"Vàng tặc" lộng hành ở Bồng Miêu (Kỳ 1: Náo động "công trường" vàng trái phép)
Cuối năm 2018, TAND tỉnh Quảng Nam đã ban hành quyết định mở thủ tục phá sản đối với Cty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, H. Phú Ninh, Quảng Nam) với số nợ lên đến hơn 1.260 tỷ đồng. Kể từ khi Cty này đóng cửa, tình trạng khai thác vàng trái phép tại mỏ vàng Bồng Miêu diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó công tác phê duyệt đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu kéo dài đã gây khó khăn cho địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác cũng như tình hình ANTT trên địa bàn. Những ngày đầu tháng 3 vừa qua, có dịp trở lại đây, chúng tôi sững sờ chứng kiến cảnh "vàng tặc" lộng hành, đào bới khắp đồi núi để tìm giấc mộng đổi đời từ vàng...
"Công trường" khai thác vàng trái phép ở Bồng Miêu. |
Trên con đường mòn vào khu vực mỏ vàng Bồng Miêu, nhiều con suối nước đục ngầu từ thượng nguồn đổ xuống. Đi đến đâu, chúng tôi cũng nghe tiếng máy nổ gầm rú. Dòng người mang dụng cụ đãi vàng tấp nập ra vào khu rừng. Thấy người lạ, một người đàn ông vội lấy điện thoại thông báo, chỉ 2 phút sau cả khu rừng trở nên tĩnh lặng đến lạ lùng. Di chuyển qua những cánh rừng keo đến thung lũng các dãy núi, chúng tôi sững sờ chứng kiến cả khu đất rộng đã bị cày xới lấy đất đãi vàng tạo nên nhiều hố sâu. Những bể hóa chất, xái quặng được "vàng tặc" chôn tạm bợ tại chỗ bốc mùi nồng nặc. Đứng tại đây, chúng tôi dễ dàng quan sát những đồi núi xanh loang lổ đất bị cày xới của hàng chục điểm khai thác vàng, hàng chục lán trại mọc lên để phục vụ ăn ở tại chỗ của "vàng tặc".
Thấy chúng tôi đến, gần 10 thanh niên vội khiêng máy móc, thu dọn bạt trại mang đi cất giấu rồi di chuyển vào khu rừng keo lẩn trốn. Theo quan sát, tại điểm này có 2 bể hóa chất đang ngâm xái quặng. Qua trò chuyện, nhóm thanh niên này cho biết quê ở Nghệ An, Hà Tĩnh được thuê vào đây để làm vàng. Tiếp tục di chuyển lên phía trên khoảng 60m, có hơn 10 phu vàng đang đãi vàng, trong đó có 2 phụ nữ. Một lượng lớn đất đá được tập kết ngoài miệng hầm, cạnh con suối nhỏ để tiếp công đoạn nghiền nát lắng vàng. Đặc biệt, nhiều miệng hầm đã được cảnh báo nguy hiểm đổ sập, có hầm bịt kín bằng bê-tông nhưng "vàng tặc" vẫn khoét bên cạnh một lỗ nhỏ để chui vào hầm sâu bên trong hàng trăm mét lấy đất, đá ra ngoài.
"Vàng tặc" đang cày xới mỏ vàng Bồng Miêu. |
Chỉ trong bán kính 50m, chúng tôi ghi nhận gần 10 hầm vàng đang hoạt động. Nhóm chúng tôi quyết định vào kiểm tra thì nhiều thanh niên đến ngăn cản: "Các anh đừng vào, lỡ có chuyện gì tụi em gánh không nổi trách nhiệm đâu". Mới di chuyển vào bên trong chừng 30m, chúng tôi đã có cảm giác lạnh buốt xương, bên trong hầm lò tối đen như mực, đường hầm thì không có bất kỳ một thanh cây chèn chống nào. Chúng tôi hỏi: Đường hầm không chèn chống như vậy không sợ sập hay sao? "Mùa này thời tiết khô ráo nên cũng không sợ. Nếu trời mưa thì chúng tôi không dám vào hầm, ở đây sập hầm chết mấy chục người rồi nên lo lắm. Vào sâu trong hầm nếu may mắn sẽ gặp được vỉa vàng, chớ làm lộ thiên ở ngoài thì không được bao nhiêu vàng cả"-một thanh niên cho biết.
