Báo Công An Đà Nẵng

Về đâu, làng dầu rái Đại Thạnh?

Thứ bảy, 11/10/2014 10:31

(Cadn.com.vn) - Nghề khai thác dầu rái từng là nghề thế mạnh của xã Đại Thạnh, H. Đại Lộc (Quảng Nam). Song hiện tại, sản phẩm dầu rái không còn được thị trường ưa chuộng, nghề này cũng đang mất chỗ đứng trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

TỪNG LÀ “CÂY XÓA ĐÓI”

Với gần 1.000ha đất rừng tự nhiên có cây rái, người dân Đại Thạnh (H. Đại Lộc) có điều kiện thuận lợi để khai thác thế mạnh của vùng: lấy dầu rái. Hai thôn An Bằng và Mỹ Lễ có diện tích khai thác dầu rái và số hộ hành nghề cao nhất xã. Các vị cao niên ở đây cho biết, từ thời thuộc Pháp, hai thôn trên sống chủ yếu dựa vào nghề khai thác dầu rái. Các ngư dân hạ du Thu Bồn, nhất là vùng Hội An đã ngược nguồn lên đây mua dầu rái của người dân về trét ghe nan, thúng chai cho chuyến hành trình vươn khơi bám biển. Các thương lái miền Bắc nghe tiếng cũng ồ ạt vô tận nơi thu mua hạt giống cây rái về trồng thử nghiệm. Việc giao lưu trao đổi hàng hóa rất tấp nập, diễn ra ngay tại khu vực bến sông Thu Bồn tại thôn Mỹ Lễ, nên chợ Bến Dầu nổi tiếng từ đó.

Cây rái mọc tự nhiên, phát triển nhanh, không tốn công chăm sóc, cây đạt đường kính 80cm là có thể khai thác. Ông Hồ Xuân Thành, Trưởng thôn An Bằng cho biết, thôn hiện có 263 hộ dân, trong đó có hơn một nửa số hộ làm dầu, mỗi hộ có hơn 10 hecta đất rừng có cây rái. Cây rái là cây chủ lực xóa đói cho người dân trong thôn, tạo nguồn thu nhập ổn định.

Nghề khai thác dầu rái có từ khi cha ông khai sơn phá thạch lập ấp, trở thành nghề gia truyền qua nhiều thế hệ. Việc khai thác khá đơn giản, không tốn công sức là bao với công cụ chủ yếu là “dời”. “Dùng dời vạt thân cây thành hõm, khoảng 10-15 ngày thì dùng củi khô bó thành đuốc, đốt lửa hơ nóng cho dầu (nhựa cây rái) chảy ra. Dưới gốc cây đào máng để hứng dầu. Khoảng 3-4 ngày sau khi hơ thì cây ráo mặt ngưng chảy, người dân múc lấy lượng dầu đó đem về bán trực tiếp chứ không phối tạp”, ông Thành chia sẻ.

Cao điểm mùa thu hoạch là từ tháng giêng đến tháng 4, tháng 6 đến tháng 8. Việc khai thác chỉ ngưng trệ vào tháng 5 vì rái đổ lá, thay vỏ và vào mùa mưa lụt. Mỗi tháng có thể khai thác 2 lứa, mỗi lứa cho dầu từ 2-3 thùng tây, giá cả dao động từ 400-480 ngàn đồng/thùng, mỗi hộ thu nhập gần 2 triệu đồng/tháng.

Trước đây, HTX trực tiếp đứng ra quản lý thu mua cho người dân theo giá cả thị trường, nhưng về sau HTX không thu mua nữa nên người dân bán cho tư thương ở chợ Bến Dầu. Có thu nhập ổn định từ việc bán dầu rái, nhiều hộ làm nghề đã tự giác đóng góp tiền của vào ngân sách xã.

Người khai thác dầu rái với dụng cụ vạt cây rái khai thác dầu.

HƯỚNG MỞ CHO NGƯỜI KHAI THÁC DẦU?

