Báo Công An Đà Nẵng

Vạn thọ hoa...

Thứ sáu, 14/01/2022 21:30

Mỗi dịp Tết đến, tôi lại nhớ những ngày khi ba tôi còn sống, nhà dù trong hoàn cảnh thế nào, dù  "hạt gạo tháng giêng đồng tiền tháng chạp" thì vườn nhà vẫn luôn có những sắc hoa tươi mới để kịp đón "Chúa xuân". Cùng với mấy luống cải trồng cho mục đích hoa lợi là hoa vạn thọ.

Vạn thọ vào mùa.

Hương hoa vạn thọ rất đặc trưng, hình như không chỉ từ hoa mà cả từ cành và lá cũng ngát lên mùi thơm the the bên cánh mũi. Hương tỏa yên bình trong sương sớm, hương dậy nồng nồng ngai ngái trong nắng trưa, hương dịu dàng nhè nhẹ trong chiều nhạt nắng đi vào hoàng hôn, rồi đêm đến. Hương vạn thọ đã quyện lấy tâm hồn trẻ thơ của tôi ký ức sâu đậm về những cái Tết quê đầm ấm, an bình dù nhiều năm tháng đã trôi qua.

Tôi nhớ độ khoảng sau cái lụt hai ba tháng mười như kinh nghiệm dân gian "ông tha bà chẳng tha/ vẫn còn trận lụt hăm ba tháng mười", cùng với việc làm đất gieo cải, thì ba dành góc nhỏ trong vườn xuống giống hoa vạn thọ. Khi cây lên khoảng gang tay ba lựa những cây khỏe mạnh đặt vào trong chậu, tưới nước, chăm sóc mỗi ngày. Kinh nghiệm để cây lớn nhanh là phải tra thêm đất trong vườn trộn với trấu và rơm rồi cho ít phân chuồng hoai mục. Cây vạn thọ trồng trong những cái chậu tạm bợ, được đan bằng tre, thân cao hơn một tấc với lá non xanh mơn mởn cũng là lúc cây cho ra rất nhiều nụ chen trong đám lá.

Bận bịu bao việc của ngày giáp Tết, bất ngờ một hôm hừng đông nắng mới, tôi nhìn thấy trong số rất nhiều nụ vạn thọ kia đã lác đác bung nở thành những bông hoa. Lâu thành quen, khoảng chiều 29, 30 Tết, chị em tôi lại bắt tay sửa soạn vài chậu thật đẹp để đưa vào hiên nhà, nhổ những cây vạn thọ có hoa thật tươi, thật khéo để cắm vào bình chưng lên bàn thờ tổ tiên.

Cúng giao thừa hàng năm, mấy chị em tôi thường ngồi chờ đón và thưởng thức một mình mùi hương đặc biệt của Tết. Đó là mùi thơm lãng đãng của nhang trầm quyện với mùi mấy đòn bánh tét, bánh ú vừa nấu vớt ra cho vào đĩa để lên bàn thờ còn bốc hơi nghi ngút thơm lừng mùi lá chuối quyện với nếp mới tạo một cảm giác thật khó tả giữa đêm cuối năm. Đó cũng là thời gian ba đã hoàn thành đôi câu đối, hay ý thơ thế sự nào đó mà ông ưng ý đã nghiền ngẫm qua một năm như là kiểu tổng kết, luyện chữ rất riêng của ba. Đây cũng là thời điểm đoàn viên của gia đình, ai cũng thầm mong ước những điều tốt đẹp riêng cho bản thân và tất nhiên con cháu cầu mong cha mẹ, ông bà vạn thọ.

Quê tôi những ngày tháng đó Tết đến hầu như nhà nhà đều có hai hàng vạn thọ trước sân, hoặc vài chậu vạn thọ chưng trên thềm nhà rồi mới yên tâm đón Tết. Ba bảo hoa vạn thọ mộc mạc giản đơn, nhưng nó phản ánh một ước vọng muôn thuở của con người. Đó là sống lâu, giống như tên gọi của nó. Mặt khác, màu vàng của hoa đã mang đến sự tươi tắn cho ngày Tết cổ truyền. Theo triết lý ngũ hành màu vàng còn biểu hiện cho hành thổ có khả năng sinh ra tiền bạc, của cải như ước vọng của năm mới.  Riêng có một điều tôi cứ băn khoăn, chưa giải thích được cặn kẽ khi dân gian lưu truyền câu ca dao: "Ai ơi dẫu có đi xa/ Nhớ gieo vạn thọ mười ba tháng mười".

  Những ngày cuối năm, khi những nhành mai xuân dâng nụ, thì khắp đường làng ngõ xóm quê tôi đã vàng rực màu hoa vạn thọ. Có năm thời tiết thất thường, mai vàng không thể nở đúng mùa, nhưng vạn thọ thì bao giờ cũng đúng hẹn. Và cái màu vàng rực rỡ ấy sẽ kéo dài cho đến giêng hai. Vạn thọ là mơ ước của con người khi năm mới đến…Vì thế, Tết ở quê không thể thiếu hoa vạn thọ. Hai chữ vạn thọ đủ nói lên được bao điều về giá trị tinh thần, tâm linh trong tâm hồn người Việt.

  Ngày nay, khi đời sống vật chất và tinh thần có nhiều thay đổi, đi lên nên không mấy người dân thành phố biết đến cái không gian đón mùa xuân dân dã bên hoa vạn thọ. Thế nhưng với tôi, lòng vẫn không nguôi thao thức về những mùa Tết thơm nồng hương hoàng hoa chốn quê nhà ngày cũ. Nhớ vạn thọ hoa. Nhớ ơi, một mùa xuân nữa ba đã đi xa.

Và với Tết này, "Cầu vạn thọ nhưng rồi ba đi mãi/ Mẹ bệnh hiểm nghèo sương khói mong manh/ Tết sum vầy sau bao ngày giông bão/ Một nhành hoa dâng nụ bần thần…".

Tạp bút của Võ Văn Trường

 Tam Kỳ tiết cuối năm