Về miền hoa giấy
(Cadn.com.vn) - Thuyền xuôi dòng lướt nhẹ trên mặt sông rộng đưa chúng tôi tới ngã ba Sình, một địa danh nổi tiếng trong câu ca xứ Huế:"Đò từ Đông Ba đò qua Đập Đá. Đò về Vỹ Dạ thẳng ngã ba Sình". Anh Đặng Mạnh Trí, hướng dẫn viên Công ty Du lịch Vietravel đã chuẩn bị sẵn 30 chiếc nón lá và 30 chiếc xe đạp để trên bến tự bao giờ. Cả đoàn đội nón Huế, đạp xe đạp băng qua cánh đồng làng Thanh Tiên nằm bên bờ Nam hạ nguồn sông Hương. Gió ban mai thổi lộng và ánh nắng vàng trải đều trên từng khóm lúa tháng Ba xanh ngát. Đi hết 3 cây số đường mòn, chúng tôi rẽ vào làng hoa giấy Thanh Tiên.
Đón đoàn có họa sĩ Thân Văn Huy và người em Thân Đình Hoài, là hai nghệ nhân xuất sắc của làng nghề làm hoa giấy. Ngôi nhà các anh đang ở cũng chính là cơ sở dạy nghề, làm nghề, nơi triển lãm hoa giấy trong các kỳ Festival Huế và điểm đón du khách khắp nơi về tham quan. Làng hoa giấy Thanh Tiên vừa đón nhận Bằng Công nhận làng nghề truyền thống 300 năm tuổi. Thời gian tồn tại của làng nghề nói lên tính đặc sắc của sản phẩm hoa giấy như một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân bấy lâu nay.
Người ta lý giải rằng, từ tín ngưỡng dân gian, người Huế luôn chú trọng việc trang trí bàn thờ sao cho sang trọng, quanh năm luôn đẹp đẽ, đặc biệt vào ngày Tết cổ truyền. Ngày xưa hoa tươi khó trồng do thời tiết ở Huế mưa nhiều. Một cành hoa giấy nhiều màu rực rỡ, chưng được cả năm... là lựa chọn thích hợp nhất. Mỗi năm vào giữa tháng Chạp, từ làng Thanh Tiên, hoa giấy theo chân các mệ, các o, các em nhỏ lên thành phố, tỏa ra khắp mọi ngả đường. Người ta mua hoa giấy mới về tôn trí trên am, cảnh, trang Ông, trang Bà, trang ông Táo, bàn thờ tổ tiên... và hạ hoa cũ xuống đốt đi.
Nhờ có phong tục này, nghề làm hoa giấy còn lưu truyền cho đến ngày nay. Hoa giấy thờ cúng chủ yếu mô phỏng các loại hoa sen, lan, cúc, đồng tiền, loa kèn, tường vi... Đặc biệt trên một cành hoa giấy có nhiều loại hoa, nhiều màu sắc đan xen mà vẫn hài hòa. Trong đó, nổi lên hình dáng chiếc hoa sen mang vẻ đẹp sang trọng và thanh tao, là nguồn cảm hứng thôi thúc các nghệ nhân sáng tạo riêng ra một dòng sản phẩm mới là hoa sen giấy.
Cách đây 50 năm, khi hoa sen giấy mới ra đời, kỹ thuật nghề còn thô sơ, nhuộm màu thủ công, chất liệu giấy pơ-luya mỏng dễ hút ẩm, không thích hợp thời tiết mưa nhiều ở Huế. Sản phẩm làm ra nhanh cũ, xuống màu, không chưng được lâu. Người ta không làm hoa sen giấy nữa. Hơn 40 năm sản phẩm hoa sen giấy mất đi để lại trong ký ức một lớp nghệ nhân lớn tuổi sự nuối tiếc và day dứt. Vì đây là một loài hoa có hồn, ẩn chứa nét đẹp văn hóa làng Việt. Sau nhiều năm trăn trở, họa sĩ Thân Văn Huy cùng người em là nhà giáo Thân Đình Hoài nghiên cứu khôi phục lại nghề làm hoa sen giấy.
Ông Huy thay đổi toàn bộ chất liệu và kỹ thuật làm hoa sen giấy cũ bằng cách sử dụng loại giấy trắng A4, đưa kỹ thuật pha màu của hội họa vào để nhuộm màu cho giấy, dùng keo dán thay cho hồ, cành hoa làm bằng sợi mây thay cho cành tre cũ... Hoa sen từng bước hoàn thiện về kỹ thuật, hình dáng, màu sắc, mỹ thuật và trở thành một sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo thuyết phục được cả du khách lẫn người dân địa phương. Bà con ở Huế trở lại mua hoa sen giấy về trang trí trong nhà hoặc tôn trí trên bàn thờ đều thích hợp bởi dáng hoa vừa thẩm mỹ vừa tinh khiết.
