Vàng - máu & nước mắt (9)
* Kỳ cuối: Cơ quan chức năng nói gì?
(Cadn.com.vn) - Khi loạt bài “Vàng - máu & nước mắt” được Báo Công an TP Đà Nẵng đăng tải, Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam đã có văn bản đề nghị H. Phước Sơn nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, báo cáo cụ thể sự việc như Báo nêu để sớm chấn chỉnh, xử lý (riêng chính quyền H. Quế Phong, Nghệ An chưa có phản hồi). Tuy nhiên, với những gì chúng tôi ghi nhận thực tế thì việc “chấn chỉnh”, “xử lý” như chỉ đạo của Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam không hề dễ dàng.
Huyện chậm triển khai
Ngày 19-12-2013, Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam có Công văn số 1301/STNMT-KS về việc dừng hoạt động khai thác, chế biến vàng khi giấy phép đã chấm dứt hoạt động. Trong thông báo nêu rõ: Các doanh nghiệp (DN) được UBND tỉnh Quảng Nam cấp giấy phép khai thác, chế biến vàng nhưng giấy phép đã hết hiệu lực, trong thời gian đề nghị gia hạn giấy phép thì trước mắt dừng toàn bộ hoạt động khai thác, chế biến vàng tại khu vực được cấp phép khai thác trước đây và thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định. Thông báo nêu rõ là vậy, thế nhưng khi chúng tôi thực hiện loạt bài này (sau gần 4 tháng công văn được gửi đến chính quyền địa phương và các Cty) thì thực tế không có Cty nào chấp hành như chúng tôi đã phản ánh trong những loạt bài vừa qua.
Trước thực trạng trên, ngày 15-4, trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Hoàng Hoa - Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND H. Phước Sơn cho rằng: Thực hiện theo tinh thần Công văn số 1301 của Sở TN-MT, ngày 31-3 vừa qua huyện đã có buổi làm việc với các DN hết phép. Theo đó, giao Phòng TN-MT tham mưu UBND huyện văn bản kiến nghị UBND tỉnh, Sở TN-MT, Ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ DN tỉnh đề nghị Chính phủ, Bộ TN-MT sớm xem xét, giải quyết gia hạn cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản vàng cho các DN giấy phép đã hết hạn. Trong khi chờ đợi các cấp thẩm quyền giải quyết gia hạn giấy phép, yêu cầu các DN trên dừng toàn bộ hoạt động khai thác, chế biến vàng tại khu vực đã được cấp phép và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, bảo vệ mỏ theo đúng tinh thần của công văn do Sở TN-MT chỉ đạo.
Như vậy có thể thấy, Công văn của Sở TN-MT gửi từ tháng 12-2013, nhưng đến hơn 3 tháng sau, UBND H. Phước Sơn mới có buổi làm việc với các DN liên quan về vấn đề trên(?). Việc chậm triển khai thực hiện chỉ đạo của chính quyền H. Phước Sơn có phải là “trên bảo dưới không nghe”?
Ông Hoàng Hoa - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND H. Phước Sơn trong buổi làm việc với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng. |
Bản báo cáo “sạch”
Cần phải nói rõ rằng, khi UBND H. Phước Sơn đã triển khai Công văn 1301/STNMT-KS (chậm hơn 3 tháng), và thực tế như chúng tôi tìm hiểu, các DN trên vẫn đang hoạt động. Về vấn đề này, ông Hoàng Hoa đưa ra bản Báo cáo số 02/BC-ĐCTLN ngày 7-4 của đoàn kiểm tra liên ngành huyện, thể hiện: Đối với Cty Ngọc Lĩnh, kiểm tra tại hiện trường có 10 lao động đang trông coi tài sản và dọn dẹp vệ sinh khu mỏ. Trong quá trình quản lý tài sản, Cty có tận dụng lớp đất mặt và dùng 2 xe múc san lấp khoảng 500m2 trong diện tích quản lý nhằm khắc phục sự cố miệng hầm; đối với Cty Hữu Minh, tại hiện trường có 2 đường hầm và 2 tổ quản lý riêng biệt. Tổ sản xuất do người Trung Quốc đầu tư không hoạt động. Còn tổ sản xuất do ông Trương Văn Lương quản lý (tại thời điểm kiểm tra đã ngừng hoạt động) tuy nhiên đoàn công tác kiểm tra nhận thấy hầm lò và 3 dàn rung, máy phát điện mới vừa nghỉ, chưa khắc phục kịp thời để đối phó với đoàn; Cty SSG tại hiện trường có 20 lao động/5 lán trại. Cty này còn nợ tiền đóng góp xây dựng địa phương năm 2013 là 350 triệu đồng.
