Báo Công An Đà Nẵng

Về chợ Được xem rước Cộ Bà

Thứ bảy, 16/02/2019 12:20

"Hằng năm mười một tháng Giêng/ Chưng Cộ hát bộ đua thuyền tri ân" - câu ca ấy đã quá quen thuộc với người dân xứ Quảng khi nhắc về lễ hội rước Cộ Bà ở Lăng Bà chợ Được (thôn Phước Ấm, xã Bình Triều, H. Thăng Bình, Quảng Nam). Từ khi lễ hội chính thức được Bộ VH-TT&DL vinh danh là "Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia" vào năm 2014, lễ rước cộ Bà chợ Được càng thu hút đông đảo du khách thập phương tìm về.

Đông đảo người dân, du khách xem rước Cộ Bà.

Năm nay, lễ rước Cộ Bà được chính quyền địa phương và bà con nhân dân chuẩn bị từ rất sớm. Ngoài phần lễ hội gồm các lễ cầu an, truy niệm Đức Bà, rước Cộ Bà diễn ra vào ngày 11 tháng Giêng, trước đó một ngày đã diễn ra một số trò diễn xướng dân gian, hoạt động giao lưu bóng chuyền, bóng đá, hô hát bài chòi, chiếu phim lưu động và giải đua thuyền truyền thống... Đặc biệt, năm nay, lăng Bà chợ Được vừa được xây mới, khánh thành đúng vào dịp lễ hội diễn ra càng tạo thêm sức hút đối với du khách. Ông Trương Công Hùng, Trưởng phòng VHTT H. Thăng Bình cho biết: "Lễ hội có vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân trên địa bàn huyện nói riêng, tỉnh Quảng Nam nói chung. Đây là một hoạt động diễn xướng dân gian chứa nhiều giá trị nổi bật và quan trọng nhất là giá trị tâm linh, văn hóa, nghệ thuật, điêu khắc, tạo hình, sân khấu cũng như luật tục, lễ nghi, cố kết cộng đồng và là cầu nối tâm linh giữa con người với nhau, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Qua đó, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa ở làng xã, bảo tồn những vốn quý di sản văn hóa tinh thần của dân tộc. Đồng thời, là nơi gặp gỡ, giao lưu văn hóa nuôi dưỡng truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" đắp bồi tình yêu quê hương đất nước cho lớp trẻ. Chỉ riêng những bàn Cộ cũng đã là minh chứng sống động cho sự hội tụ văn hóa này".

Lễ hội Cộ Bà ra đời bắt nguồn từ truyền thuyết về một người con gái họ Nguyễn tên Của, sinh ngày 25 tháng 2 năm Canh Dần (1800) tại Phiếm Ái Châu, làng Phường Chào, tổng Mỹ Hòa, H. Diên Phước, nay là xã Đại Cường (H. Đại Lộc). Khi sinh ra, Bà có những điểm khác lạ, đẹp người, đẹp nết, được nhiều người yêu mến, quý trọng... Bà mất ngày 19 tháng 1 năm Đinh Sửu (1817), dân làng lập đền thờ tại quê nhà. Năm Nhâm Tý (1852), bà hiển linh tại làng Phước Ấm, trước cảnh "sa thủy hữu tình", Bà hóa thành một thiếu nữ xinh đẹp, làm nghề đổi nước, bán trầu, bốc thuốc chữa bệnh và kêu gọi nhân dân lập chợ. Lâu ngày dân chúng đến mua bán đông đúc trở thành chợ, tên gọi Chợ Được ra đời từ đó. Để tri ân công đức Bà, người dân làng Phước Ấm lập miếu thờ, ngày đêm hương khói. Năm Mậu Tuất (1898), triều đình Huế ban sắc phong "Tề Thục Dực Bảo Trung Hưng Trung Đẳng Thần"; năm 1924 vua Khải Định lệnh tặng cho Bà "Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần"; năm Đinh Mão (1927) vua Bảo Đại gia tặng "Tề Thục Dực Bảo Trang Huy Thượng Đẳng Thần". Hằng năm, vào ngày mồng 10 và 11 tháng Giêng âm lịch (tức ngày nhận sắc phong đầu tiên), làng Phước Ấm tổ chức lễ cúng Bà và khoe sắc (rước sắc phong). Sinh thời Bà rất thích hát tuồng và đua ghe nên vào những ngày rước Cộ không thể thiếu hai nội dung này trong các hoạt động văn nghệ thể thao truyền thống của làng...

