Báo Công An Đà Nẵng

Về thăm Bến Dược

Thứ sáu, 22/02/2008 00:00

(Cadn.com.vn) - 32 năm sau ngày chiến tranh kết thúc, tôi mới biết đến địa danh Củ Chi (TP Hồ Chí Minh). Những sự tích có thật từ địa đạo Củ Chi đã vượt quá sức tưởng tượng của tôi với hơn 200km đường hầm tỏa rộng như mạng nhện trong lòng đất. Khi chui xuống một đoạn đường hầm khoảng 70m mang chiều sâu thăm thẳm của lòng căm thù và ý chí kiên cường, bất khuất của “vùng đất thép”, tôi đã hiểu vì sao mảnh đất Củ Chi nghèo khó lại có thể trụ vững trước giặc thù suốt 21 năm ròng rã... Song, theo ông Ba Chính (người dân  địa phương), Củ Chi còn có một công trình khác trong trái tim mọi người...

Chúng tôi trở lại phía nam thượng nguồn sông Sài Gòn. Dòng sông vẫn êm ả trôi, giữa khu rừng bạt ngàn tại thôn Phú Mỹ Hưng, Đền Tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược vươn cao, rạng rỡ... Các anh trong Ban quản lý đền kể cho chúng tôi nghe về quy mô, sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo, tấm lòng của đồng bào cả nước để xây dựng nên tượng đài hoành tráng này: “Tên tuổi các anh hùng liệt sĩ có thể chưa được khắc ghi đầy đủ nhưng đã để lại cho chúng ta hiểu sâu sắc về con đường mà nhân dân ta đã đi qua không phải dễ dàng, bằng phẳng, mà từng ly, từng tấc đấát được đắp lên bằng máu xương của bao thế hệ và của bao người con của mọi miền đất nước. Chúng ta thắp nén nhang lên hương hồn các anh chị mà lòng đau như muối xát, vì ruộng đồng loang lổ hố bom còn có thể được san bằng, nhà cửa bị đổ sập còn có thể xây dựng lại được, nhưng các anh chị đã nằm xuống thì mãi mãi không về”... Nhiều người trong đoàn tham quan lặng lẽ đưa tay lau nước mắt...

Được biết, những năm 1968-1970, chiến sự vùng này diễn ra ác liệt. Mỗi một người dân bám trụ đều trở thành người lo việc chôn cất cho các liệt sĩ. Họ lo cho mỗi liệt sĩ có được một nấm bia mộ bằng gỗ với tâm nguyện: “Các anh chị tạm thời nằm lại nơi đây. Chừng nào hòa bình,  Nhà nước sẽ quy tập về. Còn các mẹ hứa sẽ làm hết sức để có một nơi thờ cúng các con, để các con về trong ngày giỗ Tết”.

Quang cảnh Đền Bến Dược.

Ông Ba Chính kể: Nhiều năm sau ngày chiến tranh kết thúc, Bến Dược vẫn là cánh rừng xơ xác. Nhiều người lính chúng tôi ở lại căn cứ cũ không có khả năng tôn tạo, các nhánh địa đạo ngày càng xuống cấp, phủ đầy cỏ dại. Mãi đến năm 1987, căn cứ cũ của Đặc khu ủy Sài Gòn-Gia Định này mới dần hồi sinh, được đầu tư xây dựng thành “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ sau này biết về những gì cha anh đã sống và chiến đấu.

Bước đầu là tập hợp hiện vật còn sót lại sau chiến tranh, phải biến những đồ vật vô tri như hầm chông, gậy tầm vông, các công cụ đào địa đạo như cuốc xẻng, giỏ mây... “sống” lại trong ký ức của khách tham quan. Tiếp đến là sưu tập hình ảnh đồng chí, đồng đội... Công việc trở nên tất bật, khi Bến Dược-Củ Chi đón khách nước ngoài tham quan, các cửa hầm xuống địa đạo được cơi nới thêm để phù hợp với thể hình của du khách. Song, có lẽ chính tâm sự của khách khi đến thăm Củ Chi-Bến Dược đã thật sự khiến những người đồng đội ưu tư: “Bộ đội, du kích hy sinh ở khu vực này nhiều lắm, máu xương các anh, các chị thấm đỏ khắp các cánh rừng mà đến nay vẫn chưa có được một nơi xứng tầm để tưởng niệm, hương khói, nhắc nhở cho đời sau?”. Trăn trở này không chỉ của những gia đình có con hy sinh mà còn là nỗi trăn trở của những người lính. Sau đó, nhiều cuộc hội thảo về dự kiến xây dựng đền được tổ chức.

Bằng nghị lực và tâm huyết, ngày 19-5-1993, lãnh đạo TPHCM phát lệnh khởi công và đặt viên đá đầu tiên xây dựng Đền Tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược có quy mô rộng 7ha với các hạng mục chính: Cổng tam quan, nhà văn bia; đền chính; tháp và hoa viên. Đền Bến Dược là một công trình tập hợp những đóng góp vật chất và trí tuệ của CBCS và nhân dân cả nước, mỗi người đóng góp bằng sự nhiệt tình của trái tim cháy bỏng, của đạo lý và trí tuệ trong sáng nhất để làm nên một quần thể kiến trúc đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong đền có ghi đầy đủ họ tên của 44.357 liệt sĩ hy sinh trên chiến trường Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định qua các cuộc kháng chiến giải phóng bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế trên 632 tấm đá hoa cương; trong đó, có 9.322 liệt sĩ là con em của 40 tỉnh, thành phố khác. Trước đền là Bài văn bia khắc trên đá:  “Chiến thắng lớn từ hy sinh to lớn. Ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? Con của mẹ ra đi không bao giờ trở lại, mẹ khóc mỗi hoàng hôn... chim bay về núi tối rồi”...  Cũng từ sau ngày khánh thành Đền Bến Dược giai đoạn I (19-12-1995), người dân Phú Mỹ Hưng và các vùng phụ cận hình thành dần một tục lệ mới. Đó là vào mồng 3 Tết Nguyên đán, bà con lên đền cúng các liệt sĩ, ôn lại  câu chuyện lịch sử hào hùng một thuở.   

Tôi chưa có dịp tham dự một buổi “giỗ hội” các liệt sĩ tại Đền Tưởng niệm Bến Dược để nhận diện được cái không khí thân tình giữa những người dân từng trải qua cuộc chiến tranh đã nuôi giấu các anh, các chị và động viên con, em vượt qua gian khó đánh thắng kẻ thù. Nhưng tôi tin rằng sẽ có lần về Củ Chi đúng vào dịp đó để cùng với ông Ba Chính và người thân các liệt sĩ uống ly rượu mừng xuân bên ngôi đền thiêng liêng Bến Dược.

Vy Hậu