Báo Công An Đà Nẵng

Vàng - máu & nước mắt (6)

Thứ bảy, 19/04/2014 09:25

* Kỳ 6: Ở nơi chỉ có "luật rừng"

(Cadn.com.vn) - Trong những ngày “ăn nằm” ở các bãi vàng thôn 8, xã Phước Hiệp, chúng tôi tình cờ nghe anh T. một người đi bứt mây “rỉ tai” về bãi vàng 39: “Ở đây các bãi vàng trái phép nhỏ lẻ thôi. Mấy anh muốn thực tế thì qua bãi 39 đi. Đó là một nơi không có chính quyền, không có pháp luật và chỉ có... luật rừng”.

PHÁ NÚI, LẤP SÔNG

Bãi 39 thuộc thôn 5, xã Phước Hòa (H. Phước Sơn) từng được biết đến với vụ sập hầm vào tháng 4-2013 khiến 3 phu vàng quê Thái Nguyên tử vong. Rồi liên tiếp trong hai tháng 6 và 7 cùng năm, cơ quan chức năng phát hiện tổng cộng hơn 600kg thuốc nổ và vật liệu nổ được tàng trữ trái phép tại đây... Tuy nhiên vấn đề như anh T. cho biết thì ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi.

Để “mục sở thị”, sau khi rời xã Phước Hiệp, theo QL14E, chúng tôi ngược lên xã Phước Hòa. Từ đường mòn Hồ Chí Minh xuôi về hướng Nam Giang, hỏi đường vào bãi 39 ai cũng biết, nhưng để vào đó thì không hề đơn giản. Từ đường mòn Hồ Chí Minh, vượt qua con sông Nước Mỹ bằng xe máy khá dễ, bởi không biết từ khi nào, con sông này bị chặn dòng để phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa vào các bãi vàng. Tiếp tục vào sâu, các khu rừng thuộc rừng phòng hộ Đăk Mi bị xe cơ giới cày xới mở rộng đường phục vụ cho quá trình lưu thông vào bãi vàng. Dọc bên đường, gốc cây cổ thụ bị “bứng” nằm rải rác. Được biết, khu vực này chỉ có một Cty khai thác vàng được phép hoạt động là Cty TNHH Nguyên Thành Đạt.

Biển cấm của “vàng tặc” được dựng giữa đường.

Theo tìm hiểu của P.V, Cty Nguyên Thành Đạt hiện có 150 lao động, tuy nhiên Cty này chỉ đăng ký tạm trú cho 30 lao động. Cty được cấp phép khai thác trên diện tích 9,26ha nhưng hiện nay đã hoạt động lấn ra các vùng lân cận hơn 10ha. Thêm nữa, công tác xử lý môi trường theo cam kết chưa đảm bảo... “Việc mở đường vào bãi vàng mà phá rừng như vậy là không được. Không cơ quan nào cho phép cả” - ông Trần Lanh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Phước Sơn trao đổi với P.V như vậy. Thế nhưng, khi chúng tôi hỏi sự việc mở đường như vậy ông có biết không? thì ông Lanh bảo mình chưa nắm được.

Sau quãng đường gần 10km, chúng tôi dừng lại một con suối để tìm đường vào bãi vàng 39. Men theo con suối nhỏ, chúng tôi bắt gặp một lán trại của người làm rừng tại đây. Hỏi đường, chủ lán tận tình hướng dẫn và không quên dặn: “Vào đó hãy cẩn thận!”.

Cty Nguyên Thành Đạt phá rừng mở đường vào mỏ vàng.

"LUẬT RỪNG" Ở RỪNG SÂU

Xin vỏ chai nhựa, chúng tôi ra suối múc nước đổ đầy rồi bắt đầu cuốc bộ vào rừng, dù lúc này đã 11 giờ. Ngược lên đỉnh núi, sau 30 phút đi bộ, một khu vực cấm bắt đầu hiện ra. Phía trước, ngay giữa đường là một lán trại được dựng lên, bên trên có tấm ván với dòng chữ được ghi bằng sơn màu đỏ: “Chú ý khu vực cấm. Vô phận sự miễn vào!”. Bước đến, chúng tôi bắt gặp hai người đàn ông nằm trên 2 chiếc võng với con dao lăm lăm trong tay, gằn giọng: “Mấy anh đi đâu? Ai cho mấy anh vào đây?”. Khi biết chúng tôi là nhà báo, như đã được chủ dặn trước, một trong hai người lớn tiếng bảo: “Mấy anh vào đây phải có ý kiến của lãnh đạo huyện, tỉnh. Không phải ai cũng vào đây được. Đây là khu vực cấm!”. “Giữa núi rừng thế này sao lại có khu vực cấm anh? Mà cấm gì vậy?”. “Đó không phải việc của mấy anh. Mấy anh lại lán ngồi uống nước nghỉ tí rồi ra ngay đi” - người đàn ông giọng Quảng có mái tóc dài với hình xăm trên người gắt.