Giải đua thuyền tại lễ hội rước Cộ Bà.

Tối 15-2 (11 tháng Giêng), sau một ngày hòa trong không khí rộn ràng, phấn khởi tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí người dân lại nô nức đi xem rước Cộ Bà. 6 cộ diễu hành, đi đầu là Cộ rước sắc phong tiếp đến là Cộ rước sắc Bà và theo sau lần lượt là 4 Cộ đại diện cho 4 xã. Nhiều xe Cộ được trang trí với những hình ảnh chân thực, sống động tái hiện một thời hào hùng về chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử năm 1945 hay như hình ảnh Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt giết giặc Ân; Trưng Trắc - Trưng Nhị oai hùng cưỡi voi ra trận giành lại giang sơn nước nhà... như nhắc nhớ cho thế hệ hôm nay về một thời khói lửa, giữ nước không bao giờ quên. Để rồi, thế hệ hôm nay phải tự ý thức, dặn lòng cố gắng phấn đấu, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngoài người dân địa phương còn có nhiều người dân làm ăn tận TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Nha Trang hay từ Huế, Đà Nẵng về quê ăn Tết vẫn cố nán lại để vui hội. "Năm nay đúng dịp kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - một trong những chiến thắng quân sự lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta nên các nghệ nhân làng đã có chủ ý trang trí bàn Cộ về nội dung này. Có nhiều tài liệu, sách báo thuật lại chiến tích vĩ đại đó nhưng chứng kiến trực tiếp qua lễ hội Cộ Bà, những giá trị đó càng trở nên gần gũi. Hình ảnh những chiếc máy bay của địch rà sát đầu, thả bom nhưng quân và dân ta vẫn hiên ngang, quật cường được tái hiện lại ngay trên bàn Cộ khiến tôi càng thấu hiểu sâu sắc hơn những hy sinh xương máu của ông cha ta. Là thế hệ đi sau, tôi muốn tất cả chúng ta hãy cùng nối gót, phát huy những truyền thống dân tộc cũng như những giá trị văn hóa đáng tự hào này", anh Nguyễn Hồng Xuyên, trú TP Đà Nẵng hồ hởi chia sẻ.

PHI NÔNG

Rước sắc phong từ nhà thờ của phái nhì tộc Đặng ra đình làng Túy Loan.

Ngày mồng 9, mồng 10 tháng Giêng, người dân làng Túy Loan (xã Hòa Phong, H.Hòa Vang, TP Đà Nẵng) long trọng tổ chức Nghi lễ rước sắc phong tại  Làng cổ Túy Loan. Khi tiếng trống khai hội giục giã, Lễ hội đình làng Túy Loan bắt đầu với nghi thức rước sắc phong và các nghi lễ: nghinh sắc, tuyên sắc, dâng hương, dâng lễ vật... tưởng nhớ công đức các vị tiền hiền các tộc: Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê. Lễ rước sắc phong từ nhà thờ của phái nhì tộc Đặng ra đình làng  được các vị cao niên dẫn đầu, theo sau là đội bát âm, lính lệ, kiệu rước sắc. Rước sắc có một kiệu lễ do 4 người khiêng, xung quanh phủ vải đỏ, vàng, đi theo có cờ, lọng rực rỡ, ban nhạc bát âm và chiêng trống đi kèm. Lễ rước đi qua 4 thôn của làng Túy Loan rồi mới rước về đình làng. Sau khi rước sắc về đến đình làng, các bô lão thực hiện nghi lễ cúng truyền thống cầu quốc thái dân an, dân làng an lạc, mùa màng no đủ...

Ngoài phần lễ với các nghi thức như rước sắc phong, an vị sắc tại đình làng; các phần hội sẽ được tổ chức nhằm cho người dân, du khách thi thố, giao lưu  như hội thi làm bánh tráng, hô bài chòi, hát hò khoan đối đáp trên sông và nhiều trò chơi dân gian vui nhộn...

THANH HIẾU