Báo Công An Đà Nẵng

Vén màn bí mật đằng sau việc sửa đổi Hiến pháp ở Ai Cập (Kỳ 2: Nỗ lực phản đối)

Thứ sáu, 23/08/2019 19:00

Sau khi hoàn chỉnh, bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp Ai Cập được trình ra Quốc hội vào tháng 2-2019 để lấy ý kiến của các nhà lập pháp. Mặc dù được số đông ủng hộ nhưng việc sửa đổi Hiến pháp vẫn vấp phải sự phản đối quyết liệt của một số nghị sĩ, đặc biệt là các nhà lập pháp.

Ông Hamdeen Sabahi, cựu ứng cử viên Tổng thống, đang lên án các điều khoản sửa đổi Hiến pháp Ai Cập. Ảnh: Reuters

Lời biện minh giả dối

Hồi tháng 2-2019, bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp Ai Cập được trình lên Quốc hội. Tại đây, 485 nghị sĩ trong cơ quan lập pháp gồm 596 ghế đã bỏ phiếu ủng hộ đề xuất sửa đổi Hiến pháp, vượt đa số quá bán cần thiết để thông qua những thay đổi này. Tuy nhiên, phe phản đối tố cáo cựu Đại tướng 65 tuổi đang ra sức thâu tóm quyền lực và đưa Ai Cập trở lại với chế độ độc tài như dưới thời cựu Tổng thống Hosni Mubarak, người bị lật đổ sau cuộc nổi dậy năm 2011 của nhân dân. Ông Mubarak từng lãnh đạo Ai Cập trong gần 30 năm, trải qua 6 vụ mưu sát bất thành, trước khi cuộc nổi dậy chống lại sự cai trị của ông thành công.

Để bác bỏ nội dung tố cáo trên, những người ủng hộ lập luận rằng trong gần 4 năm cầm quyền vừa qua, Tổng thống Sisi đã đưa đất nước Kim tự tháp thoát ra khỏi vòng xoáy bạo lực và tránh xung đột dai dẳng như ở Syria, Yemen hay Libya, cũng như dần vực dậy nền kinh tế vốn suy yếu do bất ổn chính trị và an ninh, đồng thời khôi phục vai trò và vị thế của Ai Cập trên trường quốc tế. Vì vậy, việc kéo dài nhiệm kỳ cũng như mở rộng quyền hạn sẽ cho phép ông Sisi thêm thời gian để hoàn thành các dự án phát triển lớn cũng như chính sách cải cách kinh tế. Chủ tịch Quốc hội Ai Cập Ali Abdel Aal từng tiết lộ rằng mong muốn lớn nhất của Tổng thống Sisi là làm cho đất nước ngày một phát triển theo hướng tiên tiến và hiện đại.

Nỗ lực phản đối

Bên cạnh những sửa đổi kéo dài một nhiệm kỳ tổng thống, một vài điều khoản sửa đổi khác giúp mở rộng quyền lực của ông Sisi đối với hệ thống tư pháp, cho ông quyền hạn mới để bổ nhiệm các thành viên của ngành tư pháp. Với điều khoản sửa đổi này, các thành viên của ngành tư pháp nhận thấy vai trò và quyền hạn của mình bị tước giảm, vì vậy họ đã yêu cầu Quốc hội xem xét lại. Câu lạc bộ Thẩm phán, một tổ chức đại diện cho khoảng 3.000 thẩm phán tại Ai Cập, đã viết và trình thư phản đối việc sửa đổi Hiến pháp lên Quốc hội. Nội dung bức thư chủ yếu cảnh báo những hệ lụy nghiêm trọng của việc sửa đổi Hiến pháp khi làm ảnh hưởng đến sự độc lập của ngành tư pháp nói chung, cũng như sự sụt giảm vai trò của Hội đồng Nhà nước, một cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hành chính, nói riêng. "Tư pháp là cơ sở của quản lý, quyền tư pháp độc lập là cơ sở cho việc đảm bảo công lý, và nếu không có công lý, nhà nước sẽ bị phá hoại", nội dung được trích trong bức thư mà ông Samir al-Bahay, Chủ tịch Câu lạc bộ Thẩm phán, trình lên Quốc hội.

Một thẩm phán khác cũng tiên đoán rằng tương lai của ngành tư pháp sẽ còn tồi tệ hơn dưới thời cựu Tổng thống độc đoán Gamal Abdel Nasser, người đứng đầu quốc gia Kim tự tháp từ năm 1954 đến 1970. Nass Nasser đã từng sa thải các thẩm phán, và hầu như không giao bất kỳ quyền kiểm soát nào cho hệ thống tư pháp. Thế nhưng, phe phản đối lại thường xuyên bị bôi nhọ nhân phẩm và đe dọa tính mạng bởi phe ủng hộ ông Sisi. Điển hình là nhà lập pháp Khaled Youssef, hiện đang là một đạo diễn phim nổi tiếng. Ngay sau khi lên tiếng phản đối việc sửa đổi Hiến pháp hồi tháng 2-2019, một số clip nóng của Youssef đã xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội không lâu sau đó. Dù Youssef một mực khẳng định những clip trên là giả mạo nhưng ông không thể chịu được sức ép của dư luận và phải chuyển ra nước ngoài sinh sống.

TUỆ KHANH