Về quê chạp mả
Từ xa xưa, cứ vào những ngày tháng mười một, mười hai âm lịch nhà nhà quê tôi tiến hành chạp mả. Dịp này, con cháu đi làm ăn, sinh sống ở xa lại cùng nhau về dâng lễ thắp hương, sửa sang, làm sạch đẹp mồ mả tổ tiên, ông bà, người thân. Giống bao bước chân xa quê khác, ngày chạp mả là dịp hội ngộ, rưng rưng giọt nước mắt đoàn viên.
Cha mẹ tôi cả năm bận bịu việc vườn tược, lo cho đàn gà, vịt, con heo trong chuồng ấy vậy mà gần đến ngày chạp mả, tất cả những công việc thường nhật, đồng áng đều được bỏ lại để tập trung cho việc chăm sóc, quét dọn, làm cỏ, sửa sang lại mồ mả ông bà.Từ hôm trước, cả nhà tôi đã lo việc mổ heo, chuẩn bị đậu, nếp. Mâm cúng chạp mả, nấu nhiều món hơn ngày giỗ thường ngày. Cha thường dặn dò cả nhà: “Các món được chuẩn bị phải chu đáo, trước để dâng cúng, sau cho con cháu quây quần bên nhau tưởng nhớ về ông bà, tổ tiên.”
Quả không ngoa khi nói cha mẹ chuẩn bị mâm cúng này từ tháng 3, tháng 4. Khi thu hoạch vụ mùa đông xuân vừa dứt, má đã lội chợ tìm mua bằng được con heo cỏ về thả chuồng; gầy lại mấy bầy gà để cuối chạp mả mổ thịt. Vườn nhà có mấy cây cau, quanh năm lo lượm nhặt những tàu lá rụng, cắt lấy mo tước mỏng, quấn lại gác bếp để gói giò. Mẹ còn lo cả mấy vạt nếp để nấu xôi, chè, làm bánh ú bánh chưng từ vụ mùa trước đó,..
Đúng ngày chạp mả, sáng sớm, con cháu bên nội ở xa kéo nhau về để cùng lo mâm cúng. Con cháu bên ngoại “được quyền” đến muộn hơn, thường là về vào buổi trưa, khi mâm cúng được dọn ra, mỗi người được phân công một việc. Đàn ông lo chuyện hương án, sắp dọn bàn thờ. Phụ nữ thì đi chợ, làm bếp. Không khí ngày chạp mả vì thế mà trở nên nhộn nhịp, vui vẻ, thân tình, là dịp để bà con nội, ngoại biết nhau. Tình cảm ruột rà, thân thuộc, người ở làng, kẻ ở xa từ đó mà gần gũi. Tiếng cười, nói râm ran như ngày hội.
Ngày cuối năm, đang làm việc, nhận cuộc điện thoại vội vàng của cha mà nghe lòng rưng rức bao điều. Cha mẹ giờ này chắc cũng đang bận bịu với lũ gà, bầy heo,... cùng nỗi thấp thỏm chờ mong con nhanh chóng về. Lại thêm một mùa chạp mả, cầu mong cha mẹ được mạnh khoẻ, để hằng năm tôi còn được nghe lời nhắc nhở của cha mẹ: “Dàn xếp về dự chạp mả nhé con?”, còn được ăn những món chạp mả mà cha mẹ đã chắt chiu gói trọn tình thương.
Tản văn: Phan Thị Thanh Ly