Báo Công An Đà Nẵng

VAT “trói” doanh nghiệp!

Thứ năm, 03/10/2013 12:00

* Nợ xấu của toàn ngành Cà-phê khoảng 8.000 tỷ đồng

* Kiến nghị tạm dừng hoàn thuế VAT 1 năm

(Cadn.com.vn) - Ngổn ngang nợ xấu, kinh doanh thua lỗ, hàng loạt doanh nghiệp (DN) phá sản, khó khăn tài chính và nhiều tác động xấu từ thị trường xuất khẩu (XK) đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến XK cà-phê thời gian qua và giờ là niên vụ cà-phê vào chính. Cuối tháng 9, tại TPHCM, Nhóm 20 nhà XK cà-phê hàng đầu Việt Nam (CLB G20) tổ chức hội nghị “khẩn” bàn giải pháp XK cà-phê niên vụ 2013-2014 nói riêng, ngành Cà-phê Việt Nam nói chung. Các ý kiến đều tập trung vào “nguyên nhân của mọi nguyên nhân” khiến các DNXK “dọa” ngưng xuất khẩu cà-phê là bất cập trong hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT).

Chồng chất khó khăn

Ông Nguyễn Nam Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Cà-phê Việt Nam (Vicofa), cho biết, niên vụ 2012-2013, ngành cà-phê Việt Nam gặp không ít khó khăn, XK giảm cả về sản lượng lẫn giá trị khi chỉ đạt 1,4 triệu tấn (giảm 23,7%) và 2,8 tỷ USD (giảm 22,8%) so niên vụ trước. Kèm với tình hình XK giảm sút là giá cà-phê trong nước liên tục biến động theo chiều hướng xấu. Đặc biệt, 2 năm qua, kinh doanh XK cà-phê rất khó khăn, DN mua cao bán thấp, thua lỗ triền miên, hàng loạt Cty lớn phá sản, vỡ nợ xảy ra. Ông Hải nhìn nhận, tuy vẫn còn nhiều DN đứng vững, nhưng nếu không cùng nhau tháo gỡ khó khăn thì chắc chắn hoạt động XK cà-phê trong niên vụ tới sẽ khó vực dậy được.

Đồng quan điểm, ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Vifaco, nêu rõ: có rất nhiều yếu tố tác động bất lợi cho ngành cà-phê thời gian qua. Đặc biệt là các DN phải gồng mình chống “bão” khủng hoảng kinh tế và lãi suất cao ngất ngưởng nhiều năm, đến giờ mới biểu hiện rõ bằng việc thua lỗ, nợ nần, phá sản hàng loạt. Trong bối cảnh đó, DN Việt Nam còn phải cạnh tranh trong thế yếu về vốn, kinh nghiệm thị trường so với các DN FDI. Ngành Cà-phê đang hội tụ quá nhiều tác động xấu”.

Theo số liệu mới nhất thì đến thời điểm này, nợ xấu của toàn ngành Cà-phê Việt Nam đã là khoảng 8.000 tỷ đồng, một con số vô cùng lớn.

Khó khăn về hoàn thuế VAT, nhiều DN “dọa” ngừng xuất khẩu cà-phê.

“Dọa” ngưng xuất khẩu vì VAT

Bức xúc lớn nhất được DNXK cà-phê phản ánh là việc chậm được hoàn thế VAT đầu vào. Thông thường, DNXK cà-phê mua hàng qua khâu trung gian và phải trả thuế VAT 5% trực tiếp trên giá mua khi xuất hóa đơn và người bán hàng (khâu trung gian) có trách nhiệm nộp lại khoản thuế này cho cục thuế địa phương. Điều kiện được hoàn thuế là DN thực hiện XK hàng đi nước ngoài. Tuy nhiên, từ nhiều tháng nay hầu hết đều bị cơ quan thuế “ngâm” hồ sơ khiến họ không thể lấy lại được tiền thuế VAT đã nộp trước đó. Tình trạng này, theo ông Đỗ Hà Nam là “Đang trở nên phổ biến ở các DN. Có DN đã gần nửa năm nay không được hoàn lại hàng chục tỷ đồng thuế VAT, nên khả năng phải ngưng XK trong niên vụ tới là rất lớn”.

Đại diện Cty xuất nhập khẩu nông sản Packsimex, TPHCM bức xúc: Nếu Cty chúng tôi không được giải quyết hoàn thuế thì ngay trong tuần tới chúng tôi sẽ gửi công văn lên Bộ Công Thương, Tổng cục Thuế... xin ngưng XK cà-phê”. Theo vị này, Packsimex XK nhiều mặt hàng, kim ngạch trung bình khoảng 45 triệu USD/năm, trong đó có khoảng 1/3 là cà-phê, nhưng từ khi có công văn quy định hoàn thuế mới của Bộ Tài chính thì Cty không thể nào được hoàn thuế VAT với số tiền 12 tỷ đồng.

Vì sao lại như vậy? Theo các DN, trước đây sau khi XK xong họ chỉ cần nộp hồ sơ, hóa đơn là được hoàn thuế (hoàn trước, kiểm sau) nhưng từ ngày 1-7-2013, Công văn 7527 của Bộ Tài chính quy định cơ quan thuế phải tiến hành kiểm tra đầy đủ hóa đơn đến người bán hàng đầu tiên, nếu đạt thì DN mới được hoàn thuế (kiểm trước, hoàn sau). Trong khi đó, hầu hết DNXK cà-phê mua hàng qua trung gian, có khi hàng hóa đó đã được mua đi bán lại qua nhiều tầng nấc nên nếu chờ để cơ quan thuế “truy” đến người bán đầu tiên thì phải mất cả năm trời.

Ông Đỗ Hải Nam cho rằng, DNXK khi mua hàng hóa có hóa đơn và đã thanh toán xong giá trị hóa đơn VAT, đương nhiên họ phải được hoàn thuế VAT đầu vào. Hơn nữa, theo quy định của pháp luật, việc DN bán hàng đã nộp hay còn nợ thuế VAT đối với các hóa đơn trên thì cũng không ảnh hưởng gì đến hồ sơ hoàn thuế của DNXK.

Để tháo gỡ khó khăn, CLB G20 thống nhất, trước mắt kiến nghị Bộ Tài chính cho tạm dừng hoàn thuế VAT trong 1 năm. Đó là vì cơ chế hoàn thuế VAT hiện còn những bất cập, một số thương nhân thu mua trong nước lợi dụng những kẽ hở trong quy định để trục lợi và cuối cùng là đổ hết rủi ro cho các DNXK chân chính. Cũng tại Hội nghị, Hiệp hội Cà-phê Ca cao đề nghị được đối thoại trực tiếp với Bộ Tài chính để trình bày các vấn đề có liên quan đến chính sách thuế, cũng như vấn đề mua tạm trữ.

N.M