Báo Công An Đà Nẵng

Về thăm quê hương Đại tướng

Thứ ba, 31/12/2013 08:38

(Cadn.com.vn) - Trong những ngày này, người dân làng Niêm Phò, xã Quảng Thọ, H. Quảng Điền (TT-Huế), nơi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sinh ra và lớn lên, ai ai cũng bồi hồi và phấn chấn khi chào đón hàng trăm đoàn từ mọi miền đất nước đến tham quan Nhà lưu niệm của Đại tướng.

Sáng 30-12, gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã trao tặng 4 bức tượng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho 3 địa điểm tại tỉnh TT- Huế, gồm 2 bức tượng bằng đá được tặng cho khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại quê nhà xã Quảng Thọ (H. Quảng Điền); 2 bức tượng đúc bằng đồng còn lại được tặng cho Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (thị trấn Sịa, Quảng Điền) và Trường chính trị Nguyễn Chí Thanh (TP Huế).

Bức tượng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được đặt tại Nhà lưu niệm Đại tướng.

Sáng cuối năm, dù trời rét lạnh, nhưng từ rất sớm, ở Nhà lưu niệm của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại thôn Niêm Phò (xã Quảng Thọ) đã có rất nhiều đoàn cựu chiến binh (CCB) đến dâng hoa, thắp nhang. CCB Nguyễn Đàm đến từ xã Quảng Vinh (H. Quảng Điền) bộc bạch: "Tôi rất tự hào vì được sinh ra trên quê hương của Đại tướng. Dù không được gặp mặt Đại tướng nhưng tôi đã từng được nghe nhiều câu chuyện của những thế hệ đi trước kể về ông. Đại tướng là người rất gần gũi với bà con nông dân, với ngành nông nghiệp...".

Tại Nhà lưu niệm, Đoàn cựu chiến binh xã Quảng Vinh được nghe giới thiệu
về cuộc đời của Đại tướng.

Đến với không gian trưng bày hình ảnh của Đại tướng ở Nhà lưu niệm, nhiều CCB cũng như các vị khách, người dân đến như được ôn lại quá trình hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua các thời kỳ. Mối quan hệ giữa Đại tướng với Bác Hồ, Bác Tôn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Khi một người nông dân quan tâm, không hiểu vì sao từ tên Nguyễn Vịnh, Đại tướng lại được đặt thành tên Nguyễn Chí Thanh.

Sau khi nghe thuyết trình viên giải đáp đó là tên do Bác Hồ đặt cho từ tháng 8-1945, nhiều người tâm đắc rằng, cái tên ấy thật đúng với cả sự nghiệp lẫy lừng nhưng cũng rất gần gũi của Đại tướng, như bài thơ "Nhớ Anh" của Tố Hữu đặt ở gian trưng bày:

"...Anh vẫn là anh những sớm trưa

Của quê hương dãi nắng dầm mưa

Đẩy cày cách mạng, vai không mỏi

Gặt mỗi mùa vui, vẫn muối dưa...

Ôi sống như Anh sống trọn đời

Sáng trong như ngọc, một Con Người!...".

Có mặt trong dòng người đến dâng hoa Đại tướng, cụ Trần Thị Quýt (87 tuổi), được mọi người quan tâm hỏi han nhất, vì cụ may mắn từng được Đại tướng dạy học khi còn nhỏ. Cụ Quýt nhớ lại, lúc đó cụ chỉ chừng 7-8 tuổi, cứ đến hè là Đại tướng tập hợp các học sinh nhỏ trong xóm đến và dạy học tại nhà. "Cứ sau buổi học, anh Vịnh thường dẫn các em đi xung quanh vườn nhà hái trái cây cho ăn. Anh Vịnh tính tình rất hiền lành, ít nói và hay cười", cụ Quýt nhớ lại.

Cụ Quýt cho biết, ở trong ngôi làng này, tiếp nối theo chân anh Vịnh, rất nhiều thanh niên trong làng đã xông pha lên đường đánh giặc. Chồng của cụ Quýt cũng là liệt sĩ, hy sinh khi vừa tròn 22 tuổi trong trận đánh Thuận Hóa (Huế). Người em trai duy nhất cũng hy sinh năm 22 tuổi trong trận đánh đồn Phổ Lại (H. Quảng Điền).

Cụ Trần Thị Quýt tự hào khi từng được Đại tướng dạy học.

Một trong hai người em còn sống của Đại tướng là cụ Nguyễn Thị Chiện (87 tuổi), những ngày này cũng rất bận rộn tiếp khách. Căn nhà đơn sơ của cụ Chiện nằm tựa vào dòng sông Bồ ở làng Niêm Phò, cách Nhà lưu niệm của Đại tướng chừng vài trăm mét. Theo lời kể của cụ Chiện, anh em cụ sinh ra trong một gia đình nông dân ở làng Niêm Phò, anh Vịnh đã phải đi làm thuê để đỡ đần cho gia đình. Chính cuộc sống vất vả, tủi nhục đó đã nhen nhóm trong anh Vịnh tình nhân ái, lòng căm thù kẻ áp bức, bóc lột đến tột cùng.

Nhiều lần, anh trai Nguyễn Vịnh đã cùng với những tá điền đứng lên đấu tranh chống lại bọn chủ đồn điền, cường hào ác bá ở địa phương... Ký ức sâu thẳm nhất của cụ Chiện với người anh trai chính là những lần cụ cùng các chị gái của mình đến thăm anh ở nhà lao. "Mỗi lần đến nhà lao bới cơm cho anh, thấy cảnh anh bị còng tay, chị em tui rơi nước mắt nhưng anh luôn mỉm cười"...

Người em gái út của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhớ về những lần
vào nhà lao thăm anh trai.

H.Lan