẻ buôn lậu sử dụng để đưa tiền giả vào Ấn Độ. Các điểm quá cảnh khác bao gồm Thái Lan, Malaysia và Sri Lanka. Trung Quốc cũng đang trở thành tuyến đường quá cảnh mới.
Cho đến nay, số lượng tiền giả lớn nhất của Ấn Độ bị thu giữ tại Nepal. Bangladesh là tuyến đường chính vận chuyển tiền giả Ấn Độ từ Pakistan. Trong các vụ bắt giữ tiền giả Ấn Độ tại Bangladesh, tất cả nghi phạm đều có liên kết trực tiếp với Pakistan. Ngoài ra, công dân Pakistan cũng liên quan đến 48% các vụ tiền giả Ấn Độ ở Thái Lan, Malaysia, Myanmar và Sri Lanka. Trong 26 trường hợp bị phát hiện tại các sân bay quốc tế trên khắp Châu Á, 10 chuyến bay xuất phát từ Pakistan trong khi các chuyến còn lại đều có liên quan đến đất nước này.
Các tổ chức chính phủ, cơ quan và các tổ chức quốc tế đều cáo buộc Cơ quan Tình báo Pakistan (ISI) đứng sau vấn nạn này. Theo Giám đốc Cơ quan Tình báo Ấn Độ (DRI), ISI đã bơm tiền giả vào Ấn Độ thông qua một số nước, chủ yếu dựa vào cộng đồng người Ấn Độ để gửi tiền giả về nước.
Ấn độ thu hồi tiền giấy 500 và 1.000 rupee. Ảnh: AFP |
Tác hại?
Trong thập kỷ qua, Bộ Ngoại giao Ấn Độ luôn thể hiện mối quan ngại về sự tham gia của ISI trong việc in ấn và phân phối tiền giả. Theo phương tiện truyền thông Bangladesh, tiền giả được in ở Karachi, Lahore, Peshawar và Quetta với sự hỗ trợ của ISI. Tổ chức này thu lợi nhuận 5 tỷ rupee mỗi năm từ hoạt động in tiền giả. Số tiền này được sử dụng để tài trợ cho các nhóm khủng bố ở Ấn Độ.
Tiền giả được xem như một hình thức "khủng bố kinh tế" nhằm gây thiệt hại nền kinh tế Ấn Độ. Các doanh nghiệp tham gia vào các giao dịch tiền mặt hàng ngày phải đối mặt với tổn thất nặng nề.
Ấn Độ làm gì?
Năm 2012, Ấn Độ sửa đổi Đạo luật các hoạt động bất hợp pháp, theo đó sở hữu tiền giả với ý định làm tổn hại đến sự ổn định tiền tệ của đất nước được coi là hành động khủng bố. Năm 2010, Ấn Độ đã gia nhập FATF, một cơ quan liên chính phủ chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Năm 2014, RBI thu hồi các loại tiền giấy phát hành trước năm 2005, một biện pháp để giải quyết vấn nạn tiền giả và cải thiện khả năng bảo mật. Tuần trước, New Dehli quyết định thu hồi tiền giấy 500 và 1.000 rupee. Tuy nhiên, đây chỉ là một biện pháp tạm thời. Để tiêu diệt hoàn toàn mối đe dọa này, Ấn Độ cần đảm bảo rằng không có thêm tiền giả được đưa vào lưu thông. Tuy nhiên, điều này khó khả thi.
An Bình
(Theo Diplomat)