Nhận thấy giá trị kinh tế mà cây rái đem lại rất cao, nhiều người đã khai thác theo kiểu triệt diệt nguồn lợi tự nhiên này. Người dân chỉ biết khai thác mà không trồng lại khiến cho số lượng cây rái cho dầu giảm đáng kể, đồng nghĩa với việc giảm thu nhập. Khi vạt rái lấy dầu, họ đã dùng dời vạt tới tim cây để tận dụng nốt nguồn dầu đọng lại, vì thế cây rất yếu nên khi có gió bão, cây đổ ngã và không thể cho dầu được nữa. Sống chủ yếu dựa vào nghề khai thác dầu rái mà lại không biết cách giữ nguồn “vàng” thì vấn nạn hoàn nghèo là chuyện ngày một, ngày hai...

Mấy năm nay, thị trường thu mua dầu rái bất động, khiến hàng trăm lao động ở xã Đại Thạnh rơi vào cảnh thất nghiệp, túng thiếu. Ông Nguyễn Tại, người khai thác dầu rái thâm niên ở thôn Mỹ Lễ bộc bạch, nhà ông có 3ha đất rừng có rái, riêng ông đã gắn bó với nghề này được 50 năm. Nếu trước đây, dầu bán chạy, gia đình ông thu lại nguồn lợi đáng kể. Nhưng 2 năm trở lại đây, sản phẩm làm ra bỗng nhiên tồn đọng, bán không được nên ở không hoài, không có tiền tiêu pha.

Tiếc của, người dân Đại Thạnh khai thác dầu rái về để bên xó nhà.

Ông Lê Phước Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Thạnh thông tin, Trung Quốc sản xuất ra loại sơn trít mới, sản phẩm này đã thâm nhập chóng vánh vào thị trường Việt Nam nên nhiều ngư dân đã chọn giải pháp mua sơn thay dầu (rái) nên việc mua bán đã không còn thuận lợi như trước kia nữa. Ông Hồ Xuân Thanh cho hay, hiện nay trong thôn mỗi khẩu chỉ được cấp 200m đất nước (ruộng) nên việc sản xuất nông nghiệp là vô cùng khó khăn, người dân chỉ còn biết dựa vào nghề khai thác dầu rái để mưu sinh. Nhưng đầu ra cho sản phẩm điêu đứng thì cuộc sống bà con rồi sẽ ra sao?

Về phía thôn Mỹ Lễ, ông Huỳnh Thanh, Trưởng thôn Mỹ Lễ phản ảnh, thôn hiện có 70 - 80 hộ trong tổng số 255 hộ không có đất ruộng, phải bám lấy nghề dầu rái. Giờ đầu ra không có thì nghề chủ lực này sẽ đi đâu về đâu? Nhiều người vì tiếc của nên vẫn vào rừng thu dầu về chất xó, chờ đợi cơ hội...

Toàn xã chỉ có duy nhất công ty may Huy Thành, chỉ giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 20 lao động địa phương nên rất khó để giải quyết cho chừng ấy hộ khai thác dầu rái “mất nghề”. Từ khi công ty Việt - Đức triển khai dự án KF6 về việc trồng rừng để giữ nước cho lòng hồ Khe Tân thì người dân rất phấn khởi. Dự án đã thu hút gần 100% lao động 2 thôn tham gia. Công ty này đã liên kết với phía chính quyền xã tiến hành cấp đất, bìa đỏ cho những người trực tiếp tham gia dự án. Theo đó, mỗi hộ sẽ được giao cho quản lý, bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh trong phạm vi 4ha. Từ chỗ lao đao, người khai thác dầu rái nay đã tìm được một công việc mới để làm và được trả lương theo hợp đồng. Giải pháp này liệu có lâu dài hay chỉ là phương án bức bách có thời hạn? Đó cũng là trăn trở của người dân làng dầu rái Đại Thạnh.

Thạch Hà - Ngọc Phước