Báo Công An Đà Nẵng

Vàng - máu & nước mắt (2)

Thứ ba, 15/04/2014 11:14

* Kỳ 2: 3 ngôi mộ ven đường

(Cadn.com.vn) - Những năm qua, không năm nào Quảng Nam không có người chết vì đào đãi vàng. Đã có bao cái chết do sập hầm, lở núi bởi mộng tìm vàng, nhưng dòng người bất chấp, vẫn đổ về chốn rừng thiêng nước độc để nuôi mộng đổi đời. Trên con đường từ thôn 8 vào khu vực các nhà máy vàng, mọi người sẽ bắt gặp 3 ngôi mộ mới đắp hiu quạnh nằm ven đường. 3 ngôi mộ này chính của 3 phu vàng xấu số bị hàng nghìn mét khối đất đá vùi lấp trước Tết Nguyên đán và phải đến trung tuần tháng 3 vừa qua mới được tìm thấy thi thể.

Ghé thắp nén hương cho 3 phần mộ trong buổi chiều tà, chúng tôi không khỏi ớn lạnh khi nghe mùi tử khí nồng nặc. Hỏi ra mới biết các ngôi mộ chỉ được an táng cách đó vài ngày sau thời gian dài tìm kiếm. “Lúc tìm thấy thì các thi thể đang trong giai đoạn phân hủy nặng. Do vậy họ không thể đưa về quê mà an táng luôn tại đây. Theo quan niệm của gia đình nạn nhân, sau khi an táng ở đây 3 năm, họ sẽ vào cất bốc đưa hài cốt về quê. Có lẽ vậy nên họ chôn cạn cho dễ việc cất bốc sau này. Chính vì thế mà mùi tử khí bốc lên như vậy” - một phu vàng tham gia việc tìm kiếm cho chúng tôi biết. Có lẽ vì vậy mà khu mộ được rào bằng thép gai xung quanh để ngăn thú hoang tìm đến.

Phần mộ của 3 phu vàng xấu số.

Trước đó, như Báo Công an TP Đà Nẵng đã thông tin, 21 giờ 30 ngày 10-1, tại một ngọn núi khai thác vàng trái phép thuộc khu vực bãi Cao (thôn 8, xã Phước Hiệp, H. Phước Sơn, Quảng Nam), 3 phu vàng gồm Bùi Văn Hưng (1985), Bùi Văn Thảo (1989) và Hà Anh Tấn (1994, cùng trú thôn Suối Con, xã Kim Bôi, H. Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) sau khi hết ca làm việc, ra ngoài miệng hầm nghỉ ngơi để về trại. Lúc này bất ngờ một phần ngọn núi bị sạt lở, hàng nghìn mét khối đất đá đổ xuống vùi lấp 3 nạn nhân trên.

Sau khi sự việc xảy ra, lực lượng CA Quảng Nam phối hợp với các đơn vị và các Cty khai thác vàng gần đó khẩn trương đào bới tìm thi thể các nạn nhân. Tuy nhiên, việc tìm kiếm không có kết quả do phải đào bới thủ công. Xe cơ giới không vào hiện trường được do lãnh đạo H. Phước Sơn không cho phép, sợ mở đường ra sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho “lâm tặc” hoạt động sau này. Do việc tìm kiếm không có kết quả, việc đào bới còn gặp nhiều khó khăn do khối lượng đất đá còn rất lớn, nguy cơ sạt lở vẫn rất cao, lại cận Tết nên cuối tháng 1, lực lượng chức năng và gia đình nạn nhân đã tạm dừng việc tìm kiếm thi thể 3 phu vàng bị vùi lấp.

Ngôi mộ của một phu vàng được chôn tại vườn của ông Tư Y.

Ra Tết, gia đình nạn nhân và các chủ bãi vàng tiếp tục tổ chức việc tìm kiếm các nạn nhân. “Gia đình nạn nhân đưa vô 25 thanh niên cùng quê để tìm kiếm. Chúng tôi khoán cho họ 200 triệu đồng để tìm cho được 3 phu vàng trên. Tuy nhiên, họ không chịu. Họ chỉ muốn làm ngày nào chúng tôi trả công ngày đó. Chúng tôi đồng ý lo ăn uống và trả cho họ 150.000 đồng/ngày. Đến khi tìm được cả 3 nạn nhân, kinh phí chúng tôi bỏ ra đã 800 triệu đồng” - ông H. một trong các chủ bãi vàng trái phép trên cho biết.

