Báo Công An Đà Nẵng

Về thăm phần mộ Tổng trấn Thanh Chiêm

Thứ năm, 06/04/2017 10:59

(Cadn.com.vn) - Trên tuyến đường heo hút dẫn vào Thủy điện Duy Sơn (H. Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) có một khu nghĩa địa nằm khuất sau những hàng keo lá tràm. Ít ai biết được rằng nơi đây là chốn yên nghỉ của Nguyễn Phúc Kỳ - Tổng trấn Quảng Nam thời mở cửa và là người có vai trò quan trọng cho sự ra đời của chữ Quốc ngữ ở Dinh trấn Thanh Chiêm (TX Điện Bàn).

Phần mộ cải táng của Nguyễn Phúc Kỳ nay thuộc xã Duy Sơn, H. Duy Xuyên.

Tìm gặp ông Nguyễn Phước Huệ (cháu nội đời thứ 13 của dòng họ Nguyễn, Trưởng tộc Nguyễn Phước trú tại Duy Xuyên) và được ông cho biết: “Ông Nguyễn Phúc Kỳ là con trai thứ 2 của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và Hoàng hậu Mạc Thị Giai, cháu nội của Chúa Nguyễn Hoàng. Ông được phong chức Chưởng cơ, chỉ huy đạo quân bảo vệ Dinh trấn Thanh Chiêm. Năm 1614, khi Nguyễn Phúc Nguyên thay Nguyễn Hoàng làm chúa, Nguyễn Phúc Kỳ được cử làm Trấn thủ Quảng Nam thay cha”.

Nguyễn Phúc Kỳ đã có nhiều công lao trong việc giữ gìn an ninh cho vùng đất ông quản lãnh chống lại sự quấy nhiễu của quân Chiêm Thành ở biên giới phía Nam và còn góp phần quan trọng trong việc chống lại quân Trịnh ở biên giới phía Bắc. Tuy nhiên, nhắc đến thời làm quan của Nguyễn Phúc Kỳ phải nhắc đến việc ông đã thực hiện chính sách mở cửa Hội An, biến nơi đây thành cảng thị quốc tế sầm uất bậc nhất Đông Nam Á và chính sách thân thiện với các nhà truyền giáo phương Tây, tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời của chữ Quốc ngữ ở Dinh trấn Thanh Chiêm.

Ông Huệ cho biết, hiện con cháu thuộc đời của chúa Nguyễn Phúc Nguyên có 4 nhánh và nay trú tại Huế, H. Duy Xuyên, H. Quế Sơn. Tuy làm quan lớn nhưng ông Kỳ lại chết sớm vì vậy khi dòng tộc muốn tìm lại phần mộ ông vô cùng khó khăn. “Sau khi qua đời, Nguyễn Phúc Kỳ được an táng ở làng Thanh Quýt (nay là xã Điện Thắng, Điện Bàn). Lăng mộ của ông tồn tại hơn 350 năm tại đây. Năm 2000, anh em chúng tôi ra Thanh Quýt tìm lại phần mộ của ông nhưng được biết khu lăng mộ này đã bị san ủi để lấy đất làm nông nghiệp từ năm 1975. May mắn lắm mới có người nhớ đến chỗ di dời hài cốt và chúng tôi đã cải táng về nghĩa trang gia tộc tại xã Duy Sơn” - ông Huệ cho biết.

Nhắc đến việc khu lăng mộ 350 năm tuổi của Nguyễn Phúc Kỳ, ông Huệ không khỏi nuối tiếc: “Tuy lăng mộ đã bị san ủi, nhưng theo nhiều người dân trước đây nó rất lớn. Nhiều người đến thăm mộ ai cũng cho rằng nếu còn lăng cũ thì có lẽ phần mộ của Nguyễn Phúc Kỳ đã được xếp hạng di tích. May mắn trong quá trình cải táng anh em chúng tôi đã mang về được tấm bia đá còn sót lại của khu lăng mộ. Đây là bằng chứng rõ nét nhất về sự tồn tại của khu lăng mộ Nguyễn Phúc Kỳ. Gia tộc cũng mong muốn được sự quan tâm, xem xét của địa phương để con cháu đời sau còn có thể nhớ đến công lao của ông đối với Quảng Nam và xứ Đàng Trong”. Phần mộ của Nguyễn Phúc Kỳ nay nằm heo hút trong khu nghĩa trang tộc Nguyễn Phước. Ngoài những đưa trẻ chăn bò ở đây và con cháu đến thăm thì phần mộ này hầu như không còn ai biết đến. Tuy đã được xây dựng khang trang với 2 lớp tường thành bao xung quanh nhưng vì thời gian khá lâu nên phần mộ cũng đã xuống cấp, cũ kỹ.

Tại ngôi mộ mới của Nguyễn Phúc Kỳ, trụ cổng có câu đối bằng chữ Hán: Sơn thủy hữu tình long đạt địa/Hiếu từ vô hạn hám chung thiên. Dịch nghĩa: Non nước hữu tình, rồng cuộn đất/Hiếu từ khôn kể, lỗi ngang trời. Sau mộ có văn bia bằng chữ quốc ngữ: Lăng ngài thái tử Thiếu bảo Khánh quận công Nguyễn Phúc Kỳ. Ngài tổ đời thứ nhất, đệ nhất phòng, đệ tam hệ. Viên tẩm ngày 24 tháng Sáu Tân Mùi (22-7-1631) tại Thanh Quýt, Điện Bàn, Quảng Nam. Cải táng đến xã Duy Sơn, H. Duy Xuyên vào tiết Thanh Minh năm Canh Thìn (2000). Hậu duệ Nguyễn Phước, Tôn Thất đời thứ 11, 12, 13, 14 đồng phụng lập”. Sau gần 400 năm, vị Tổng trấn của Quảng Nam đã được về an nghỉ bên cạnh mẹ (Hiếu Văn Hoàng hậu Mạc Thị Giai). Như vậy ở Duy Xuyên, ngoài lăng mộ của 2 Hoàng hậu Mạc Thị Giai và Đoàn Quý Phi; 2 công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Dương và Nguyễn Phúc Ngọc Liên, lại có thêm lăng mộ của Hoàng tử Nguyễn Phúc Kỳ, làm thành quần thể lăng mộ quan trọng bậc nhất của nhà Nguyễn ở Quảng Nam.

Thiết nghĩ, trước sự bào mòn thời gian, những giá trị lịch sử ấy cần được bảo tồn và phát huy. Và, để làm được điều này, rất cần sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương.

Hà Dung