Báo Công An Đà Nẵng

Kỷ niệm 50 năm thành lập Đặc khu ủy Quảng Đà (21-10-1967 - 21-10-2017):

Vang mãi thời hào hùng

Thứ bảy, 21/10/2017 11:05

Ngày 8-3-1965, những tên lính Mỹ đầu tiên đặt chân lên bãi biển Xuân Thiều, Đà Nẵng, đánh dấu việc quân Mỹ trực tiếp tham chiến tại chiến trường miền Nam Việt Nam và cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ trên chiến trường Quảng Đà ngày càng trở nên khốc liệt. Những chiến dịch càn quét, đánh chiếm qua hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 đã gây cho phong trào (PT) đấu tranh cách mạng (CM) của Quảng Nam- Quảng Đà vô vàn khó khăn thử thách. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Quảng Đà đã lãnh đạo các lực lượng kiên cường bám trụ, tìm mọi cách đánh Mỹ, sáng tạo nhiều cách đánh Mỹ độc đáo và PT CM đã chuyển sang thế "tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt" với nhiều chiến công vang dội. Sự kiện 76 ngày đêm làm chủ TP Đà Nẵng năm 1966 là ví dụ điển hình, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong phong trào đô thị tại miền Nam. Trước những thắng lợi về quân sự và chính trị đó, tháng 7-1967, Bộ Chính trị nhận định: Ta đã đánh bại một bước cơ bản của chiến lược "chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ, thế và lực của ta cho phép trên cơ sở phương châm đánh lâu dài, đẩy mạnh nỗ lực lên mức cao nhất, quyết giành thắng lợi quyết định. Đó chính là tiền đề cho sự ra đời của Đặc Khu ủy Quảng Đà năm 1967.

Đồng chí Trần Thận (trái)-nguyên Bí thư Đặc Khu ủy Quảng Đà thăm lại khu di tích căn cứ Hòn Tàu.

Tháng 10-1967, Khu ủy Khu V quyết định sáp nhập tỉnh Quảng Đà và TP Đà Nẵng thành Đặc khu Quảng Đà. Đồng chí Hồ Nghinh được Thường vụ Khu ủy chỉ định làm Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà. Dưới sự lãnh đạo của Đặc khu ủy Quảng Đà, quân dân Quảng Đà đã mở cuộc tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu  Thân 1968, đánh mạnh vào cơ quan đầu não của địch ở đô thị Đà Nẵng, tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch. Sự kiện Xuân Mậu Thân 1968 giữ một vai trò to lớn trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ của quân dân Quảng Đà, là đỉnh cao của tinh thần đoàn kết, yêu nước, buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Pa-ri và giảm quân Mỹ trên chiến trường miền Nam. Từ năm 1969 đến 1972, đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" nhằm từng bước chuyển giao chiến tranh Việt Nam cho chính quyền Việt Nam cộng hòa để rút dần quân về nước.  Với chiến thuật "Tăng cường trang bị cho quân đội Sài Gòn" và "bình định nông thôn", chiến trường Quảng Đà là trọng điểm đánh phá ác liệt nhất tại miền Nam. Trước tình hình đó, Đặc khu ủy Quảng Đà đã lãnh đạo nhân dân tiến hành đấu tranh chống chính sách bình định, lấn chiếm của Mỹ-ngụy. Quân ta đã anh dũng kiên cường chiến đấu, tiêu diệt một bộ phận sinh lực lớn của địch, phá vỡ các khu dồn dân, mở rộng vùng giải phóng, tạo thế đứng chân vững chắc ở miền núi, đồng bằng và nông thôn, góp phần thắng lợi trong việc buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pa-ri ngày 27-1-1973.

Ngay sau khi Hiệp định Pa- ri ký kết, với bản chất ngoan cố, Mỹ âm mưu phá hoại Hiệp định. Trước tình hình đó, tháng 7-1973, Trung ương Đảng họp ban hành Nghị quyết nêu rõ "Dù phát triển theo khả năng nào, CM miền Nam vẫn là con đường bạo lực CM", với phương châm "Kiên quyết phản công, tiến công, giữ vững, phát huy thế chủ động, đánh bại các cuộc hành quân lấn chiếm của địch". Dưới sự lãnh đạo của Đặc khu ủy Quảng Đà, phong trào đấu tranh giành đất, giành dân đã thu được kết quả quan trọng, tổ chức nhiều trận đánh quyết định như tiêu diệt cứ điểm Thượng Đức, cứ điểm án ngữ phía tây Nam Đà Nẵng để mở đường cho quân ta tiến về giải phóng Đà Nẵng. Cuối năm 1974 đầu 1975, quân địch ngày càng suy sụp, thế và lực của ta ngày càng mạnh đã tạo thời cơ chiến lược để Trung ương Đảng quyết định giải phóng miền Nam trong năm 1975.            

Sau giải phóng, chấp hành Nghị quyết của Bộ Chính trị về việc bỏ khu, hợp nhất tỉnh, ngày 4-10-1975, UBND CM lâm thời khu Trung Trung bộ ra quyết định 119/QĐ về việc hợp nhất tỉnh Quảng Nam và Đặc khu Quảng Đà thành tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng. Như vậy, Đặc khu Quảng Đà, đặc khu duy nhất ở chiến trường Khu V và thứ hai của miền Nam đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình qua một thời kỳ lịch sử đầy ác liệt nhưng vinh quang, hào hùng. Vai trò của Đặc khu ủy Quảng Đà đối với phong trào CM trên chiến trường Quảng Đà giai đoạn 1967-1975 là vô cùng quan trọng, góp phần quyết định thắng lợi của CM miền Nam nói chung và Quảng Nam- Đà Nẵng nói riêng.

HIỀN MINH

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng
cắt băng khánh thành Khu di tích Đặc khu ủy Quảng Đà.

Ngày 20-10, tại xã Duy Sơn, H. Duy Xuyên (Quảng Nam), Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức Lễ khánh thành Khu di tích Đặc khu ủy Quảng Đà. Dự án chính thức triển khai từ đầu năm 2016 với kinh phí hơn 50 tỷ đồng, từ nguồn vốn đóng góp của UBND TP Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam. Dự án có nhiều hạng mục như, công trình tuyến đường nối từ đường DDH88 Duy Xuyên lên Khu di tích Hòn Tàu; Nhà bia tưởng niệm Khu di tích Căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà; công trình bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích...; nhà đón tiếp trưng bày và đường bê-tông nội bộ... Đến nay, công tác phục dựng khu di tích cơ bản đã hoàn thành những hạng mục quan trọng.

HỒNG THANH