Báo Công An Đà Nẵng

Về một người Quảng Nam đi trước thời đại

Thứ ba, 08/05/2018 10:43

Với chủ đề Phan Châu Trinh-người đi trước thời đại, Salon Văn hóa cà-phê thứ bảy vừa khai trương ngày 6-5 tại Đà Nẵng đã thu hút đông đảo người tham dự. Không gian văn hóa uy tín này hy vọng sẽ đem lại làn gió mới cho đời sống văn hóa, học thuật còn khá vắng lặng tại Đà Nẵng. Buổi trao đổi đầu tiên với Giáo sư (GS) Chu Hảo và người chủ trì là nhạc sĩ Dương Thụ thành công hơn mong đợi.

Nhạc sĩ Dương Thụ chủ trì buổi giao lưu tại Đà Nẵng nói đã "thành công ngoài mong đợi".

Chủ đề "Phan Châu Trinh - người đi trước thời đại" từng được GS Chu Hảo trình bày tại các Salon Văn hóa cà- phê thứ bảy ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, nhưng tại vùng đất Quảng Nam-quê hương cụ Phan Châu Trinh, buổi trao đổi càng mang ý nghĩa lớn hơn. GS Chu Hảo chia sẻ: nếu trước đây từng có ý kiến cho rằng đường lối của cụ Phan Châu Trinh là "cải lương", thì sau cuộc hội thảo khoa học năm 1992 tại Quảng Nam, quan điểm chính thống về tư tưởng của cụ Phan Châu Trinh đã có cởi mở hơn, nhưng vẫn còn e dè. Trong khi đó, nhà nghiên cứu người Pháp Daniel Hemery vào năm 1990 đã cho rằng: "Khuôn mặt vĩ đại của Phan Châu Trinh, theo tôi là gương mặt quan trọng nhất trong lịch sử văn hóa và chính trị của Việt Nam ở thế kỷ XX. Bởi chính ông đã xác định một cách rành mạch và sáng rõ nhất những nan đề đặt ra lâu dài cho các thế hệ người Việt Nam phải và còn mãi mãi phải đảm nhận". Trong khi các nhân vật yêu nước cùng thời, chỉ thấy việc đánh đuổi Pháp, giành độc lập, hệt như lịch sử dân tộc suốt ngàn năm trước đã đánh ngoại xâm Trung Hoa thì cụ Phan Châu Trinh đã nhận ra một vấn đề phức tạp hơn, cơ bản hơn rằng: vào lúc ấy chúng ta đã thua kém các nước tiên tiến một thời đại văn minh. Vấn nạn không chỉ ở chỗ bị xâm lăng lãnh thổ, mà hơn thế nữa, đất nước đã rơi vào tình trạng nguy hiểm: nhân dân thì lầm than u tối, sĩ phu thì dốt nát ươn hèn, quan lại thì tham lam hủ bại. Ông chủ trương "Bất bạo động, bạo động tắc tử. Bất cầu ngoại, cầu ngoại dã ngu" và thực hiện chương trình Canh tân với khẩu hiệu "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh". Phong trào Canh tân đã thất bại, nhưng triết lý phát triển của Phan Châu Trinh còn sống mãi và giữ nguyên giá trị thời sự cho đến ngày nay. Năm 2016, trong diễn văn phát biểu tại Hà Nội, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhắc đến 3 nhà văn hóa, khoa học lớn mang tầm quốc tế của Việt Nam, đó là các tác phẩm thi ca của Nguyễn Du, tư tưởng triết học của Phan Châu Trinh và toán học của Ngô Bảo Châu...

Tại buổi trao đổi, nhà văn Nguyên Ngọc khẳng định thêm: cụ Phan Châu Trinh là người đầu tiên đã chỉ ra chúng ta mất nước vì thua kém về nền tảng văn hóa và giáo dục lạc hậu và cụ mong muốn chuyển lòng yêu nước thô ráp thành lòng yêu nước tinh tế và thông minh. Nhà nghiên cứu, tiến sĩ Ngô Văn Minh đến tham gia buổi trao đổi với các tài liệu nghiên cứu về tư tưởng cụ Phan Châu Trinh, đã cung cấp thêm các thông tin liên quan đến tinh thần "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" và nhấn mạnh suy nghĩ "chi bằng học" mà cụ Phan luôn đề cao. Các câu hỏi tại buổi trao đổi đặt ra vấn đề tiếp thu tư tưởng của cụ Phan Châu Trinh trong thời đại hiện nay, nhất là khi vấn đề thực học càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Thậm chí, nói như nhận định của GS Chu Hảo: nền giáo dục hiện nay của chúng ta không thể nói là lạc hậu, mà đang đi lạc đường.

Đáng chú ý tại buổi trao đổi là sự có mặt các bạn trẻ với những chia sẻ tâm huyết. Một số bạn cho biết lỗ hổng về văn hóa lịch sử của người trẻ hiện nay quá lớn, khi các kiến thức học ở trường chỉ mang tính đối phó. Và những tư tưởng mang tầm thời đại như cụ Phan Châu Trinh, khi tới đây, các bạn mới được biết và hiểu rõ. Bạn Nguyễn Thành Long, từng du học tại Australia, hiện làm việc tại Đà Nẵng cho biết rất quan tâm đến tư tưởng của cụ Phan Châu Trinh và tìm thấy ở đó nhiều bài học hữu ích cho giáo dục nước ta hiện nay. Tuy nhiên, khi chia sẻ thông tin này lên mạng xã hội và được sự chú ý của bạn bè thì nhiều bạn nhận ra rất khó khăn trong việc tìm kiếm tài liệu về cụ Phan. Sách viết về tư tưởng của cụ, có cuốn dày quá không thực sự thích hợp với việc đọc của người trẻ, có cuốn dung lượng vừa phải như "Phong trào Duy Tân" của Nguyễn Văn Xuân thì xuất bản đã lâu, rất khó tìm lại. Và những tư liệu này hầu như chưa được số hóa để người trẻ dễ dàng tìm thấy và tra cứu trên mạng Internet.

Buổi trao đổi kéo dài hơn thời gian dự định và các câu hỏi, những ý kiến liên tục được đặt ra. Người chủ trì là nhạc sĩ Dương Thụ cho biết, cuộc trao đổi này cũng là một trong những buổi gặp gỡ thành công nhất của Salon Văn hóa cà- phê thứ bảy bởi sự tiếp nhận, phản hồi tích cực từ phía người tham dự. Salon Văn hóa cà-phê thứ bảy tại Đà Nẵng sẽ còn được tiếp nối với hoạt động chiếu phim, giao lưu với đạo diễn, nhà làm phim độc lập Nguyễn Trinh Thi diễn ra vào cuối tháng 5 này. Các buổi gặp gỡ sau đó dự kiến sẽ mời GS Trần Văn Thọ, hiện đang giảng dạy tại trường Đại học Waseda (Tokyo, Nhật Bản); nhà văn Nguyên Ngọc với chủ đề về Tây Nguyên và các nhân vật uy tín khác trong các lĩnh vực khoa học, văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam.

HẢI QUỲNH