Về Đông Yên nhớ Tế Hanh
Trước dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tế Hanh (20-6-1921 – 20-6-2021), tưởng nhớ về cây đại thụ của thi ca Việt Nam, chúng tôi về làng Đông Yên, xã Bình Dương (H. Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), nơi có con sông Trà Bồng - con sông quê tắm mát tâm hồn, là nguồn cảm hứng để nhà thơ sáng tác nhiều bài thơ nổi tiếng về chủ đề quê hương.
Trà Bồng - con sông quê hương của Tế Hanh. |
Hồn thơ thắt chặt tình quê
Hơn nửa thế kỷ làm thơ, nhà thơ Tế Hanh (tên thật là Trần Tế Hanh) đã để lại một khối lượng tác phẩm phong phú, trong đó không ít bài thơ về chủ đề quê hương làm say mê người đọc và có sức sống lâu bền với thời gian. Trong số đó, ông đã từng giới thiệu về nơi chôn rau cắt rốn của mình bằng một giọng thơ hết sức tự hào trong bài thơ “Quê hương”.
Nếu đã trót yêu hồn thơ của Tế Hanh, chúng ta sẽ yêu luôn cả những dòng sông và những kỷ niệm mà ông từng gắn bó.
Là nhà thơ miền Nam tập kết ra Bắc, Tế Hanh luôn hướng về quê hương. Có thể nói, những bài thơ của Tế Hanh về đề tài quê hương được xếp vào những bài thơ hay nhất, thành công nhất như: “Nhớ con sông quê hương”, “Mặt quê hương”, “Nói chuyện với sông Hiền Lương”, “Chiêm bao”... Tên gọi các tập thơ của Tế Hanh cũng đã phần nào nói lên tình cảm ruột thịt giữa hai miền Nam- Bắc trong suốt 20 năm đấu tranh: “Lòng miền Nam” (1956), “Gửi miền Bắc” (1958), “Tiếng sóng” (1960), “Hai nửa yêu thương” (1963), “Khúc ca mới” (1966), “Ði suốt bài ca” (1970), “Câu chuyện quê hương” (1973)...
Tế Hanh mang vào trong thơ cái chân thành, trong sáng, giản dị mà tinh tế của tình yêu quê hương, rồi được nới rộng thêm, nâng lên thành tình yêu đất nước.
Bài thơ “Nhớ con sông quê hương” (1956) của nhà thơ là một trong những thi phẩm đi vào lòng độc giả bao thế hệ. Bài thơ trong trẻo, da diết của một người con xa quê khi nhớ về dòng sông quê hương. Dòng sông hiền hòa và bình yên đó đã chở đầy những kỷ niệm của tuổi thơ. Để rồi khi đi xa, bao nhiêu nỗi nhớ thương, hồi ức chợt ùa về như từng đợt sóng: “Quê hương tôi có con sông xanh biếc/ Nước gương trong soi tóc những hàng tre…/ Có những trưa tôi đứng dưới hàng cây/ Bỗng dâng cả một nỗi tràn đầy/ Hình ảnh con sông quê mát rượi”.
Dạt dào cảm xúc qua những dòng thơ
Đúng như lời của Hoài Thanh viết trong Thi nhân Việt Nam: “Thơ Tế Hanh đưa ta vào một thế giới rất gần gũi”, điều đó xuất phát từ tình quê sâu đậm.
Các tập thơ sau này của nhà thơ Tế Hanh như: “Giữa những ngày xuân” (1977), “Con đường và dòng sông” (1980), “Bài ca sự sống” (1985), “Thơ Tế Hanh” (1989), “Giữa anh và em” (1992), “Em chờ anh” (1994)... đã ghi những dấu mốc quan trọng trên chặng đường sáng tạo của nhà thơ Tế Hanh. Các tập thơ của ông là sự thể hiện những rung động sâu sắc về các vấn đề riêng - chung, về các sự kiện xã hội, về con người và cuộc sống theo cách rất riêng, với một tấm lòng và một bước tiến mới về nghệ thuật.
Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến những bài thơ tình của Tế Hanh như: “Vườn xưa”, “Em ở đâu”, “Bài thơ tình ở Hàng Châu”, “Bão”, “Hà Nội vắng em”, “Không đề”, “Văn xuôi cho em”... Âm điệu da diết nhớ thương với những nỗi buồn man mác dịu nhẹ đã tạo nên nét tài hoa, dịu dàng đầy thương cảm, làm xúc động lòng người.
Thơ Tế Hanh mộc mạc, chân chất như chính con người ông. Những sáng tác của ông dễ đi sâu vào lòng người cũng chính bởi sự gần gũi và đồng cảm. Nhà thơ Thanh Thảo đã từng nhận xét: “Ngay từ lúc xuất hiện trong phong trào Thơ Mới, thơ Tế Hanh đã là hiện tượng vì sự mộc mạc, chân thành, vì sự trong trẻo, giản dị như một dòng sông”.
Với những đóng góp cho nền thi ca Việt Nam, nhà thơ Tế Hanh đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (năm 1996) cho các tác phẩm: “Lòng miền Nam”, “Gửi miền Bắc”, “Tiếng sóng”, “Bài thơ Tháng Bảy”, “Hai nửa yêu thương”, “Khúc ca mới”, “Ði suốt bài ca”, “Theo nhịp tháng ngày”, “Con đường và dòng sông”, “Bài ca sự sống”.
Q/N