Qua báo cáo của đoàn liên ngành có thể thấy, khi các Cty nghe thông tin có đoàn liên ngành vào thì họ đã kịp thời rút quân và chỉ để lại vài lao động gọi là “trông coi máy móc” theo như bản báo cáo. Và tất nhiên, thực tế đó đã cho ra đời “bản báo cáo sạch” là điều đương nhiên.
Nhiều sai phạm
Đối với Cty còn phép như Nam Mai, qua kiểm tra có 85 lao động, tuy nhiên Cty chưa đăng ký tạm trú với CAX Phước Hiệp; công tác xử lý môi trường theo cam kết chưa đảm bảo, đã nhiều lần xử lý vi phạm hành chính nhưng vẫn chưa khắc phục. Hiện Cty mới lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt; Phòng TN-MT đã tiến hành bàn giao cắm mốc thực địa cho Cty và phát hiện diện tích khu lán trại, nhà xưởng, diện tích khu nhà máy phát điện nằm ngoài tọa độ cấp phép (vấn đề này Báo Công an TP Đà Nẵng đã phản ánh).
Nhiều Cty vi phạm về môi trường và lấn chiếm diện tích để khai thác. |
Ông Hoàng Đình Nhất - Phó phòng TN-MT kiêm Trưởng đoàn liên ngành truy quét vừa qua của UBND H. Phước Sơn cho biết: Ngoài những nội dung trên, qua kiểm tra, phát hiện các Cty SSG, Cty Ngọc Lĩnh, Cty Nguyên Thành Đạt, Cty Hữu Minh, Cty Phước Minh đều có sự chênh lệch tọa độ trong giấy phép so với thực địa đang sử dụng. Điều đó chứng tỏ các Cty xâm lấn diện tích khai thác, sử dụng ra ngoài phạm vi được phép rất nhiều. Đối với Cty TNHH MTV Trường Sơn, dù giấy phép khai thác Cty này đã hết hạn nhưng khi kiểm tra vẫn có đến 85 lao động đang tận thu quặng tại nhà máy. Số công nhân trên không đăng ký tạm trú tại địa phương. Trước sự việc trên, đoàn kiểm tra đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam xử lý vi phạm hành chính về hành vi khai thác khoáng sản vàng khi giấy phép đã hết hạn với mức từ 230-260 triệu đồng.
Còn về vấn đề “vùng cấm” tại bãi 39, xã Phước Hòa, ông Hoàng Hoa cho rằng bây giờ mới nghe P.V phản ánh. “Trước Tết chúng tôi đã cho người chốt chặn kéo dài từ 3-5 tháng. Nhưng hiện tại do thiếu kinh phí nên không thể triển khai được. Huyện đã đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí nhưng không thấy” - ông Hoa giải thích.
Trước sự việc nghiêm trọng trên, ngày 17-4, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng cũng có buổi trao đổi với ông Bùi Văn Ba - Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam), ông Ba cho biết: “Khi Báo Công an TP Đà Nẵng đăng tải loạt bài trên, đến kỳ thứ 3 chúng tôi đã có văn bản trình Giám đốc Sở đề nghị UBND H. Phước Sơn sớm kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh ngay. Riêng đối với khu vực bãi 39, xã Phước Hòa, các ngành chức năng như Công an cần vào cuộc điều tra ngay mới biết có sự bảo kê như phản ánh hay không”.
Qua loạt bài này, chúng tôi đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam cần khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, xử lý những sai phạm trên nhằm kịp thời chấn chỉnh, tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra tại các bãi vàng đang hoạt động; đề nghị thành lập ngay đoàn kiểm tra, chốt chặn, “đóng cửa” đường vào khu vực bãi 39, xã Phước Hòa để đảm bảo nguồn tài nguyên không bị thất thoát. Điều tra, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức đã tiến hành tạo vùng cấm tại khu vực trên.
Phóng sự: Trần Tân