Báo Công An Đà Nẵng

“Vết nứt” xuyên Đại Tây Dương

Thứ năm, 01/06/2017 09:23

(Cadn.com.vn) - Trong khi Tổng thống Donald Trump nhận được sự chào đón nồng nhiệt tại Saudi Arabia và Israel, ông để lại hương vị cay đắng ở Châu Âu sau Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Brussels và Hội nghị G7 vốn tập hợp những quốc gia quyền lực giàu có nhất thế giới tại Sicily, Italia.

Căng thẳng ngoại giao xuyên Đại Tây Dương càng leo thang khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 31-5 đáp trả những chỉ trích của Thủ tướng Đức Angela Merkel bằng cuộc tấn công mới nhằm vào chiến thuật thương mại và chi tiêu quốc phòng của Berlin.

Khi ông Trump trở lại Mỹ sau chuyến đi nước ngoài đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền, trợ lý của ông ca ngợi chuyến đi đã thành công và là dấu hiệu cho sự lãnh đạo mới của Mỹ trên sân khấu thế giới. Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn như vậy. Tại Saudi Arabia và Israel, ông Trump được chào đón nồng nhiệt nhưng tại Châu Âu, ông để lại hương vị cay đắng sau Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Brussels và Hội nghị G7 ở Sicily.

Tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chào đón Thủ tướng Đức Angela Merkel
trước khi bắt tay Tổng thống Mỹ Donald Trump tại lễ khai mạc trụ sở mới của NATO
ở Brussels hồi tuần trước. Ảnh: AFP

“Cuộc chiến” Trump - Merkel

Các nhà lãnh đạo Châu Âu đặc biệt lo lắng khi ông Trump từ chối tái khẳng định ủng hộ Hiệp định về biến đổi khí hậu Paris đã đạt được hồi năm 2016. Ông cũng không công khai tuyên bố cam kết bảo đảm an ninh chung của NATO.

Trong đó, Đức tỏ ra lo lắng và thất vọng nhất và có những phản ứng gay gắt với  Mỹ. Thủ tướng Angela Merkel đã không để lãng phí thời gian, ngay lập tức cảnh báo cử tri Đức rằng, tình hình hiện tại cho thấy, thời điểm Châu Âu có thể trông cậy vào Washington “sắp chấm dứt”. Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel thậm chí còn thẳng thắn hơn, vạch trần các chính sách “thiển cận” của Tổng thống Trump cho rằng, chính nó đã “làm suy yếu phương Tây” và gây tổn hại đến lợi ích của Châu Âu.

Trong bài phát biểu chỉ vài ngày sau khi ông Trump hứa bán vũ khí trị giá 110 tỷ USD cho Saudi Arabia để ngăn chặn Iran, ông Gabriel cáo buộc Washington đã thúc đẩy xung đột tôn giáo. Ngoại trưởng Đức cảnh báo về việc Mỹ đang cố làm suy yếu nỗ lực bảo vệ môi trường của toàn thế giới với tuyên bố, Washington có thể rút ra khỏi hiệp định Paris, vốn được xem như là hy vọng cuối cùng và tốt nhất để làm chậm sự nóng lên toàn cầu.

Những tuyên bố từ Đức chọc giận ông Trump. Và phản ứng đáp trả của ông trên Twitter càng khiến mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương thêm rạn nứt.

Tương lai về đâu?

Mối quan hệ giữa Mỹ với Châu Âu, nhất là Đức – quốc gia đầu tàu của Châu Âu – trở nên căng thẳng kể từ sau khi ông Trump lên nắm quyền.

Hồi tháng 1, Nhà Trắng cáo buộc Đức khai thác đồng EUR chưa được định giá để tăng lợi thế thương mại, bất chấp phản đối lâu nay của Berlin đối với chính sách tiền tệ lỏng lẻo của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB). Và, ngay cả sau cuộc gặp thượng đỉnh với Thủ tướng Merkel, ông Trump tiếp tục phàn nàn về thặng dư của Đức. Theo tờ Der Spiegel của Đức, ông Trump nói với các quan chức Châu Âu ở Brussels rằng, “Người Đức xấu, rất xấu”. Phát ngôn viên Tổng thống Trump, Sean Spicer đã phải “chữa cháy” cho ông chủ Nhà Trắng và một lần nữa phủ nhận thông tin này.

Giữa lúc bất đồng gay gắt, Mỹ xem ra đang cố dịu giọng hơn. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross hôm 31-5 cho biết, Washington để ngỏ khả năng khôi phục lại đàm phán với EU về Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP).  Các cuộc đàm phán về TTIP, được khởi động từ năm 2013 nhằm giúp thiết lập một khu vực tự do thương mại lớn tại hai bờ Đại Tây Dương. Brussels và Washington cố gắng thông qua hiệp định TTIP trước khi cựu Tổng thống Barrack Obama rời Nhà Trắng, nhưng không thành công.

Khả Anh