Báo Công An Đà Nẵng

Kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam:

Về Tân Hạnh nghe kể chuyện “Chọn cái đường...”

Thứ tư, 28/01/2015 10:14

(Cadn.com.vn) - Từ những năm 30 của thế kỷ trước, người dân làng Tân Hạnh (nay thuộc xã Hòa Phước, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đã sớm tiếp cận những bài báo của Nguyễn Ái Quốc. Từ đó, lý tưởng cách mạng đã soi rọi để vùng quê này trở thành một trong những căn cứ cách mạng đầu tiên ở vùng đất Quảng - Đà.

Ông Nguyễn Ngọc Kinh.

Đã bước vào cái tuổi gần 90, nhưng khi nhắc lại chuyện xưa thì ông Lê Tổn (thôn Tân Hạnh) vẫn nhớ như in thời điểm những năm đầu của phong trào cách mạng. Ông kể:- “Từ năm 1930, khi phong trào cách mạng hình thành, làng Tân Hạnh đã có nhiều đồng chí Đảng viên hoạt động tại đây, rồi sau đó tất cả người dân đều theo Đảng, Bác Hồ. Có thể nói, làng Tân Hạnh là một trong những nơi đầu tiên theo Đảng ở vùng đất Quảng- Đà”. Để chứng minh, ông Tổn dẫn tôi đến ngôi nhà của ông Nguyễn Ngọc Kinh, nơi có bia Di tích lịch sử cách mạng, ghi dòng chữ “Nhà ông Nguyễn Ngọc Kinh (thôn Tân Hạnh) năm 1936 là nơi dùng hội họp, in ấn tài liệu cách mạng. Cuối năm 1936, Ban Tỉnh ủy Quảng Nam được thành lập nơi đây”.

Vì sao ở ngôi làng Tân Hạnh lại sớm biết đến tư tưởng cứu nước của Bác Hồ sớm vậy?

Hỏi ra mới hay, từ những thập niên 30 của thế kỷ XX, người dân Tân Hạnh đã được đọc những bài báo của Nguyễn Ái Quốc đăng trên “Người cùng khổ”. Bởi lúc đó đồng chí Nguyễn Thúy, một chiến sĩ cách mạng đã có mặt và hoạt động tại đây (mẹ của ông là người làng Tân Hạnh). Và vào năm 1930, một sự kiện chấn động đã xảy ra, khi hai ông Nguyễn Ngọc Kinh và Nguyễn Ngọc Cầu đã treo cờ đỏ, rải truyền đơn và tuyên truyền tư tưởng cứu nước của Nguyễn Ái Quốc tại Tân Hạnh vào năm 1930. Từ những người “gieo hạt giống đỏ” đầu tiên đó, lý tưởng cách mạng của Đảng, Bác Hồ đã được người dân tiếp nhận và lớn dần theo năm tháng.

Đến bây giờ, người dân làng Tân Hạnh vẫn kể những câu chuyện cảm động về Bác Hồ, trong đó chuyện về  “chọn cái đường, đá đảo cái tường”. Ông Tổn kể, vào thời Ngô Đình Diệm lên cầm quyền, tay sai ra sức hô hào “ủng hộ cụ Ngô” và ca ngợi “công đức Ngô chí sĩ”. Tuy nhiên, dân làng Tân Hạnh đêm đêm lại kéo nhau đi khắp làng hô to khẩu hiệu: “Ủng hộ cụ Hồ Chí Minh!”, “Đả đảo Ngô Đình Diệm!”. Trước sự việc trên, địch bắt hết người dân Tân Hạnh tập trung tại một chỗ để “thể hiện chính kiến ủng hộ Ngô chí sĩ”. Để ép người dân, bọn chúng để chân dung Bác Hồ bên vệ đường và treo hình Ngô Đình Diệm lên tường rồi hỏi: “Trong hai người này, bà con đả đảo ai, ủng hộ ai?. Dù yêu mến Bác Hồ, nhưng không ai dám nói ra vì sợ địch tra tấn, thủ tiêu. Lúc đó cụ Nguyễn Khánh đại diện người dân trong làng phát biểu: “Tôi ủng hộ cái đường, đá đảo cái tường!”. Khi tay sai của Diệm chưa hiểu vì sao thì cụ Khánh nói tiếp: “Tôi già rồi, mỗi lần đi gánh rơm, cái bức tường ni làm cản trở nên phải đá đổ nó, chọn đường mà đi! Rứa có chi lạ đâu!”. Lúc đó, người dân làng Tân Hạnh hiểu ý liền ồ lên “hưởng ứng cái đường”, “đá đảo cái tường”. Trước cái lý rất Quảng Nam của người dân Tân Hạnh, dù tức tối nhưng địch đuối lý không làm gì được. Ông Tổn tâm sự”  “Người dân Tân Hạnh luôn một lòng theo Đảng và Bác Hồ, nhiều người như chị Đinh Thị Kiều, anh Nguyễn Hóa... trước lúc hy sinh đều hô to “Hồ Chí Minh muôn năm!”.

Ngôi nhà của ông Nguyễn Ngọc Kinh, nơi vào năm 1936 dùng để in ấn tài liệu cách mạng.

Ngoài ra nói đến lòng dân Tân Hạnh đối với Đảng, Bác Hồ thì phải nhắc đến sự kiện tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ vào năm 1969. Ngay sau khi nghe tin Bác Hồ mất, người dân đã quyết định tổ chức truy điệu Bác tại Tân Hạnh. Lễ truy điệu có ông Trần Long, Bí thư, bà Võ Thị Mai, Phó Bí thư chi bộ và gần 30 cán bộ, đảng viên khác. Bà Nguyễn Thị Nhỏ, con dâu của ông  Nguyên Ngọc Kinh kể, mọi người chia nhau lo hương, hoa, trái cây; may băng tang, chuẩn bị cờ, băng rôn và ảnh Bác... Lễ truy điệu diễn ra rất xúc động, nhiều người không cầm lòng được đã khóc nấc gọi “Bác Hồ ơi!”... dù lúc đó địch kiểm soát vùng này rất nghiêm ngặt.  Điều đáng nói là, sau khi Bác Hồ mất, địch tuyên truyền rầm rộ là cách mạng miền Nam sẽ thất bại, song ngay trong đêm tổ chức truy điệu Bác Hồ, du kích xã Hòa Phước đã tổ chức treo băng rôn, treo ảnh Bác Hồ, rải truyền đơn nhiều nơi và phục kích tiêu diệt lính Mỹ đi càn tại Chợ mới Ba Xã, diệt 2 tên.

Sớm theo Đảng, Bác Hồ, người dân Tân Hạnh đã không tiếc máu xương để đứng lên giải phóng quê hương. Ông Trần Toàn, trưởng thôn Tân Hạnh cho biết, làng có 7 Mẹ Việt Nam Anh hùng và hàng chục anh hùng liệt sĩ. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Tân Hạnh trở thành căn cứ địa cách mạng kiên cường, vững chắc của Hòa Vang.

Minh Hà