Báo Công An Đà Nẵng

TƯ VẤN PHÁP LUẬT:

Vay mượn tiền rồi bỏ trốn, có thể bị xử lý hình sự

Thứ ba, 13/10/2015 11:56

(Cadn.com.vn) - Bà Nguyễn Thị Kim Liên (trú H. Hòa Vang, Đà Nẵng) hỏi: Đầu năm 2014, tôi có cho một người vay 150 triệu đồng. Hai bên có làm giấy nợ viết tay, không có công chứng. Trả lãi cho tôi được 3 tháng thì người vay bỏ trốn. Vậy tôi cần làm gì để bảo vệ quyền lợi cho mình?

Thạc sĩ - Luật sư Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng Chi nhánh Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng, trả lời: Theo quy định của pháp luật dân sự, văn bản vay mượn của các bên có thể không cần công chứng hoặc chứng thực. Do đó, giấy nợ viết tay giữa bà và bên vay được xem là chứng cứ có giá trị chứng minh. Vì vậy, bà có quyền khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền để giải quyết. Tuy nhiên, do người vay tiền đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú nên rất khó để có thể yêu cầu tòa án thụ lý giải quyết. Về hành vi vay mượn nhưng không trả rồi bỏ trốn là có dấu hiệu của tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" được quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người nào có một trong các hành vi: vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Do vậy, bà có thể làm đơn tố cáo người này tới cơ quan Công an cấp huyện để được xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của
Chi nhánh Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng
Gọi 1900 599 907 để được tư vấn pháp luật