Báo Công An Đà Nẵng

Văn nghệ sĩ Đà Nẵng hướng về biển đảo quê hương

Thứ tư, 16/07/2014 07:39

(Cadn.com.vn) - Không giống như những buổi lễ phát động mà tôi từng được dự, lễ phát động sáng tác “Văn nghệ sĩ Đà Nẵng hướng về biển đảo quê hương” do Liên hiệp các Hội VHNT Đà Nẵng tổ chức ngày 15-7, đã thực sự để lại dấu ấn bởi sự sâu lắng, đúng chất... văn nghệ sĩ!

Trong mắt tôi, nhà thơ Bùi Công Minh- Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Đà Nẵng (LHCHVHNTĐN)- là một người điềm đạm, trầm tĩnh, sâu sắc và kín đáo. Thế nên, khi nghe ông phát biểu tại buổi lễ phát động, tôi hơi ngạc nhiên xen lẫn xúc động. Vẫn chất giọng trầm ấm, luôn có sức truyền cảm, nhưng lần này hùng hồn hơn, quyết liệt hơn, thể hiện rõ thái độ, “sự phẫn nộ của lương tri” trước những gì đã diễn ra trong hơn 2 tháng rưỡi qua kể từ ngày Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan trái phép trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Theo nhà thơ Bùi Công Minh, những ngày qua, giới văn nghệ sĩ Đà Nẵng tuy mỗi người mỗi cách thể hiện, nhưng đều chung một tình cảm đặc biệt hướng về biển đảo thân yêu. Trên thực tế, không phải đến bây giờ, văn nghệ sĩ Đà Nẵng mới thể hiện tình cảm này, mà từ trước đó đã có nhiều tác phẩm sáng tác về biển đảo quê hương ra đời, tạo được dấu ấn trong lòng công chúng, bạn đọc. Với cuộc phát động lần này, những người làm công tác văn nghệ mong muốn sẽ có được những tác phẩm dài hơi hơn thể hiện được tinh thần yêu nước, về chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của Tổ quốc, ngợi ca vẻ đẹp của dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, lên án ý đồ, âm mưu đen tối, đấu tranh trước những hành động phi pháp, phi đạo lý của các thế lực bành trướng...

Theo đó, cuộc phát động này vừa là cuộc phát động chung trong toàn giới văn nghệ sĩ Đà Nẵng, nhưng cũng là cuộc phát động riêng của mỗi người cầm bút, sáng tác, thể hiện “tiếng nói phẫn nộ” bằng những tác phẩm VHNT có sức lay động thấu lòng người. Qua đợt phát động lần này, sẽ có những “chặng dừng” để BTC chọn lọc những tác phẩm đặc sắc in ấn, phát hành. Chủ tịch LHCHVHNTĐN Bùi Công Minh hy vọng, thông qua buổi lễ phát động này, thời gian tới, toàn thể văn nghệ sĩ Đà Nẵng cùng nhau cam kết có thêm nhiều tác phẩm hay, xứng đáng với TP Đà Nẵng thân yêu...

Các nghệ sĩ biểu diễn các tác phẩm về Hoàng Sa. Ảnh: P.T

Nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm- Chủ tịch Hội Nhà văn Đà Nẵng- cho biết, bằng sự nhạy cảm, kịp thời, thời gian qua giới văn nghệ sĩ Đà Nẵng đã có một số tác phẩm tạo ấn tượng trong lòng độc giả và những người yêu VHNT. Với cuộc phát động lần này, Hội Nhà văn thành phố mong muốn sẽ nhận được nhiều, nhiều hơn nữa các sáng tác mới về chủ quyền biển đảo, không giới hạn thể loại. Theo đó, giai đoạn 1 sẽ bắt đầu từ ngày phát động đến 20-8. BBT sẽ biên tập các tác phẩm để in chung với LHCHVHNT; sau đó sẽ in riêng ấn phẩm với chủ đề biển đảo.

Thay mặt cho Hội Nhạc sĩ Đà Nẵng, nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa cho biết, khi chưa có cuộc phát động, giới nhạc sĩ Đà Nẵng đã sáng tác được hơn 30 tác phẩm âm nhạc thể hiện tiếng lòng của mình với trách nhiệm “âm nhạc luôn đồng hành cùng Tổ quốc”, trong đó, riêng nhạc sĩ Đình Thậm có đến 4 tác phẩm. Có nhiều tác phẩm của nhạc sĩ Đà Nẵng được in trong tập “Dậy sóng biển đông” do Hội Nhạc sĩ Việt Nam ấn hành. Xúc động hơn cả, trong những ngày cả nước cùng hướng về biển đảo thân yêu, nhạc sĩ lão thành Thanh Anh đã đạp xe đạp tới Hội để gửi tác phẩm sáng tác của mình về biển đảo.

Từ con tim thổn thức, bằng những cảm xúc chân thực của mình, giới nhạc sĩ Đà Nẵng đã thể hiện trách nhiệm, tâm thế nhập cuộc của mình. Và Hội Nhạc sĩ Đà Nẵng đã gửi đến lễ phát động các tác phẩm: “Hoàng Sa- Trường Sa đất mẹ yêu thương” của Đình Thậm, phổ thơ Trung Hiếu; “Hoàng Sa- Trường Sa máu thịt Việt Nam”. Đặc biệt, khi bài hát “Thiêng liêng Việt Nam” (Nguyễn Đức- Trần Dũng) do chính 2 tác giả cùng một ca sĩ khác cất lên với những lời ca da diết như “cứa vào da thịt”: “...

