Báo Công An Đà Nẵng

Vén màn bí mật đằng sau việc sửa đổi Hiến pháp ở Ai Cập (Kỳ cuối: Trưng cầu dân ý: thủ tục hình thức)

Thứ bảy, 24/08/2019 15:33

Sau khi được Quốc hội thông qua, các điều khoản đề xuất sửa đổi Hiếp pháp còn phải được đưa ra trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, đây chỉ là thủ tục mang tính hình thức vì số phiếu thuận luôn chiếm đa số trong tất cả các cuộc trưng cầu dân ý ở Ai Cập trong suốt hàng chục năm qua.

Băng rôn kêu gọi ủng hộ sửa đổi hiến pháp có in hình Tổng thống Sisi.   Ảnh: Reuters

Áp đặt?

Khi trình dự thảo sửa đổi Hiến pháp lên Hạ viện tháng 2-2019, Ủy ban Tư pháp Quốc hội Ai Cập khẳng định những đề xuất sửa đổi dựa trên ý kiến đóng góp của 155 nghị sĩ. Thế nhưng trên thực tế những người này không được quyền tham gia vào việc soạn thảo các điều khoản sửa đổi mà chỉ được yêu cầu ký tên vào một tài liệu đã soạn sẵn.

Những tuần sau đó, Quốc hội tiếp tục tổ chức các cuộc tham vấn lấy ý kiến của các tổ chức xã hội dân sự và một số lãnh đạo phe đối lập về việc sửa đổi Hiến pháp. Tuy nhiên, người tham dự chỉ được phép trình bày quan điểm và ý kiến theo hướng tích cực của việc sửa đổi. "Đây không phải là một cuộc đối thoại thực sự mà là một quy trình mang tính hình thức thì đúng hơn", ông Mohamed Sami, lãnh đạo đảng cánh tả Karam cho biết.

Vào đầu tháng 4, trước khi các điều khoản sửa đổi Hiếp pháp được Quốc hội thông qua, hầu hết các con đường ở thủ đô Cairo đâu đâu cũng ngập tràn băng rôn, áp phích và biển quảng cáo kỹ thuật số kêu gọi mọi người tham gia cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc sắp tới. Một số băng rôn còn lộ liễu kêu gọi các cử tri đồng tình với các điều khoản sửa đổi Hiến pháp.

Hơn 120 nhân vật đối lập bị bắt trước và trong cuộc trưng cầu dân ý. Một trong số đó là Amir Eissa, một thành viên cấp cao của đảng Tự do Al Dostour. Eissa đã bị bắt tại khu vực bỏ phiếu ở vùng tự trị Al Qalyubia, phía bắc thủ đô Cairo, vào ngày bỏ phiếu thứ hai sau khi ông trình báo với cơ quan chức năng về việc một số cán bộ kiểm phiếu hối lộ cử tri. Tuy nhiên, các công tố viên lại giải thích Eissa bị bắt giữ vì bị cáo buộc gia nhập một nhóm khủng bố và sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để thực hiện đe dọa an ninh quốc gia.

Ngoài việc bắt giữ các cử tri có ý định chống đối lại việc sửa đổi Hiến pháp, chính phủ Ai Cập còn kiểm duyệt gắt gao các bài viết của các trang báo, tạp chí trước khi xuất bản để tránh những thông tin tiêu cực về sửa đổi Hiến pháp. Các quan chức chính phủ cũng đã tấn công một trang mạng gây khó khăn cho việc thu thập chữ ký phản đối cuộc trưng cầu dân ý. Ngày 24-4-2019, Cơ quan Bầu cử quốc gia (NEA) của Ai Cập thông báo, gần 89% cử tri tham gia cuộc trưng cầu dân ý đã bỏ phiếu ủng hộ sửa đổi Hiến pháp. NEA cho biết quá trình bỏ phiếu diễn ra công bằng, minh bạch.

Hy vọng

Việc sửa đổi Hiến pháp để kéo dài nhiệm kỳ Tổng thống cũng như mở rộng quyền lực cho Tổng thống ở Ai Cập không phải là trường hợp đầu tiên và duy nhất trên thế giới. Chẳng hạn như năm 2008, Nga sửa đổi một khoản trong Hiến pháp nước này để kéo dài nhiệm kỳ tổng thống từ 4 lên 6 năm. Thổ Nhĩ Kỳ năm 2017 đã sửa đổi Hiến pháp để cho phép Tổng thống Tayyip Erdogan hiện tại tranh cử nhiệm kỳ 5 năm thứ hai, cũng như giao quyền cho Tổng ban hành các nghị định của Thổ Nhĩ Kỳ.

Dù sao đi nữa, những nội dung sửa đổi trong Hiến pháp Ai Cập đã chính thức có hiệu lực. Hy vọng rằng trong nhiệm kỳ hiện tại cũng như sắp tới (nếu có) với quyền lực được mở rộng, nhà lãnh đạo Ai Cập al-Sisi sẽ phát triển đất nước theo hướng tích cực như tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố nhằm duy trì an ninh quốc gia, cải cách kinh tế, và cải thiện đời sống của nhân dân.

TUỆ KHANH