Về quyền bình đẳng của điều tra viên, kiểm sát viên, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác trong việc đưa ra chứng cứ, kiểm tra, đánh giá chứng cứ
Điều 26 dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) quy định: “Trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, Điều tra viên, Kiểm sát viên, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan vụ án”.
Chúng tôi không đồng tình với quy định này, bởi lẽ Điều tra viên, Kiểm sát viên là những người tiến hành tố tụng thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật có nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bảo đảm cho người dân được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh. Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là đối tượng vi phạm pháp luật hình sự, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân. Cho nên, trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, không thể có chuyện “bình đẳng” giữa những người được Nhà nước giao trọng trách đấu tranh phòng, chống tội phạm với đối tượng phạm tội trong việc đưa ra chứng cứ, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan vụ án, vì đây là những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng. Chẳng hạn, sẽ là vô lý khi người phạm tội ma túy đòi hỏi phải được bình đẳng với điều tra viên trong việc đưa ra chứng cứ, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật của vụ án ma túy đang được điều tra, vì nhiệm vụ của cơ quan điều tra suy cho cùng là làm rõ sự thật khách quan của vụ án.
Điều đó khác về chất với việc xác lập sự bình đẳng trước Tòa án trong quá trình xét xử giữa bên buộc tội (Kiểm sát viên), bên bị buộc tội (bị cáo), người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật để chứng minh sự thật của vụ án, đưa ra yêu cầu (triệu tập thêm người làm chứng, thay đổi người tiến hành tố tụng...) và tranh luận dân chủ trước Tòa. Tòa án mà trực tiếp là Hội đồng xét xử có nhiệm vụ tạo điều kiện cho các bên tham gia tranh tụng đưa ra chứng cứ, yêu cầu để đưa ra bản án hoặc quyết định đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Vì vậy, chúng tôi đề nghị giữ nguyên quy định tại Điều 19 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành: “Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện hợp pháp của họ, người bảo vệ quyền lợi của đương sự đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước Tòa án. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho họ thực hiện các quyền đó nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án”.
Trần Minh