Biển của mẹ tôi ngàn năm còn đó/Dù sóng cuộn bão tố phong ba/ Bao thế hệ một thời ngã xuống/tiếp sức bên nhau giữ lấy biển khơi này.../Tổ quốc thiêng liêng không chỉ có bằng lời/bằng thịt xương bao người ngã xuống.../Tổ quốc thiêng liêng không đánh đổi bằng lời, không đánh đổi biển trời bằng chuyện viển vông/Tổ quốc thiêng liêng, biển trời thiêng liêng/ngàn đời 2 tiếng Việt Nam...”, cả hội trường rào rào tiếng vỗ tay, xúc động! Không thua kém, Hội Mỹ thuật Đà Nẵng cũng gửi tới lễ phát động bằng triển lãm ảnh với 30 tác phẩm với chủ đề biển đảo quê hương...

Sáng 15-7 tại tiền sảnh Trung tâm văn hóa thông tin tỉnh TT-Huế (41A Hùng Vương, TP.Huế) diễn ra triển lãm Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Hơn 400 tư liệu, hình ảnh, những chứng cứ lịch sử xác thực khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam qua các thời kỳ được trưng bày theo 5 chuyên đề: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam; Khu vực trưng bày nội dung về độc lập, tự chủ, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; Quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảoTổ quốc; Một số hình ảnh về Hải quân nhân dân Việt Nam; Các hoạt động hướng về Hoàng Sa, Trường Sa.
Dịp này, Đội văn hóa, văn nghệ lưu động Trung tâm VHTT  sẽ tổ chức các chương trình ca nhạc, chiếu phim, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật với chủ đề về biển đảo tại TP. Huế và các xã vùng biển ở TT-Huế.

H.Lan

Hòa cùng tiếng lòng thổn thức cùng triệu triệu con tim hướng về biển đảo của Tổ quốc thân yêu, nhà thơ Nguyễn Kim Huy run run đọc bài thơ ông sáng tác vào cuối tháng 5-2014: “...Tổ quốc lại một lần như con tàu trong bão tố dập dềnh/Những mũi tên đồng lần nữa phải giương lên/Sẵn sàng cho Tổ quốc/Thánh Gióng còn ngồi yên giữa chín nong cơm mười nong cà/Những ngư dân kiểm ngư cảnh sát biển đã đường đường xung trận/ Chín mươi triệu dân nén lòng căm giận/.../Dẫu lòng mỗi người dân đều mong muốn hòa bình/ Cũng không thể chấp nhận thứ hòa bình viển vong giả dối/.../Lòng yêu nước của nhân dân tôi sẽ đẩy con tàu Tổ quốc lướt sóng băng băng/ Vượt qua muôn ngàn bão dữ/Nhấn chìm mọi tham vọng cuồng điên của kẻ bạo tàn!/ Tôi một lòng tin như mọi lần rồi bão dữ sẽ tan/Tổ quốc tôi lại mênh mang màu xanh từ đất liền ra biển đảo/.../Các con tôi lại nối nhau đọc cho nhau nghe những bài ca dao về giàn bầu dây bí/Kể cho nhau nghe chuyện truyền kỳ thế kỷ/Rằng năm ấy ngày kia Đất nước mình chiến thắng quân thù giữ trọn biển quê hương...” (Bài thơ nhỏ tôi dâng lên Tổ quốc).

Nói như nhà thơ Lê Anh Dũng rằng, người Đà Nẵng nói chung, giới văn nghệ sĩ nói riêng, mỗi người có cách thể hiện tình yêu quê hương biển đảo theo cách riêng của mình, rất... Đà Nẵng. Và cũng với cách rất riêng Đà Nẵng đó, anh thể hiện tiếng lòng hướng về biển đảo của mình qua bài thơ “Hoàng Sa ơi, Linh Việt của ta ơi” được viết đúng vào ngày 21-6-2014: “Từ tượng mẹ Âu Cơ trên công viên Biển Đông, tôi trầm tư trước biển/Sáng tôi tắm biển/Chiều biển tắm tôi/Đêm đêm tôi gội gió sương, nhuộm sóng đại dương 40 năm gào thét/Biển Đà Nẵng mặn xót hơn, Hoàng Sa bao la chưa về Thành Thái Phiên, Tiên Sa, bán đảo Sơn Trà/Vọng hào khí Nguyễn Tri Phương, nghĩa quân, dân quân, tình nguyện quân đánh/tơi bời trận đầu các lũ thực dân, bá quyền xâm lăng từ năm 1858, 1965, 1979/.../Mẹ Âu Cơ- Cha Lạc Long Quân/ Đau đáu khảm sâu, khắc sâu lời thề/Đứa con lên rừng/Đứa con dưới biển/Rằng Hoàng Sa không hề vắng xa, không nguôi thiết tha, thao thức/Đập hoài trong ngực vô biên, trong nỗi nhớ thiêng liêng nước Việt...”.

Có thể nói, bằng cách riêng rất Đà Nẵng, thông qua những hành động thiết thực, cụ thể trong lao động sáng tạo, giới văn nghệ sĩ Đà thành đã thể hiện con tim phẫn nộ, nhưng không manh động trước sự ngang ngược, vô lối của Trung Quốc khi hạ đặt trái phép giàn khoan vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Tiếng lòng của giới văn nghệ sĩ Đà Nẵng đã hòa chung cùng nhịp đập của triệu triệu con tim Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng hướng về biển đảo quê hương thân yêu.

P.Thủy