Báo Công An Đà Nẵng

Về lại "làng buôn người"

Thứ hai, 22/02/2016 10:00

(Cadn.com.vn) - Qua khỏi thị trấn Thành Mỹ (H. Nam Giang,  Quảng Nam) rừng núi xanh biếc bạt ngàn mở ra trước mắt với muôn vẻ sống động. Con sông Cái về mùa xuân cũng trong xanh, hiền hòa hơn. Trên những triền đồi, thấp thoáng những người dân Cơ Tu đang thoăn thoắt trỉa bắp... Tất cả tạo thành một bức tranh miền núi yên bình. Thế nhưng ít ai biết được rằng chỉ 2 năm trước đây, cơn bão buôn người đã càn quét qua nơi này. Để rồi đằng sau dáng vẻ thanh bình kia vẫn có những người ở lại chờ đợi người vợ, người mẹ, người con trở về. Anh Nguyễn Sáu, Phó Chủ tịch Mặt trận H. Nam Giang cho biết: “Đồng bào ở mình đa phần còn lạc hậu nên dễ bị rủ rê nghe lời những kẻ lừa đảo. Mặt trận địa phương cũng đã làm công tác vận động nhiều lần và mọi việc đã tạm lắng trong năm qua không có phụ nữ bị lừa bán nữa. Còn trong số 8 phụ nữ bị lừa sang Trung Quốc vào năm 2013, bây giờ đã về 3 còn 5 người vẫn mất liên lạc”.

Theo sự chỉ dẫn tôi tìm đến nhà bà Lý.T.M. (trú xã Tà Bhing). Tôi vô tình biết bà tại CAH Nam Giang. Trong câu chuyện mà tiếng Kinh vẫn còn bập bõm bà trao đổi với cán bộ trực ban, tôi hiểu được bà đến để báo cáo về tình hình con gái mình đã “mất tích” từ năm 2013. Vì thấy tôi lạ lẫm nên phải mất một lúc lâu bà mới chịu kể về con gái mình. Cô gái có tên là Alăng T. (sinh năm 1995) là con gái thứ 4 của bà. Gia đình quanh năm chỉ làm nương rẫy nên cuộc sống cứ mãi chật vật. T. học hết lớp 9 thì ở nhà phụ mẹ vì cái chữ khó quá, học mãi đau đầu. Rồi đến tháng 3-2013 T. về thông báo với gia đình là sẽ đi làm, sẽ có người dẫn sang nước ngoài phụ việc với lương tháng 5 triệu đồng. Cả đời chẳng bao giờ ra khỏi rừng núi nên bà cũng không biết cái “nước ngoài” mà con gái nói là ở đâu, có xa bằng qua khỏi cánh rừng kia hay không? Rồi T. gói ghém đồ đạc ra đi bà cũng khấp khởi hy vọng cái ngày con mình được sống sung sướng, có đồng tiền mà mua cái quần, cái áo.

Nhưng rồi bẵng đi hàng tháng trời trôi qua không một tin tức về con, cùng lúc đó hàng loạt vụ buôn người tại xã Tà Bhing được Cơ quan CSĐT khám phá ra bà mới vỡ lẽ con mình cũng nằm trong số những người được đi “nước ngoài” đó. Rồi bỗng nhiên bà nhận được điện thoại của con gái báo đang ở Trung Quốc và đã có chồng. “Chỉ nghe hắn nói được mấy câu rứa, cũng không hiểu chi, không biết khi mô hắn về. Tôi có nhờ người ghi lại số điện thoại hắn gọi tới để nhờ các anh công an tìm giúp. Từ đó đến nay hắn cũng chưa liên lạc lại”, bà nói trong tuyệt vọng.

Lạc hậu, thiếu hiểu biết khiến trẻ em và phụ nữ vùng cao trở thành “miếng mồi”
cho những kẻ buôn người. (Ảnh minh họa).

Với thủ đoạn về miền núi tìm những cô gái trẻ, tạo niềm tin bằng việc hứa hẹn có công ăn việc làm nhàn hạ, lương cao, những đối tượng buôn người đã làm thân với những người trong xóm, cho họ ít tiền nhằm tạo sự tin tưởng với gia đình để cho con em đi làm ăn tại miền đất hứa. Điều đáng nói là có nạn nhân đã quay về liên lạc, móc nối để trở thành cầu nối của bọn buôn người...Như trường hợp gia đình của ông Pơ loong K có đến 3 đứa con vừa là nạn nhân vừa là “tú bà” trong đường dây buôn người. Con gái ông K. là Pơ loong Thảo (sinh năm 1996) là một trong những người bị lừa bán sang Trung Quốc với lời dụ dỗ việc nhẹ lương cao. Tuy nhiên, khi biết mình đã sa vào chốn tù đày nơi đất khách, Pơ loong Thảo không tìm cách trốn về nước hay tố giác các đối tượng đã hại mình mà lại nảy sinh ý định mua bán người như những người đã từng hại mình. Do vậy, tháng 5-2013, Thảo điện thoại về Việt Nam liên lạc với em ruột là Pơ Loong Đào (1997) hướng dẫn Đào cách lừa các cô gái đưa sang Trung Quốc bán. Nghe lời chị, Đào đến nhà dụ dỗ em Raíh Thị Non (1999, trú xã Tà Bhing). Do ít tuổi, không dám đi một mình nên Non bảo có Thảo về thì Non mới đi. Để có được “hàng” bán, tháng 6-2013, Thảo về quê đưa Non sang Trung Quốc bán lại cho chính đối tượng Lương Thị Mằn đã từng hại mình.

Biết chuyện phi pháp của em mình, Vi Văn Hữu (1993, trú xã Tà Bhing, anh rể Thảo) không những không tố cáo mà nghe việc lừa các cô gái bán sang Trung Quốc sẽ có nhiều tiền nên cũng lao vào con đường phạm tội. Được sự hướng dẫn của Thảo, Hữu cùng với Đào đến nhà A Viết Quyền (1997, xã Tà Bhing) dụ dỗ cô “đi tìm việc làm lương cao”. Vì thật thà Quyền theo Hữu và Đào ra Nghệ An. Từ đây, bọn chúng dẫn chị Quyền vượt biên qua Trung Quốc bán cho Mằn với giá 60 triệu đồng. Chị Quyền tiếp tục bị Mằn bán cho một tú bà Trung Quốc với giá 90 triệu đồng...

Đường dây buôn bán người sang Trung Quốc tại Nam Giang đã bị Cơ quan CSĐT khám phá, các đối tượng cũng đã phải nhận hình phạt thích đáng. Làng Tà Bhing đã trở về dáng vẻ thanh bình vốn có, thế nhưng đằng sau đó vẫn còn lắm điều phải trăn trở, những người ở lại như ông K, bà M vẫn phải lầm lũi với củ khoai, củ sắn trong khi gia đình ly tán, con cái tù đày. Tuổi thanh xuân của những cô gái trẻ mãi mãi mất đi, phải sống cùng người chồng hờ không danh phận, còn những người chồng, người cha, những đứa trẻ vẫn mong ngóng ngày mẹ chúng trở về trong niềm hy vọng mong manh.

Đồng Dao