Báo Công An Đà Nẵng

“Vàng tặc” phá nát Thác Trắng - Bồng Miêu: Có sự “bảo kê” hay chính quyền bất lực? (Kỳ 3: Môi trường, sông, suối bị “bức tử”)

Thứ năm, 01/12/2022 07:08
Những hồ ngâm ủ hóa chất tuyển vàng lơ lửng trên đỉnh đồi, nước thải có thể chảy ra môi trường bất cứ lúc nào.

Nước thải từ các bãi vàng ở Tam Lãnh đổ ra sông Bồng Miêu, sông Quế Phương sau đó nhập vào sông Tiên chảy qua thị trấn Tiên Kỳ (H. Tiên Phước), nơi có nhà máy nước Tiên Phước với công suất 15.000m3 ngày đêm để cấp nước sinh hoạt cho người dân địa phương. Bức xúc trước thực trạng trên, người dân và chính quyền huyện Tiên Phước đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các sở, ngành, huyện Phú Ninh xử lý khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn xã Tam Lãnh để nguồn nước sông Tiên không bị ô nhiễm. Nhưng việc đâu lại vào đấy, đồi núi ngày đêm vẫn bị cày xới, ô nhiễm vẫn tiếp diễn.

Mới đây, tại buổi tiếp xúc cử tri với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, ông Phạm Bá Hùng (xã Tiên Thọ, H. Tiên Phước) phản ánh, sông Quế Phương và sông Tiên phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân, nhưng hiện nay mức độ ô nhiễm quá nặng, nước đục ngầu làm cá chết, đe dọa sức khỏe người dân.Tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn xã Tam Lãnh là nguyên nhân gây ô nhiễm các con sông nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Còn theo ông Đoàn Văn Công - Trưởng phòng TN&MT H. Tiên Phước, khi xảy ra tình trạng ô nhiễm sông Tiên do khai thác vàng trái phép, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện gửi UBND tỉnh Quảng Nam, Sở TN&MT tỉnh đề nghị xử lý và khắc phục tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước. Tuy nhiên đến nay ô nhiễm sông Quế Phương, sông Tiên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. “Tôi và anh em đi dọc theo sông Tiên, sông Quế Phương qua đến tận nơi khai thác vàng Bồng Miêu để xem nguồn nước ô nhiễm như thế nào. Việc khai thác vàng trái phép ở đây diễn ra rất phức tạp, hàng chục máy móc khai thác, đào bới đất đá, xả nước thẳng ra sông gây ô nhiễm”, ông Công nói.

Những suối nhỏ mang đầy chất thải từ các bãi vàng đổ vào sông Bồng Miêu chảy về xuôi.

Trước kiến nghị của huyện Tiên Phước, từ đầu năm 2022, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có công văn gửi UBND huyện Phú Ninh cùng các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, truy quét các tụ điểm khai thác vàng trái phép trên địa bàn xã Tam Lãnh. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam giao UBND huyện Phú Ninh và Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo lực lượng chức năng khẩn trương tổ chức kiểm tra, truy quét các tụ điểm khai thác và chế biến khoáng sản vàng trái phép trên địa bàn xã Tam Lãnh gây ô nhiễm nguồn nước trên sông Quế Phương và sông Tiên theo báo cáo của UBND huyện Tiên Phước; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời UBND tỉnh Quảng Nam cũng chỉ đạo Sở TN&MT tỉnh thường xuyên theo dõi, kiểm tra tình hình hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, trong đó có khoáng sản vàng trên địa bàn tỉnh, kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo truy quét, đẩy đuổi, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và có giải pháp quản lý không để tái diễn, ổn định tình hình ANTT, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước trên các sông, suối trong khu vực. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Phú Ninh đã triển khai kế hoạch kiểm tra, truy quét hoạt động khai thác vàng trái phép trên địa bàn xã Tam Lãnh. Tuy nhiên sau đó, “vàng tặc” vẫn tiếp tục lộng hành ở Tam Lãnh trong những tháng qua như chúng tôi đã phản ánh ở kỳ trước.

Mới đây nhất, ngày 23-11, đoàn đại biểu Quốc hội do ông Phan Thái Bình - Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Nam và ông Vương Quốc Thắng- Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội có buổi tiếp xúc với cử tri huyện Tiên Phước sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tại thị trấn Tiên Kỳ. Tại buổi tiếp xúc, người dân huyện Tiên Phước tiếp tục kiến nghị lãnh đạo Trung ương, tỉnh cùng các ngành chức năng quan tâm giải quyết tình trạng khai thác vàng trái phép ở bãi vàng Bồng Miêu gây ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân Tiên Phước.

Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch HĐND huyện Tiên Phước Phạm Văn Đốc khẳng định, vấn đề ô nhiễm sông Quế Phương, sông Tiên liên quan đến việc khai thác vàng trái phép ở xã Tam Lãnh nên rất khó cho địa phương giải quyết. “Tại kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Nam trước đây, tôi cũng đã chất vấn về vấn đề này với Sở TN&MT. Tuy nhiên trước những bức xúc của cử tri, Huyện ủy, HĐND huyện sẽ tiếp tục có ý kiến Tỉnh ủy, HĐND tỉnh sớm chỉ đạo giải quyết dứt điểm tình trạng làm vàng trái phép gây ô nhiễm sông Quế Phương, sông Tiên”, ông Đốc nói.

BÃO BÌNH

(còn nữa)

Kỳ cuối: Khẩn trương đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu