Vẽ dự án để chiếm đoạt tài sản
(Cadn.com.vn) - Sau một thời gian được đồng nghiệp quen biết giới thiệu dự án và làm giá chào thầu, anh Nguyễn Văn Tùng (Giám đốc một Cty xây dựng tại địa bàn Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) phát hiện bạn mình có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên làm đơn trình báo Cơ quan CSĐT CAQ Hải Châu (TP Đà Nẵng). Sau khi cơ quan CA vào cuộc điều tra thì xác định đó chỉ là những dự án “ma” được tung ra để chiếm đoạt tài sản.
Theo trình bày của anh Tùng, thông qua giới thiệu của người quen, ông biết kỹ sư Nguyễn Văn B. từng làm tư vấn giám sát một số công trình tại Đà Nẵng và Quảng Nam vào những năm 2007-2010. Giữa tháng 7-2014, Nguyễn Văn B. từ TPHCM ra Đà Nẵng tìm gặp anh Tùng cùng một số bạn bè khác và nói rằng đang tư vấn mời thầu, điều hành một dự án tại KCN Tịnh Phong (tỉnh Quảng Ngãi). B. “bật mí”, muốn tìm lại những bạn bè xưa để làm giá chào thầu và thi công, một phần vì đã biết tính cách của nhau, phần khác để tiện thể “làm việc” với các đơn vị khác.
Vì cùng ngành nghề với nhau, nên vừa nói B. vừa trình ra một bộ hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công gồm: 2 nhà xưởng sản xuất thức ăn công nghiệp, thi công bể nước, đài nước và WC do Cty Tư vấn thiết kế và xây dựng P.K. (đóng tại Q. 1, TPHCM) đóng dấu bản vẽ và Cty TNHH Nông sản Bình An làm chủ đầu tư. Để tỏ ý giúp đỡ bạn bè, chiều 16-7, B. gọi điện cho anh Tùng và gửi Email bảng giá của một Cty khác cũng tham gia chào giá cạnh tranh. B. còn tiết lộ cho anh Tùng “giá” trúng thầu để được chủ đầu tư chọn thi công các gói thầu như đã nói ở trên.
Để “mượn” tiền của anh Tùng, B. đã “vẽ” ra dự án và các hạng mục thi công có đóng dấu đỏ của các Cty khác. |
“Có đi thì phải có lại”, đó là quy luật làm ăn xưa nay vẫn được người ta truyền tai nhau. Phần anh Tùng cũng vậy, khi đã được người bạn cũ “bật mí” và nghe kể về việc từ TPHCM ra Đà Nẵng công tác mà tiền công tác phí, các khoản phụ cấp không đủ chi tiêu thì cũng thấy động lòng. Với sự cẩn thận của người làm ăn, anh Tùng vào mạng Internet để tra cứu thông tin và thấy những thông tin về dự án mà B. đưa ra là có thực nên đã đưa tổng cộng cho B. 20 triệu đồng (theo B. nói là mượn). B. cũng hứa sẽ trả lại số tiền nói trên vào ngày triển khai thi công công trình.
Tuy nhiên, tiếp đó, ngày 19-7, B. tiếp tục gọi điện đề nghị anh Tùng chuyển thêm 16 triệu đồng gọi là bảo lãnh dự thầu. Xét thấy có sự vô lý nên anh Tùng không đồng ý. Không thực hiện được ý định, tiếp sau đó, B. lại gọi điện “thúc” anh Tùng chuyển tiền vào tài khoản cá nhân B. để “bồi dưỡng” cho hội đồng xét thầu. Vừa gọi điện, B. vừa nhắn tin: “Anh chuyển khoản cho em 16 triệu đồng ký quỹ dự thầu để em có quyết định trúng thầu cho anh”. “Anh không tin em sao. Coi như anh cho em mượn đi được không?”... Không đạt được ý định, B. tiếp tục nhắn tin kiểu đe dọa: “Vậy thì thôi, nếu anh không chuyển khoản Cty em đợi hợp đồng xong anh chuẩn bị thư bảo lãnh tiền ứng hoặc đối ứng 100% tùy anh giao dịch”.
B. càng nhắn tin, anh Tùng càng thấy nghi ngờ vì đáng ra chính anh là người cần dự án, nhưng chưa có ý định ngỏ lời gì thì B. đã “cầm đèn chạy trước ô-tô” như vậy nên quyết định thử một phen. Theo hẹn, sáng 23-7, B. đến gặp anh Tùng và mang theo dự thảo hợp đồng để xem qua và làm hợp đồng chính thức. B. nói, sau khi làm hợp đồng sẽ mang vào TPHCM để “sếp” ký, đóng dấu, sau đó mang ra rồi đi nhận mặt bằng thi công. Chưa dừng ở màn kịch, sau khi về đến Cty, B. còn nhắn tin “Anh có thì cho em mượn một ít để chi phí”...
Tên và chữ ký của B. trong hồ sơ thiết kế. |
Sau khi tiếp nhận vụ việc, Đội Cảnh sát Kinh tế CAQ Hải Châu đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, làm rõ chân tướng của B. Theo đó, qua xác minh, tại địa chỉ và tên Cty trong hồ sơ thiết kế như B. nói là có thật. Tuy nhiên, qua làm việc thì đại diện Cty cho biết không có ai tên B. như đã nói. Qua làm việc với CQĐT, B. khai nhận không có Cty TNHH Nông sản Bình An nào cả và cũng không có công trình “Nhà máy cung cấp thức ăn công nghiệp” trong gói thầu “thi công xây dựng hai nhà máy xưởng sản xuất” tại KCN Tịnh Phong, Quảng Ngãi. Tất cả thông tin nói trên là do B. đã chuẩn bị từ trước và dựng lên màn kịch như đã nói để “mượn” tiền của anh Tùng nhằm giải quyết những khó khăn của bản thân. Trong quá trình điều tra vụ việc, bản thân B. đã trả lại cho anh Tùng 11 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Văn Vinh - Đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế CAQ Hải Châu cho biết, hiện CAQ Hải Châu đang tiếp tục điều tra làm rõ hành vi của Nguyễn Văn B. Nhưng qua vụ việc này cho thấy, hiện có nhiều đối tượng lợi dụng lòng tin của người dân, chủ các doanh nghiệp để đưa ra các thông tin, dự án giả từ đó tạo lòng tin để chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, trong quá trình làm việc, ký hợp đồng, nhận thầu... đại diện các DN hoặc người được phân công cần tìm hiểu rõ thông tin, lai lịch của đối tác, tránh trường hợp bị các đối tượng tung chiêu lừa đảo dẫn đến thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến việc kinh doanh.
Nguyễn Tuấn