Báo Công An Đà Nẵng

Về miền cỏ cháy

Thứ hai, 02/05/2022 12:08
Nhạc sĩ Đình Nghĩ.

Giữa những ngày không ngút mắt ấy, tôi lần tìm về cội gốc, nhặt lại những mảnh vỡ còn sót trong tâm tưởng hình ảnh thằng bé con cháy nắng, đen nhẻm, đầu trần, chân nẻ miếng, chạy rộc người trên tất cả các cánh đồng quê mò cua, bắt ốc, mót lúa, mót khoai, sắn... góp phần đỡ đần mẹ qua mùa giáp hạt, để làm chút dưỡng chất cho cuộc lữ thứ vô định của một kiếp tha hương. Và tôi cũng đã may mắn gặp được tôi xưa qua một tâm thức trữ tình Huế, nhạc sĩ Đình Nghĩ, chảy hoang tràn vào nắng gió đại ngàn cao nguyên trong album Vol 2 Trở về đồi cỏ cháy.

Chiều tĩnh lặng, hoàng hôn cháy đỏ phía chân trời mờ xa. Tôi chọn một góc khuất bên cửa sổ, lặng lẽ, đơn độc ngồi nghe Trở về đồi cỏ cháy của nhạc sĩ Đình Nghĩ- Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Lâm Đồng. Ngoài kia sương rơi bồng như gió thoảng, điểm chút lơ đãng cho cảnh vật chìm vào tịch tĩnh, an nhiên trước lúc bị trời đêm vây khốn. Tôi mở lòng thức cùng Đình Nghĩ suốt 14 khúc tình nhẹ nhàng, tinh tế, mang đẫm dấu ấn phong cách âm nhạc dân gian đương đại: cách chọn hình tượng âm nhạc, cách phát triển dân ca K'Ho, Mạ, Chu Ru và cách tiến hành giai, cách ly điệu... Bông bí vàng ngày hạ, Em gọi anh, Lời ru, Phía vườn hoang dại..., album Vol 2 Trở về đồi cỏ cháy dìu vương tôi vào một thế giới trong veo mà tuyệt vời u uẩn nơi những khúc ru hời tháng năm vời vợi nhớ, khi lăn tăn êm ái như những đợt sóng, lúc não nuột dáng tơ, nhiều khi có những khoảng bồng phiêu trôi dạt, cũng có hồi trào dâng mãnh liệt. Cổ điển mà vẫn biêng biếc xanh nét hiện đại. Đó chính là dấu ấn phong cách âm nhạc cá nhân Đình Nghĩ.

Được tiếp xúc với Nhã nhạc Cung đình Huế từ năm 8 tuổi, những giai âm thanh nhã, hư huyền ngấm vào ấu thơ Đình Nghĩ. Bên cạnh đó, là cái dư ba của đất và người chốn cố đô, với sông Hương núi Ngự, với đền đài lăng tẩm... vọng dội, dưỡng nuôi một tâm chất dễ cảm rung, lắng thấm; lại thêm nhuận sắc, vang hưởng cùng di sản dân nhạc Tây Nguyên lấm láp mà nguyên khôi, trầm hùng mà bay bổng, hoang dại bản năng mà bí ẩn... đã khởi thủy để Đình Nghĩ viết nên dòng nhạc trữ tình loang thấm giữa màu tím Huế với sương chiều gió núi bảng lảng miền sơn nguyên. Nhưng trên hết vẫn là những cuộc tình đa đoan, níu vướng. Ân ái bên này mà sầu đắng ở bờ bên kia. Nó chính là cỗi nguồn, nguyên cớ tạo nên một Đình Nghĩ hoài cổ, hắt hiu buồn, lặng lẽ ôm đàn guitar hát bên triền thơ cỏ cháy đầy khắc khoải, xao lòng.

Tôi đã úp mặt khóc trước một Hương chiều tuyệt mộng nhưng cũng thật đắng xót, hanh hao: "Thì thầm ngày xuân mây trắng giữa trời bồng bềnh mơ. Cành phượng đòng đưa tiếng võng trưa hè kẽo kịt buồn. Xào xạc vườn thu cây lá bên thềm nhè nhẹ ru. Ngàn trùng nhạc hương day dứt phong trần chiều đông xa", và tự du dín, ưu ấp lấy chính mình trong bóng sáng của hồi niệm: "Còn đâu đó mãi mãi còn đâu đó thoảng nắng thoảng gió. Chập chùng xa những ngày dài đêm trắng thương ơi là thương. Đồi sim chín rười rượi đồi sim chín trăng non rưng rưng", để bừng vỡ khát mơ: "Trở lại ngày xanh thơm ngát hương chiều chiều chiêm bao. Trở lại ngày xanh thơm ngát hương chiều chiều chiêm bao".

Ở âm nhạc Đình Nghĩ, tôi nghe có tiếng chuông chiều xa vắng, lặng lờ, trắng trong. Có khi rưng rưng một đốm lửa đỏ tươi bên miên man dòng sông trắng. Rồi những tiếng sáo hư ảo, những lời ru man mác như gần như xa... Tất cả xô dạt, trôi nổi trên một cõi tình vô tội mà chỉ có thể thấy được qua vùng sáng tối lênh loáng của chiêm bao. Âm nhạc Đình Nghĩ đẹp, kín đáo, vừa là những nghiệm sinh ẩn ức hạnh phúc, vừa là miền hoài nhớ mang mang về giọt sương ưu sầu nguyên thủy còn đọng lại trong ký ức mỗi một con người: "Ngùi ngùi trông bờ xa xa ngái xa bóng mẹ già chiều xa. Diệu vợi mong dòng xanh xanh thắm xanh mát ngọt lành miền xanh" (Bóng chiều).

TRỊNH CHU