Báo Công An Đà Nẵng

“Vàng tặc” phá nát Thác Trắng - Bồng Miêu: Có sự “bảo kê” hay chính quyền bất lực? (Kỳ cuối: khẩn trương đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu)

Thứ sáu, 02/12/2022 07:50
Những hầm hố làm vàng dày đặc khắp nơi ở khu vực Thác Trắng - Bồng Miêu.

Năm 2005, Công ty TNHH Vàng Bồng Miêu được cấp phép khai thác mỏ vàng Bồng Miêu. Sau hơn 10 năm hoạt động, đến năm 2016 thì giấy phép hết hạn. Năm 2018, TAND tỉnh Quảng Nam đã ban hành quyết định mở thủ tục phá sản đối với công ty. Sau đó, tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần đề nghị Bộ TN&MT đóng cửa mỏ vàng này. Tháng 3-2022, Bộ TN&MT phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu với diện tích 368ha, thời gian thực hiện 2022-2024. Đến nay, Quảng Nam đã lựa chọn nhà thầu tư vấn để khảo sát, lập dự án đầu tư đóng mỏ vàng này.

Theo đề án, việc đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu sẽ bao gồm một số hạng mục như: Đối với khu vực khai thác lộ thiên Hố Gần (230ha), củng cố bờ mương, đào, đắp, san gạt tạo các mặt bằng đủ rộng để trồng cây xanh, đưa mỏ về trạng thái an toàn, bảo vệ tài nguyên; xử lý môi trường các hố nước phục vụ quá trình tuyển quặng của nạn khai thác trái phép; trồng cây keo trên diện tích mặt tầng và trồng cỏ chống trôi lấp trên diện tích sườn tầng; xây dựng rào chắn, biển báo quanh khu vực khai thác để tránh người dân khai thác trái phép, bảo vệ tài nguyên khoáng sản.

Theo đề án, những hầm vàng tại Bồng Miêu sẽ được bịt kín.

Đối với khu vực khai thác hầm lò Núi Kẽm (100ha), xây bịt kín tất cả các đường lò của dự án để đảm bảo an toàn và tránh khai thác trái phép, bảo vệ tài nguyên khoáng sản; đào hố trồng cây, xử lý môi trường các hố nước phục vụ quá trình tuyển quặng khai thác trái phép. Khu vực còn lại như bãi thải, đập thải, đầm lầy Núi Kẽm, nhà điều hành… sẽ san gạt mặt bằng, chống thấm bề mặt bãi thải, cải tạo đất, trồng cây sao đen với mật độ 1.333 cây/ha; xây dựng lớp cách ly có độ thấm thấp phủ lên bề mặt của đập thải; nạo vét hệ thống thoát nước trên mặt chiều dài 1.390 mét, chiều rộng 1 mét, sâu 1 mét…

Ngày 22-11, Bộ TN&MT đã có Quyết định số 3218/QĐ-BTNMT về việc điều chỉnh khối lượng thực hiện Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản quặng vàng tại mỏ Bồng Miêu. Theo đó, Bộ TN&MT quyết định điều chỉnh nội dung về khối lượng công việc, thời gian thực hiện và kinh phí thực hiện Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản quặng vàng tại mỏ Bồng Miêu. Thời gian thực hiện đóng cửa mỏ đến hết năm 2024 với tổng kinh phí thực hiện hơn 14 tỷ đồng. Bộ TN&MT cũng yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam có trách nhiệm tổ chức thẩm định, phê duyệt Dự án đầu tư Đóng cửa mỏ khoáng sản quặng vàng tại mỏ Bồng Miêu theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật liên quan để triển khai thực hiện và làm cơ sở để kiểm tra, nghiệm thu khối lượng thi công các hạng mục công trình của dự án theo quy định.

Thực hiện quyết định trên của Bộ TN&MT, ngày 23-11, UBND tỉnh Quảng Nam giao BQL Dự án ĐTXD tỉnh khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và tổ chức lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực để triển khai thực hiện theo đúng quy định, giải ngân kịp thời nguồn vốn được bố trí. Các Sở, ngành liên quan hướng dẫn, giải quyết kịp thời hồ sơ, thủ tục, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản theo đúng thời gian quy định.

“Mọi hoạt động khoáng sản không đúng quy định là thách thức pháp luật...”, một tấm bảng tuyên truyền được UBND xã Tam Lãnh dựng lên ở khu vực mỏ vàng Bồng Miêu.

Mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ TN&MT, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng, rất khó xử lý dứt điểm việc khai thác vàng trái phép tại khu vực Bồng Miêu. Từ khi Công ty TNHH Vàng Bồng Miêu hết phép, ngừng hoạt động, đã phát sinh nhiều điểm khai thác trái phép, trong khi xác định địa điểm đóng cửa mỏ chỉ ở một số khu vực. Do đó phải vừa triển khai đề án, vừa ngăn chặn khai thác trái phép, vừa có phương án triệt để hơn.

“Quảng Nam kiến nghị vừa phê duyệt dự án, thiết kế, dự toán và các công tác tiếp theo để thực hiện đề án đóng cửa mỏ; đồng thời vừa tính toán đến việc cho đấu giá, đấu thầu công khai, minh bạch chọn lựa một nhà đầu tư để thăm dò, đánh giá trữ lượng, quản lý và khai thác. Phải có ông chủ đứng ra chịu trách nhiệm quản lý; chính quyền không thể đưa quân mãi để lên giữ bãi vàng Bồng Miêu”, ông Lê Trí Thanh đề xuất.

Tán thành quan điểm của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cũng cho rằng, nên có một tổ chức, doanh nghiệp đủ năng lực quản lý, khai thác mỏ vàng Bồng Miêu, chứ không phải đóng cửa mỏ là xong, không thể giữ 24/24 giờ. “Nên chọn hướng tổ chức đấu giá hoặc lựa chọn đơn vị có đủ năng lực tài chính, công nghệ để cấp phép thăm dò khai thác thì mới có thể giải quyết triệt để vấn nạn vàng trái phép”, Thứ trưởng Trần Quý Kiên nói.

BÃO BÌNH