Báo Công An Đà Nẵng

Vẽ đường cho hươu chạy... đúng

Thứ hai, 01/04/2019 08:33

Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2018 cả nước có hơn 1.100 trẻ em bị xâm hại tình dục. Trong khi đó, những hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới được công bố, xử lý, do đó những con số được nêu ra có thể chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Vì vậy, bảo vệ trẻ em trước vấn nạn xâm hại tình dục là việc làm cấp thiết của phụ huynh và nhà trường hiện nay.

Bài tập phản ứng là phần quan trọng mà các bạn sinh viên dạy kĩ cho các em. 

Giáo dục giới tính cho trẻ em

Hiện nay, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em không chỉ xảy ra với trẻ em nữ mà cả trẻ em nam cũng là nạn nhân mà các đối tượng nhắm đến, gây ra hậu quả nghiêm trọng về mặt tinh thần cũng như thể chất của các em. Trên thực tế, các em học sinh bắt đầu biết về cơ thể của mình khi học lớp 5 qua bộ môn Khoa học. Những kiến thức ở trường học xoay quanh những bài giảng về thay đổi cơ thể trong độ tuổi dậy thì, những bệnh lây lan qua đường tình dục và cách phòng tránh thai, nhưng các em chưa được hướng dẫn rõ về những vùng nhạy cảm trên cơ thể cần phải bảo vệ...

Với tinh thần không để các em biết mập mờ mà phải hiểu rõ, cặn kẽ nên các sinh viên Trường Đại học Kiến Trúc Đà Nẵng đã xây dựng chương trình giáo dục giới tính giúp các em tự phòng chống kẻ xấu xâm hại. Đây là chương trình "Học gắn kết cộng đồng" của Đại học Kiến Trúc, thông qua bộ môn Kỹ năng mềm, sinh viên ở các ngành học đều được trực tiếp xuống cộng đồng giảng dạy cho học sinh. Bắt đầu từ tháng 9-2018, dự án chính thức hoạt động và Trường Tiểu học Lê Lai là nơi tiên phong đầu tiên cho chương trình này.

Đến nay, các sinh viên đã thực hiện được 12 lớp với những bài giảng thú vị, gần gũi với học sinh. Để có kiến thức chuyên môn tốt nhất, các sinh viên tự nghiên cứu, tìm tòi, tập huấn kỹ năng từ sự hướng dẫn của các thầy cô. Cô Lương Thị Thanh Thanh (Giảng viên môn Kỹ năng mềm-ĐH Kiến Trúc) chia sẻ: "Trước khi đi thực tế tại cộng đồng, sinh viên được học lồng ghép các kiến thức giới tính qua những tình huống đời thường nhất và bản thân mỗi sinh viên sẽ đúc kết nhiều hướng giải quyết và lấy cơ sở đó truyền đạt lại cho các em học sinh có thể hiểu được".

Mỗi học sinh bắt đầu buổi học sẽ có một quyển sổ gồm những nội dung về cách nhận biết và yêu thương, bảo vệ cơ thể của mình. Nhiệm vụ của sinh viên là phải làm sao cung cấp cho các em nhỏ những kiến thức căn bản, hữu ích về giới tính, nhất là trong giai đoạn dậy thì, giúp các em cởi bỏ những e ngại, lo lắng trước những thay đổi tâm sinh lý thông thường của cơ thể, cung cấp cho các em kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản. Từ đó giúp các em nhận biết được các hành vi quấy rối, xâm hại tình dục để biết cách phòng tránh, bảo vệ bản thân mình và bạn bè. Bạn Ngô Thị Oanh (SV ngành Ngôn ngữ Trung) cho biết: "Đối với các em học sinh dưới lớp 4 chưa hiểu biết nhiều về cơ thể mình nên khi dạy các em còn hơi rụt rè về những vùng nhạy cảm. Nhưng sau thời gian, các em đã cởi mở hơn và tiếp thu rất nhanh nội dung chương trình".

Các sinh viên hướng dẫn cụ thể cho các em từng bộ phận nhạy cảm trên cơ thể cần được bảo vệ.

Hành động vì con      

Từ khi các buổi học phòng chống xâm hại tình dục triển khai, các em học sinh trường Tiểu học Lê Lai dần mạnh dạn hơn khi nói về cơ thể mình và biết đâu là vị trí cần được "nói không" với người lạ. Trong 2 giờ được truyền đạt, các em được trải qua 5 nội dung và bài tập về phản ứng được chú trọng nhất. "Khi các bạn nhỏ đã nắm được những bộ phận quan trọng của cơ thể thì các bạn sinh viên hướng dẫn cách phản ứng khi có người lạ cố tình xâm hại qua các tình huống giả định. Mỗi em có những hướng giải quyết khác nhau, em thì la lớn, em thì bỏ chạy thật nhanh... nhưng dù là phản ứng như thế nào thì các em phải biết chia sẻ sự việc lại với người thân của mình, đó là điều chúng mình mong muốn", bạn Trần Quốc Vĩnh (SV ĐH Kiến Trúc) cho biết.

Qua 12 buổi học kỹ năng, trường Tiểu học Lê Lai còn đẩy mạnh sự tương tác với phụ huynh qua quyển sổ học của các con nhằm mong muốn các bậc phụ huynh có cái nhìn thẳng thắn, khách quan hơn khi giáo dục con về vấn đề nhạy cảm này. Cô Lê Thị Hải Yến (Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Lai) chia sẻ: "Sau mỗi buổi học, các em đều nhận biết rõ ràng kiến thức về giới tính. Đặc biệt hơn, nhà trường nhận rất nhiều sự quan tâm ủng hộ từ phụ huynh, trong đó có nhiều phụ huynh trước đây chưa bao giờ đề cập với con về kiến thức sinh sản, giới tính thì nay cũng bắt đầu trao đổi với con thông qua quyển sổ thông hành nhằm ôn lại kiến thức cho con qua từng nội dung có trong sổ. Nhà trường mong muốn sẽ xây dựng nhiều buổi học hơn nữa để 100% học sinh tại trường đều được nâng cao kiến thức phòng chống xâm hại tình dục".

Diệu Huyền