Hai nghệ nhân Thân Văn Huy (đeo kính) và Thân Đình Hoài giới thiệu làng nghề hoa giấy Thanh Tiên. |
UBND tỉnh TT-Huế đã kịp thời quan tâm cấp kinh phí để anh em ông Huy mở lớp dạy nghề làm hoa sen giấy cho cả làng. Trình độ tay nghề người lớn và trẻ em ngày càng nâng cao, sản phẩm ngày càng tinh tế. Đến nay, một ngày, một người làm được từ 10 đến 15 bông hoa sen giấy, mỗi chiếc hoa giá bán từ 20.000 đồng. Từ năm 2006, qua các kỳ Festival Huế, ông Huy đều tổ chức triển lãm hoa giấy lại làng phục vụ du khách. Năm 2011, Bộ VH-TT&DL mời hai nghệ nhân Văn Huy, Đình Hoài tham gia triển lãm hoa sen giấy lại Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM để lấy ý kiến bầu chọn quốc hoa cho Việt Nam.
Hoa sen giấy là một trong những nghệ thuật thể hiện nét đẹp của hoa sen bên cạnh nhiều cách thể hiện của các loại hình nghệ thuật khác, góp phần đưa đến kết quả hoa sen hồng được chọn làm quốc hoa Việt Nam. Hoa sen được tôn vinh càng làm cho làng nghề Thanh Tiên có thêm luồng sinh khí mới. Nhiều đoàn lữ hành trong và ngoài nước đến tham quan, thích thú khi tự tay làm ra được một sản phẩm của làng nghề. Hoa sen giấy theo du khách có mặt khắp nơi trên thế giới... Ông Đình Hoài chia sẻ, làng Thanh Tiên vừa mới gom lô hàng hơn 1.000 bông hoa sen giấy xuất đi Bỉ. Hôm ấy, tình cờ tôi gặp nhiều người đang làm ăn phương xa trở về thăm quê và muốn ở lại phục vụ triển lãm hoa giấy Thanh Tiên trong những ngày lễ hội Festival sắp tới.
Tại buổi tiếp đón đoàn báo chí, ông Ngô Hòa-Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh TT- Huế-cũng cho biết ngoài lực lượng chuyên nghiệp của Ban tổ chức, đã có hơn 3.000 người háo hức nộp đơn xin làm tình nguyện viên Festival năm nay. Song, Ban Tổ chức không thể thu nhận hết mà phải tuyển chọn dựa trên các tiêu chí cụ thể như kiến thức, phong cách giao tiếp, năng động, nhiệt huyết..., để lực lượng này phục vụ Festival đạt hiệu quả cao nhất. Mong ước làm tình nguyện viên của một số bà con về thăm quê dù có được toại nguyện hay không, tinh thần Festival của mỗi người dân Huế vẫn đáng trân trọng.
Nhiều cành hoa giấy được cắm vào bó rơm thành "cây bông" lớn. |
Câu chuyện tâm tình giữa khách và chủ nhà Festival Huế, cho tôi cảm nhận đôi điều về cành hoa giấy đơn sơ cũng góp phần hình thành một tình yêu quê hương, xứ sở. Người Huế đi xa, ngày cuối năm lòng ai không xao xuyến thương nhớ quê nhà qua bao hình ảnh của tuổi thơ hiện về: Hằng năm, đến ngày 23 tháng Chạp thấy mẹ mua cành hoa giấy mới tinh về để trên trang ông Táo, cha chưng mấy lọ hoa giấy rực rỡ trên bàn thờ ông bà..., lòng rộn ràng biết Xuân về Tết đến.
Hôm nay, sống ở những thành phố hiện đại, xung quanh mình hàng trăm loài hoa tươi sang trọng khoe sắc nhưng nhiều người vẫn không quên được cành hoa giấy đơn sơ, mộc mạc đầy ắp tình yêu thương đầm ấm bên gia đình. Cành hoa giấy không còn giới hạn ở làng Thanh Tiên mà đã vượt ra ngoài bờ tre ruộng lúa, có mặt khắp phố thị của TT-Huế đến các tỉnh lân cận và ở những nơi xa xôi có người Huế sinh sống. Những ai lập nghiệp phương xa không có dịp về thăm quê, ngày Tết để trên bàn thờ ông bà một cành hoa giấy là cả làng quê bến nước êm đềm của sông Hương, núi Ngự hiển hiện trong lòng.
Nét đẹp hoa giấy Thanh Tiên vừa có chiều rộng không gian địa lý vừa có chiều sâu không gian văn hóa trong miền ký ức nhiều người. Làng Thanh Tiên là lối vào một miền hoa giấy. Hạnh phúc cho quê hương của người làm ra cành hoa giấy truyền thống, nhờ công nghệ thông tin và ngành du lịch phát triển hôm nay mà nhận được sự tôn vinh, sẻ chia, động viên khắp nơi trong và ngoài nước để bảo tồn và lưu giữ giá trị văn hóa làng nghề.
Ngô Bảy