Báo Công An Đà Nẵng

Về miền "đất thiêng" Quảng Trị...

Thứ hai, 27/05/2019 06:30

Tháng 5, cái nắng của những ngày đầu hè đỏ lửa, những cơn gió Lào bỏng rát cũng không ngăn nổi dòng người về với vùng đất thiêng Quảng Trị. Hòa trong dòng người ấy, chúng tôi cùng Đoàn công tác của Khối thi đua Xây dựng lực lượng- Hậu cần CATP Đà Nẵng do Đại tá Lê Thanh Hải-, Thành ủy viên, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc CATP dẫn đầu cũng tìm về với Quảng Trị, để được nghe, được thấy, được sống trong không khí của những ngày khói lửa chiến tranh và tinh thần chiến đấu quên mình vì Tổ quốc của những người con đất Việt...

Đại tá Lê Thanh Hải và Đại tá Nguyễn Văn Kỷ (áo trắng) thắp hương Đài tưởng niệm Liệt sĩ tại Thành Cổ Quảng Trị. 

Đón chúng tôi tại địa danh lịch sử Thành cổ Quảng Trị, Đại tá Nguyễn Văn Kỷ- Phó Giám đốc CA tỉnh Quảng Trị không giấu nổi xúc động. Với ông, mỗi lần được đón tiếp những đồng chí, đồng đội ở xa về với Quảng Trị cũng là dịp ông ngược dòng lịch sử, để chiêm nghiệm lẽ sống và sự hy sinh bất tử của các thế hệ cha anh ngày trước.

Tại Thành cổ Quảng Trị, mảnh đất của hơn 45 năm về trước là một chiến trường khốc liệt đầy máu và lửa, chúng tôi không khỏi xúc động khi được nghe hướng dẫn viên di tích kể về cuộc chiến giữ Thành của quân và dân ta chống trả những đợt phản kích tái chiếm của địch trong suốt 81 ngày đêm năm 1972 để bảo vệ Thành Cổ và Thị xã Quảng Trị. Và để làm nên trang lịch sử bi tráng ấy, hàng ngàn chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu và vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Các anh hy sinh nhưng hình hài các anh không còn nguyên vẹn, máu và xương thịt của các anh đã hòa vào lòng đất Mẹ, cho non sông đất nước có ngày độc lập, thống nhất, nhân dân được ấm no hạnh phúc. Với những giá trị lịch sử đã được đúc kết bằng sự hy sinh to lớn của hàng ngàn chiến sỹ, cụm di tích Thành Cổ Quảng Trị được Bộ Văn hóa xếp hạng là di tích Quốc gia. Đến đầu năm 1994 được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt.

Bằng giọng đọc trầm ấm, với nhiều xúc cảm, chuyển tải với nhiều dẫn chứng sinh động, người hướng dẫn viên di tích đã cho chúng tôi một cái nhìn, nói đúng hơn là một nhận thức khác khi đến với Thành Cổ Quảng Trị. Bởi đây không chỉ là một di tích lịch sử mà đây còn là nghĩa trang, một nghĩa trang không có nấm mồ cụ thể. Khác với nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn, nghĩa trang liệt sỹ Đường 9 hay các nghĩa trang khác, là ở đó có những ngôi mộ biệt lập, dù biết tên hay chưa biết tên. Nhưng khi đến với Thành Cổ Quảng Trị, là đến với một ngôi mộ tập thể, một nấm mồ chung của không biết bao chiến sĩ đã ngã xuống nơi này. Và "Đài tưởng niệm trung tâm" chính là biểu tượng của nấm mồ chung, của ngôi mộ tập thể ấy.

Nằm trong khuôn viên di tích cấp Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị, chúng tôi thêm một lần bị ấn tượng mạnh bởi những hiện vật được lưu giữ trong Bảo tàng. Ngoài những bức ảnh lưu lại dấu tích bom đạn tàn phá Thành Cổ, hay "nụ cười thách thức bom đạn" của những chiến sĩ giải phóng quân dưới chân Thành, "nụ cười của lão ngư dân Triệu Phong" ngày đêm đưa bộ đội sang sông Thạch Hãn... thì những di vật, "những bức thư thời chiến" của các liệt sĩ được lưu giữ nơi đây là "niềm cảm hứng" cho những giọt nước mắt của bất kỳ ai, kể cả những người mang trong mình tinh thần thép.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng dư âm của cuộc chiến 81 ngày đêm mùa hè lịch sử thì vẫn còn đó. Thành Cổ Quảng Trị và dòng sông Thạch Hãn trở thành tượng đài lịch sử trong tâm khảm đồng bào cả nước. Nơi đây mãi là cội nguồn cho những cuộc hành hương ngược dòng lịch sử cho những ai muốn chiêm nghiệm lẽ sống và sự hy sinh bất tử.

Rời di tích Quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị, chúng tôi đến thăm Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9, nơi yên nghỉ của hơn 1 vạn các anh hùng liệt sỹ với đầy đủ ba sắc quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9,  ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong không khí trầm mặc, từng đoàn người ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương khác nhau trong cả nước, không ai bảo ai cứ thế tỉ mẩn thắp từng nén hương lên các phần mộ liệt sĩ được chăm sóc cẩn thận từ đoàn viên thanh niên các cơ sở Đoàn của tỉnh Quảng Trị đều đặn mỗi tuần. Tiếp tục hành trình đến với Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, nơi yên nghỉ của hơn 10 ngàn liệt sỹ hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước và địa đạo Vịnh Mốc (H. Vĩnh Linh), chúng tôi thêm một lần nữa như được sống lại những thời khắc lịch sử, hồi tưởng lại cuộc chiến đấu kiên cường, sự hy sinh, mất mát của quân và dân ta thời kỳ chống Mỹ.  

Đoàn công tác Khối thi đua XDLL - Hậu cần CATP Đà Nẵng chụp ảnh lưu niệm tại Thành cổ Quảng Trị.

Mặc dù đã không ít lần đến với các địa danh trên vùng đất thiêng Quảng Trị, nhưng với Thượng tá Nguyễn Chính- Phó Trưởng phòng Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc CATP Đà Nẵng, không lần nào anh kìm được cảm xúc của mình. Thượng tá Chính tâm sự rằng, về với đất thiêng Quảng Trị trong những ngày này, chúng ta như được tắm mình trong truyền thống, để rồi hun đúc thêm niềm tự hào. Đó cũng là nguồn cội của sức mạnh để ta vững vàng trên hành trình đến với ngày mai. Chính những cảm xúc từ trái tim ấy mà ngay trong chuyến về nguồn, Thượng tá Chính đã cho ra đời bài thơ với tựa đề "Thành Cổ ngày tôi đến".

Xin mượn những câu thơ trong bài thơ để kết thúc cho bài viết này:

"Quảng Trị mùa hè năm ấy/Đạn bom nghiền nát bầu trời/Thành Cổ đỏ bừng chảo lửa/Thạch Hãn vạc dầu đang sôi/ Dẫu có là gang là thép/Cũng tan thành bụi thành mây/Mà anh bằng da bằng thịt/Nụ cười sáng mãi nơi đây/ Thành Cổ hôm nay tôi bước/Cỏ non mượt tầm lụa dày/Thịt xương chất chồng năm ấy/Giờ thành xanh mát ngàn cây/ Thắp nén nhang trên đài cao/Dâng Nấm mồ chung Liệt sỹ/Cầu linh hồn xưa mãi mãi/Thành hương hoa ngát đường dài".

D.Hùng