Báo Công An Đà Nẵng

Vẹn tròn một tình yêu

Thứ ba, 30/10/2018 16:00

"Trẻ khuyết tật cũng như những bông hoa trong gió, rất mong manh và dễ bị tổn thương. Trẻ khuyết tật cũng có một tâm hồn đẹp, có khao khát được hòa nhập, cống hiến và rất cần những bàn tay yêu thương, che chở từ cộng đồng, xã hội"-đó là chia sẻ chân thành của cô Lương Thị Kim Loan (49 tuổi), giáo viên Trung tâm Bảo trợ xã hội Quảng Nam (tại TP Hội An).

Cô Loan có 25 năm gắn bó với trẻ khuyết tật.

Suốt 25 năm qua, cô như người mẹ hiền, âm thầm, lặng lẽ dành trọn tình yêu cho trẻ khuyết tật. Sinh ra và lớn lên tại TP Đà Nẵng, yêu nghề sư phạm nên sau khi tốt nghiệp đại học cô cũng hoàn thành ước mơ được đứng trên bục giảng. Thế nhưng, trong một lần cùng chồng vào thăm Trung tâm, gặp nhiều hoàn cảnh trẻ em khuyết tật rất đáng thương khiến cô không cầm được nước mắt. Thế là, cô quyết định bỏ tất cả vào Hội An sinh sống, làm việc để có thể chăm sóc trẻ khuyết tật mỗi ngày. "Ngày đó mới chỉ gặp các em lần đầu tiên nhưng tôi đã nhận ra tình yêu tôi dành cho các em là quá lớn. Tôi rất muốn được nhìn thấy các em trưởng thành mỗi ngày", cô Loan bộc bạch. Theo cô Loan, ban đầu, Trung tâm chỉ nhận nuôi giữ trẻ khuyết tật nặng đến khi 18 tuổi sẽ chuyển sang trung tâm bảo trợ người trưởng thành. Năm 2005, nhận thấy nhiều trẻ khuyết tật vẫn có khả năng tiếp thu, học tập nên cô Loan gợi ý Trung tâm mở lớp học đặc biệt. Lớp học ra đời, cô là người trực tiếp đứng lớp, rèn từng nét chữ, con số cho các em. "Gọi là lớp học đặc biệt nên phương pháp học tập ở đây cũng rất đặc biệt. Mọi giáo trình đứng lớp đều bị "phá vỡ" bởi các em thuộc dạng khuyết tật nặng. Vì thế, muốn gây sự hứng thú phải dạy theo cảm xúc, miễn sao mang đến thật nhiều niềm vui là được", cô Loan chia sẻ. Hiện lớp học có 12 em khuyết tật như tự kỷ, bại liệt, bại não, khiếm thị, khiếm thính... theo học. Một buổi học là một "cuộc chiến" giữa cô Loan và học trò. "Các em dù lớn tuổi nhưng tâm hồn như trẻ lên ba. Mỗi sáng tôi phải vào từng giường, gọi từng em dậy. Riêng việc vệ sinh cá nhân, cho các em ăn uống là mất hết vài ba tiếng đồng hồ rồi mới có thể lên lớp. Trong lúc dạy cũng phải lồng ghép nhiều trò chơi và tặng quà kích thích các em học", cô Loan chia sẻ.

Nhiều bài tập phục hồi chức năng được cô Loan áp dụng cho trẻ khuyết tật.

Công việc của cô Loan bắt đầu từ 5 giờ sáng, lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho trẻ. Tưởng đơn giản nhưng với trẻ khuyết tật, nhất là khuyết tật nặng thật không dễ dàng. "Trẻ khuyết tật rất dễ bị tổn thương và rất sợ người lạ. Chỉ khi chúng ta thật sự dành tình cảm chân thành thì chúng mới gần gũi, sẻ chia. Công việc của tôi tại Trung tâm cũng không có lịch trình nhất định, các em cần gì, muốn gì là tôi đáp ứng điều đó. Riêng với việc dạy học cũng vậy, nhiều khi hôm nay dạy ngày mai chúng quên hết nhưng phải kiên trì, đến khi nào chúng nhớ mặt nét chữ, con số thì mới chuyển sang bài học mới", cô Loan nói. Ngoài vai trò là giáo viên, cô Loan còn như người mẹ hiền của trẻ khuyết tật. Tại trung tâm, tất cả các em đều gọi cô với cái tên gần gũi, thân thương là mẹ Loan. Chính những tình cảm xúc động, chân thành này là động lực để cô cống hiến, gắn bó suốt bao năm qua. Ngoài ra, cô Loan cũng đóng vai trò là bác sĩ trị liệu, áp dụng nhiều phương pháp, bài tập phục hồi chức năng cho các em. Những nỗ lực của cô cũng đã mang về những "trái ngọt" khi nhiều em đã có thể đọc, viết một cách tròn vành, rõ chữ. Chưa kể đến nhiều em còn nói được cả tiếng Anh dù bị khuyết tật nên phát âm khó khăn. "Mọi người cũng từng thắc mắc vì sao tôi lại chọn về Trung tâm có phần vất vả trong khi cuộc sống của một giáo viên trước đây cũng mang lại cho tôi niềm vui, hạnh phúc. Trước những câu hỏi đó tôi đều trả lời rằng được chăm sóc, yêu thương trẻ khuyết tật là niềm hạnh phúc của tôi. Có lẽ, vì tình yêu đó đủ lớn nên dù có khó khăn, vất vả cỡ nào tôi cũng vượt qua. Tôi luôn xem những đứa trẻ ở đây như những đứa con của mình. Xung quanh chúng ta còn rất nhiều những hoàn cảnh bất hạnh như thế nên mỗi người hãy góp một phần sức lực nếu có thể", cô Loan trải lòng.

Ông Phạm Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm ghi nhận: "Những tình cảm cô Loan dành cho bọn trẻ rất đáng trân quý. Chính cô là người dìu dắt các em từ những ngày đầu vào Trung tâm cho đến khi trưởng thành, học nghề rồi có việc làm ổn định. Nhiều em có dịp quay lại Trung tâm đều tìm đến cô Loan để nói lời cảm ơn chân thành". Với những hy sinh, cống hiến của mình, dịp 20-11 sắp đến, cô Loan là một trong những giáo viên sẽ được tôn vinh tại Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2018 được tổ chức tại Hà Nội. Tại đây, mỗi thầy cô giáo dạy trẻ khuyết tật được tuyên dương sẽ nhận một sổ tiết kiệm 10 triệu đồng; bằng khen của T.Ư Hội LHTN VN, biểu trưng của chương trình và các hình thức khen thưởng khác của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD-ĐT.

PHI NÔNG