Báo Công An Đà Nẵng

Về cái chết của bà Hà Thúy Linh tại Quảng Châu (Trung Quốc): Người trồng chè điêu đứng

Thứ ba, 06/10/2015 10:50

(Cadn.com.vn) - Những ngày cuối tháng 9, thông tin bà Hà Thúy Linh - Giám đốc Cty TNHH Hà Linh, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Lâm Đồng chết đột ngột tại Trung Quốc đã gây xôn xao trong giới doanh nhân và người dân. Không những vậy, nông dân trồng chè ở 2 xã Xuân Trường, Trạm Hành (TP Đà Lạt) lâm cảnh điêu đứng!

Nữ doanh nhân Hà Thúy Linh.

Nữ doanh nhân thành đạt

Sinh ra ở vùng sông nước Đồng Tháp, năm 2002, bà Linh theo chồng (người Đài Loan) về cao nguyên Đà Lạt sinh sống rồi bén duyên với cây trà Ô Long từ đó. Bà bắt tay vào giúp chồng kinh doanh, phát triển chế biến trà cao cấp.

Với vai trò Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Cty TNHH Haiyih, bà Linh đưa Cty phát triển khá nhanh. Từ số vốn 1 triệu USD ngày đầu, sau gần 8 năm hoạt động kinh doanh, năm 2010, tổng thu nhập của Cty đã đạt con số 8 triệu USD. Cũng trong năm 2010, bà Linh còn đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động Nhà máy chế biến trà Ô Long cao cấp với tổng vốn hơn 35 tỷ đồng, vùng nguyên liệu chủ yếu tại thôn Phát Chi, xã Trạm Hành (TP Đà Lạt).

Thành công là vậy nhưng về tình duyên cũng khá lận đận. Năm 2008, sau khi chia tay chồng, bà Linh đã thành lập Cty TNHH Hà Linh, trụ sở tại TP Đà Lạt. Cty của bà chuyên sản xuất, chế biến trà Ô Long xuất khẩu. Hiện Cty Hà Linh đang sở hữu khoảng 200ha chè tại xã Xuân Trường, TP Đà Lạt. Đây cũng là một trong những doanh nghiệp (DN) chuyên sản xuất, chế biến trà Ô Long lớn nhất trên địa bàn Lâm Đồng.

Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, bà Linh còn liên kết với hàng trăm nông dân Cầu Đất để trồng, chế biến trà Ô Long cao cấp xuất khẩu với diện tích hơn 250ha; giải quyết việc làm cho gần 500 công nhân thường xuyên và hợp đồng thời vụ với mức thu nhập bình quân 3-7 triệu đồng/người/tháng. Dù thành lập Cty sản xuất, chế biến trà Ô Long xuất khẩu chưa lâu nhưng Hà Thúy Linh đã nhanh chóng xây dựng được thương hiệu trà Ô Long Hà Linh và trở thành một trong những DN sản xuất, chế biến trà Ô Long xuất khẩu lớn nhất tỉnh Lâm Đồng, có tiếng trong nước và thế giới. Ngoài kinh doanh, xuất khẩu trà Ô Long cao cấp, bà Linh còn kinh doanh cà-phê và spa.

Nông dân trồng chè điêu đứng

Theo thống kê từ Cty Hà Linh, mỗi ngày đơn vị này sản xuất khoảng 14 tấn trà Ô Long thành phẩm và thô. 60% sản lượng được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan và Trung Quốc. Cty Hà Linh xác nhận đa số đối tác của Cty tại 2 thị trường này đều có nợ một số tiền nhất định với Cty.

Theo một số người thân cận với Hà Thúy Linh, thời gian gần đây họ có nghe bà Linh than phiền là thị trường tiêu thụ trà của Cty đang gặp rất nhiều khó khăn. Mục tiêu trong năm 2015 được bà Hà Thúy Linh đưa ra là quyết tâm xuất khẩu khoảng 120 tấn trà Ô Long, cao hơn 30 tấn so với năm 2014. Nếu “thuận buồm xuôi gió”, đây chỉ là con số nhỏ, nhưng vừa qua trà xuất khẩu của Việt Nam sang Đài Loan bị bịa đặt chuyện “nhiễm dioxin”, rồi đến chuyện “dư lượng hoạt chất fipronil - độc tố 2” nên nhiều sản lượng trà làm ra chưa tiêu thụ được.

Vào giữa năm nay, trà Ô Long Việt Nam xuất sang Đài Loan (Trung Quốc) bị trả về 22 lô khoảng 80 tấn. Nguyên nhân bị cho là dư lượng hoạt chất fipronil cao hơn mức cho phép - mức 0,002ppm (một phần triệu). Riêng Cty TNHH Hà Linh trong kho vẫn đang tồn đọng khoảng 20 tấn chưa thể xuất bán trong khi nhiều hợp đồng bán trà Ô Long ra thị trường nước ngoài trước đó vẫn chưa lấy được hết tiền. Luật sư Trương Quang Quý, người đại diện pháp lý cho Cty TNHH Hà Linh, cho biết, cách đây hơn 10 ngày, bà Linh có xuất 3 tấn trà Ô Long qua thị trường Trung Quốc nhưng chưa lấy được tiền hàng.

Nông dân trồng chè đang lo lắng vì không biết bán chè cho ai.

Ngày 2-10, ông Hà Phước Ta - Bí thư Đảng ủy xã Xuân Trường (TP Đà Lạt) cho biết, việc bà Hà Thúy Linh đột tử ở Trung Quốc khiến các hộ nông dân liên kết trồng chè với Cty hoang mang vì không rõ việc bao tiêu nguyên liệu có tiếp tục hay không.

Ngay sau khi xảy ra sự cố ở Cty Hà Linh, mới đây Cty TNHH Fusheng (DN Đài Loan đóng tại xã Trạm Hành) ra thông báo sẽ ngừng việc thu mua nguyên liệu chè từ tháng 1-2016. Điều này khiến có thêm hàng chục hộ nông dân của hai xã trên điêu đứng. Lý do mà Fusheng đưa ra là không còn khả năng chi trả chi phí thu mua chè tươi cho hộ nông dân do lượng chè khô sản xuất vẫn còn tồn kho đến 60 tấn. Thời gian tới Fusheng sẽ phát triển sang lĩnh vực trồng, chăm sóc lan vũ nữ.

Theo một số nông dân cho biết, vốn trồng và chăm sóc chè cao cấp rất lớn. Trung bình cứ 2 tháng một lần phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để chăm bón 1ha chè. Loại chè này phải thu hoạch đúng ngày, đúng giờ, nếu chậm 5 ngày thì chè không còn giá trị. Nhiều nông dân phản ánh Cty Hà Linh đang nợ tiền gối đầu mua chè của họ từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi, một vị lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, cũng vừa nghe phản ánh tình trạng này. Chủ DN Hà Linh bị nạn là việc ngoài ý muốn, nay lại thêm sự cố ở Cty Fusheng thì nông dân sẽ rất khó khăn. Tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT xuống kiểm tra tình hình thu mua nguyên liệu chè cao cấp tại các xã Xuân Trường và Trạm Hành (TP Đà Lạt) và sớm đề xuất phương án xử lý.

Lê Kiên