Chúng tôi thắc mắc hỏi tiếp: "Ở đây lực lượng chức năng không kiểm tra xử lý sao để hoạt động làm vàng trái phép diễn ra rầm rộ, công khai như vậy?". Nhóm thanh niên chẳng ngại giấu giếm "Họ lên truy quét thường xuyên, cách đây 2 ngày lực lượng công an có lên kiểm tra đập phá nhiều vật dụng làm vàng. Riêng nhóm em bị đập một chiếc máy nổ, chọc thủng 1 bể hóa chất, đốt 1 lán trại. Đập phá rồi lại mua cái khác làm quy mô hơn để gỡ lại vốn. Ở đây chủ yếu là dân địa phương làm nhỏ lẻ, những điểm khác họ thuê cả chục nhân công ngoài Bắc vào làm quy mô hơn nhiều". Nhóm vàng tặc này là người dân thôn 5 (xã Tam Lãnh), trước đây họ là công nhân của Cty vàng Bồng Miêu, khi Cty ngưng hoạt động không có việc làm nên đã bất chấp nguy hiểm đi mót vàng ở các hầm lò bỏ lại. Với kinh nghiệm nhiều năm làm vàng, họ phân chia từng công đoạn cho nhau, người vào hầm lấy đất đá đưa ra ngoài, người phụ trách công đoạn nghiền nát tuyển vàng, còn phụ nữ được giao việc đãi xái quặng. Ngày nào trúng thì mỗi người được 200-300 ngàn đồng, cũng có ngày tay trắng ra về.
Hầm vàng được các đối tượng đào sâu để khai thác. |
Hầm vàng có từ thời Pháp cũng bị "vàng tặc" đột nhập vào khai thác tiềm ẩn tai nạn rất lớn. |
Theo tìm hiểu được biết, đa số những chủ bãi ở đây là người dân địa phương, trong đó phần lớn là những công nhân trước đây từng làm cho Cty vàng Bồng Miêu. Sau khi Cty hết giấy phép hoạt động, những người này thuê người từ địa phương khác làm cho mình. Việc mạnh ai nấy làm đã gây nên những hệ hụy nghiêm trọng ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên. Ông Nguyễn Thế Vinh- Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cho biết, năm 2018 CAX Tam Lãnh đã tổ chức 52 đợt kiểm tra, xử lý tình hình làm vàng không phép trên địa bàn xã.
Qua đó phát hiện, tiêu hủy, làm mất tác dụng hoàn toàn 52 máy nổ, 18 cối xoay, 12 cối đập, 3 giàn rung, 77 hồ hóa chất, 83 lán trại, 9.380m bạt, gần 8.000m dây nước, tạm giữ 75 bao đé quặng tại Lò 10. Ngoài ra còn phối hợp với Đồn CA Tam Lãnh tổ chức 174 đợt truy quét tình hình khai thác vàng không phép trên địa bàn, qua công tác truy quét phát hiện 159 máy nổ, 9 cối đập, nhiều thiết bị dùng để khai thác vàng trái phép... Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, việc truy quét, đẩy đuổi trên chỉ tốn kinh phí nhà nước mà hiệu quả đem lại không được bao nhiêu. Bởi, sau khi bị đẩy đuổi, đập phá máy móc, vì lợi nhuận, các đối tượng tiếp tục mua sắm máy mới trở lại làm "vàng tặc".
LÊ VƯƠNG - BÃO BÌNH
Kỳ tới: Môi trường ô nhiễm nghiêm trọng