Báo Công An Đà Nẵng

Vật cản ngáng đường

Thứ hai, 07/11/2016 07:51

(Cadn.com.vn) - Tân Thủ tướng Theresa May ắt hẳn phải đối mặt với áp lực lớn khi New Delhi nêu yêu cầu về tự do hóa chính sách thị thực như một điều kiện quan trọng của thỏa thuận thương mại song phương khi nhà lãnh đạo Anh có chuyến công du đầu tiên ngoài Châu Âu đến Ấn Độ vào cuối ngày 6-11.

Trước khi Anh rời Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, Thủ tướng May quyết định đến Ấn Độ với mục tiêu kích hoạt tiến trình đàm phán thương mại với quốc gia Nam Á đang nổi lên này. Đó là lý do vì sao tháp tùng Thủ tướng May trong chuyến công du lần này có Bộ trưởng Thương mại quốc tế Liam Fox và Bộ trưởng thương mại Greg Hands cùng khoảng 40 lãnh đạo doanh nghiệp khắp nước Anh.

Tuy nhiên, vấn đề thị thực có nguy cơ đe dọa làm lu mờ tham vọng thúc đẩy thương mại song phương của bà May. Nhiều người lo ngại, những tranh cãi về thị thực sẽ chi phối tiến trình đàm phán thương mại giữa hai nước. Trên thực tế, làn sóng tức giận nhằm vào nhà lãnh đạo Anh đang gia tăng ở Ấn Độ khi bà May – thời còn làm Bộ trưởng Nội vụ - thúc đẩy thay đổi chính sách thị thực dành cho sinh viên Ấn Độ, theo đó hạn chế cấp thị thực cho sinh viên nước này. Hệ quả là, số lượng sinh viên người Ấn Độ đến học tại trường đại học Anh giảm hơn một nửa.

Giờ đây khi muốn tìm kiếm một hiệp định thương mại với New Delhi, cả hai phải đề cập đến cả vấn đề hàng hóa và dịch vụ. Và tất nhiên, khi bàn về dịch vụ, hai nước sẽ không thể né tránh vấn đề di chuyển của người lao động, trong đó quan trọng nhất là cần phải mở cửa cho lao động của hai nước. Đây được coi là yêu cầu then chốt trong bất cứ cuộc đàm phán thương mại song phương nào.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là những người ủng hộ Brexit vẫn kiên quyết siết chặt chính sách nhập cư của London. Trong khi đó, New Delhi kiên quyết đòi London phải mở cửa cho lao động nước này đến Anh làm việc. Và Ấn Độ có thể đẩy tân Thủ tướng Anh lâm vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” trong chính sách thị thực.

Vì Anh không thể ký thỏa thuận thương mại với một nước thứ ba cho đến khi ra khỏi EU, chính phủ Thủ tướng May rất quan tâm đến cuộc thảo luận trong thời điểm quan trọng như thế này. Vì vậy, có thể Thủ tướng May buộc sẽ phải có sự nhượng bộ với New Delhi để dễ dàng dọn đường cho thỏa thuận thương mại song phương thời hậu Brexit.

Thanh Văn