Trong giai đoạn tìm kiếm này cũng gặp rất nhiều khó khăn. Mọi người phải dùng nhiều máy bơm công suất lớn xịt nước làm trôi khối lượng đất đá bị sạt lở. Nhưng sau nhiều ngày vẫn không tìm thấy dấu vết các nạn nhân. Đường vào hầm chiều sâu chỉ khoảng 5m, vẫn không phát hiện ai bị kẹt trong đó. “Qua nhiều ngày không thấy chúng tôi đã nản. Đến ngày 16-3, trong lúc xuống suối, một thanh niên phát hiện một đám ruồi xanh đang bu quanh một vạt đất, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Mọi người đổ xô đến đào thì phát hiện thi thể của nạn nhân Bùi Văn Thảo. 2 ngày sau tiếp tục tìm kiếm phát hiện thi thể Hà Anh Tấn. Đến ngày 23-3 thì thi thể của nạn nhân cuối cùng cũng được tìm thấy. Các nạn nhân bị đất đá đẩy xuống suối, chỉ bị vùi lấp lớp đất mỏng. Thế nhưng trước đó mọi người cứ nghĩ các nạn nhân bị đất đá vùi lấp phía lưng chừng núi nên cứ tìm mãi không thấy” - anh L. một người tham gia tìm kiếm kể lại.

Tai nạn sập hầm luôn rình rập. Trong ảnh: Các phu vàng trong hầm sâu.

Sau khi tìm thấy, các thi thể nạn nhân được đưa xuống chân núi, và khu vườn của ông Tư Y được chọn làm nơi chôn cất. Vì sao các nạn nhân lại được chôn trong vườn nhà người dân? Hỏi ra chúng tôi mới biết ông Tư Y trước đây cũng vốn là một chủ bãi, chuyên thuê người khai thác vàng trái phép. Cách đây 2 năm, trong lúc khai thác thì hầm ông bị sập, một phu vàng bị vùi lấp tử vong. Chính vì tai nạn này mà ông Y phải đi tù. Qua 2 năm vắng bóng chủ, ngôi nhà cũng bị gió bão làm ngã đổ, chỉ còn lại khu vườn trống. Do vườn bằng phẳng lại nằm ven đường nên mọi người quyết định đưa 3 phu vàng chôn tại đây để người qua lại dễ dàng hương khói…

Bãi vàng trái phép trên do 4 người ở Phú Ninh và Hiệp Đức chung thuê lao động từ các tỉnh phía Bắc vào làm. Hiện Phòng CSĐTTPVKT&CV CA tỉnh Quảng Nam đang hoàn tất hồ sơ để chuyển Viện Kiểm sát truy tố trước pháp luật. “Chúng tôi sẽ trả giá cho hành vi phạm pháp mà mình đã gây ra. Nhưng dù sao thi thể các nạn nhân đã được tìm thấy, chúng tôi cũng yên tâm phần nào” - ông Nguyễn Hào (trú Tam Vinh, H. Phú Ninh, Quảng Nam) - một trong 4 chủ của bãi vàng trên bày tỏ.

Được biết, từ tháng 4-2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xảy ra ít nhất 5 vụ sập hầm vàng làm 12 người chết. Qua tìm hiểu của chúng tôi, ngoài những vụ được cơ quan chức năng phát hiện đưa ra ánh sáng, còn lại nhiều vụ tai nạn chết người xảy ra được chủ bãi tự “dàn xếp” với gia đình nạn nhân nhằm trốn tránh pháp luật. Vụ sập hầm khiến 3 nạn nhân chết rồi sẽ bị người ta quên đi và tiếp tục lao theo giấc mộng “đổi đời” từ vàng. Vì thực tế, qua tìm hiểu của chúng tôi, sau khi xác những phu vàng trên được đưa ra, các chủ bãi lại tiếp tục đưa máy móc, thiết bị cõng chuyến vào để tiếp tục khai thác trái phép…

Trần Tân
(còn nữa)