Venezuela "lún sâu" trong khủng hoảng
(Cadn.com.vn) - Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã ban hành tình trạng khẩn cấp trong vòng 60 ngày sau khi tình báo Mỹ dự báo quốc gia Mỹ Latinh này sẽ sớm sụp đổ. Ngoài ra, ông còn ra lệnh tịch thu các nhà máy đã ngừng hoạt động, bắt giữ chủ sở hữu các nhà máy này và tổ chức tập trận nhằm đối phó với các mối đe dọa từ bên ngoài. Tất cả những động thái này liệu có đang chứng minh Venezuela ngày càng trượt dài trong khủng hoảng?
Hôm 14-5, các cuộc biểu tình giữa những người ủng hộ và phản đối vị tổng thống đương nhiệm Maduro làm rung chuyển thủ đô Caracas của Venezuela. Những người ủng hộ luôn đặt niềm tin và hy vọng vào ông Maduro cùng với những chính sách cải thiện đất nước trong tương lai. Trong khi đó, phe đối lập bày tỏ sự tức giận trước sự "kém cỏi" của chính quyền dẫn đến sự thiếu hụt trầm trọng các mặt hàng thiết yếu khiến người dân rơi vào tình cảnh lao đao.
Cảnh sát đối mặt với dòng người biểu tình ở thủ đô Caracas yêu cầu Tổng thống Maduro từ chức. Ảnh: Reuters |
Hệ lụy không ngờ
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế Venezuela đã sụt giảm 5,7% vào năm ngoái và được dự đoán có nguy cơ sụt giảm thêm 8% trong năm nay. Chưa hết, lạm phát ở nước này đang tăng phi mã, có thể lên tới 700% trong năm 2016. Giá trị đồng bolivary còn thấp hơn đồng xu trên sàn giao dịch chợ đen.
Chính vì quá phụ thuộc vào ngành dầu mỏ nên khi giá dầu thô thế giới sụt giảm "góp phần" đưa kinh tế Venezuela lâm vào "bước đường cùng". Thậm chí giá dầu của quốc gia này chỉ được giao dịch với giá dưới 30 USD/thùng bởi vì dầu của nước này nặng và chua. Nhưng nghiêm trọng nhất là việc khan hiếm trầm trọng nhu yếu phẩm, bao gồm lương thực. Nguyên nhân là do chính phủ không có đủ tiền mặt để thanh toán cho các mặt hàng nhập khẩu cơ bản như đường, mì và trứng. Đây cũng là ngòi nổ chính của nhiều cuộc bạo loạn nghiêm trọng thời gian qua. Nạn cướp bóc xảy ra tràn lan khắp siêu thị cả nước.
Cúp điện không còn là mới ở Venezuela nhưng kế hoạch về việc cúp điện kéo dài 40 ngày sắp tới để đối phó với đợt hạn hán khắc nghiệt càng khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Mực nước ở đập thủy điện Guri nơi cung cấp 75% tổng sản lượng điện của Venezuela đang ở mức thấp kỷ lục. Liên đoàn dược phẩm của Venezuela cho biết, quốc gia này đang thiếu khoảng 80% các vật tư y tế cơ bản cần thiết cho việc điều trị.
Ngày tàn của ông Maduro?
Ông Maduro là người thừa kế của tổng thống dân túy Hugo Chavez, người đã qua đời vì bệnh ung thư vào năm 2013. Nắm quyền từ năm 1999, ông Chavez được mệnh danh là "Tổng thống chống Mỹ". Ông Chavez nhiều lần đả kích Washington, khách hàng mua dầu lớn nhất của Venezuela trong nhiều năm.
Sau khi lên nắm quyền, ông Maduro cáo buộc Mỹ đứng đằng sau các vụ bạo động ở đất nước này. Vì thế, quan hệ giữa Mỹ và Venezuela ngày càng trở nên căng thẳng. Trong một tuyên bố mới đây, Tổng thống Barack Obama coi Venezuela là "mối đe dọa an ninh quốc gia". Những bất ổn tại Venezuela cũng đang khiến tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Maduro sụt giảm nghiêm trọng. Theo kết quả thăm dò dư luận cho thấy, có đến 70% người dân Venezuela muốn ông Maduro từ chức trong năm nay. Phe đối lập Venezuela giành được chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội vào cuối năm ngoái. Và chiến thắng này giúp họ nắm quyền kiểm soát cơ quan lập pháp của chính phủ đương nhiệm.
Bên cạnh đó, Tổng thống Maduro tuyệt vọng vì càng ngày càng có đông người ký kiến nghị trưng cầu dân ý phế truất ông. Hiện chỉ còn thiếu 200.000 chữ ký để cho đủ 2 triệu theo quy định. Nhiều nguồn tin tình báo cho biết, Tổng thống Maduro sẽ bị mất quyền lực trong năm 2016.
Tuệ Khanh
(Theo CNN)