Biết mình không thể vượt qua được “bức tường lửa này”, chúng tôi đành chấp nhận ngồi nghỉ. Theo quan sát, khu lán trại này chỉ có hai người này ở. Họ ở đây được trả lương, bao ăn uống và chỉ làm mỗi việc: Ngăn không cho người lạ vào. Thấy chúng tôi nhìn quanh, người trẻ hơn, giọng Bắc nói như có vẻ an ủi: “Mấy anh thông cảm, chúng em cũng làm thuê cho ông chủ thôi. Khi các anh ở dưới chân núi thì chúng em đã biết tin. Sếp bảo sao chúng em làm vậy!”. “Thế sếp các anh tên gì?”. “Tên Quang”. “Có phải Quang Bớp không?”. “Đúng. Sếp em ở xứ này thì ai không biết” - người thanh niên tỏ vẻ vênh vênh.

Hai đối tượng “canh cửa” không cho người lạ vào bãi vàng 39.

“Dũng, đừng nói nữa” - người thanh niên tóc dài ngăn cản sau khi hít một hơi thuốc lá. Cầm điếu thuốc trên tay, người này lên giọng: “Các anh được S. R. thuê vô đây à? Hôm trước quân S. R. mang cả súng vô còn bị chúng tôi khống chế, tước súng, bắt cả người”. “S. R. nào vậy? Mà sao ổng lại đưa người vào đây?” - chúng tôi hỏi. Người thanh niên giọng Bắc khoe: “S. R. tranh chấp bãi này với sếp em. Không giành nổi, ổng đưa người vào cướp lại, nhưng bất thành... Ngoài điểm gác này, phía trên đồi sếp em còn bố trí một điểm gác nữa. Nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Thấy chúng tôi cứ hỏi, người đàn ông tóc dài cầm con dao phóng nghe cái phập vào gốc cây, lớn tiếng: “Ở đâu cũng có luật của nó. Và ở đây thì có luật rừng. Các anh nên hiểu và nhanh ra cho!”.

CHÍNH QUYỀN KHÔNG BIẾT(?)

Trở lại TT Khâm Đức, làm việc với ông Hoàng Hoa - Chánh văn phòng UBND H. Phước Sơn về vấn đề trên, ông Hoa cho rằng bây giờ mới nghe P.V phản ánh về thực trạng trên: “Chúng tôi chưa nghe thông tin như các anh phản ánh. Để chúng tôi cho người kiểm tra xem”. Thật nực cười, vụ việc nghiêm trọng như vậy, người dân biết, P.V biết, nhưng chính quyền không biết(?). Vậy, phải chăng có sự bao che hay quá quan liêu của cán bộ quản lý ở địa phương?

Qua tìm hiểu cũng từ một người làm vàng có tiếng ở Phước Sơn, chúng tôi được biết, năm 2013, khu vực bãi vàng 39 thuộc sự “quản lý” của người có tên S.R. và một người phụ nữ tên Hương. Tuy nhiên, sau sự cố 3 phu vàng chết, bà Hương bỏ bãi. Nhân cơ hội này, Quang Bớp với tiềm lực kinh tế và được sự hậu thuẫn của những người có thế lực đã nhảy vào “đánh bật” S.R. Sau khi độc chiếm bãi 39, Quang Bớp tuyển hàng trăm quân vào làm tại đây. Để “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, y đã thuê hàng chục “đầu gấu” có tiếng tăm lên giữ bãi. Hiện tại khu vực này có sản lượng vàng làm ra nhiều nhất, nên S.R. rất tiếc và luôn cho người vào chiếm lại, nhưng do yếu thế hơn nên bất thành...

Được biết, Quang Bớp và S.R. là hai doanh nghiệp lớn nhất trên địa bàn H. Phước Sơn, chuyên hoạt động trong lĩnh vực khai thác vàng.

Phóng sự: Trần Tân
(còn nữa)