Báo Công An Đà Nẵng

Vì bình yên sông nước

Thứ ba, 10/06/2014 10:34

(Cadn.com.vn) - Trong những năm qua, trên địa bàn Đà Nẵng, tình hình TNGT đường thủy, tai nạn đuối nước không xảy ra, nhiều bến đò ngang tiềm ẩn nguy cơ TNGT đường thủy được xóa bỏ, các hộ dân vạn chài sinh sống thường xuyên trên các phương tiện thủy ở các tuyến sông đã giảm đáng kể... Có được kết quả ấy chính là sự nỗ lực của  lực lượng CSGT đường thủy CATP Đà Nẵng.

CSGT đường thủy Đà Nẵng phát hiện một trường hợp dùng xung điện đánh bắt hải sản
trên sông Hàn ngày 6-6-2014.

Theo Trung tá Đặng Hữu Tài, Đội trưởng Đội CSGT đường thủy, Phòng CSGT CATP, Đà Nẵng có 13 tuyến sông, với tổng chiều dài hơn 162 km,  các dòng sông thường đơn lẻ, độ dốc lớn, mùa mưa nước chảy xiết, mùa khô nước cạn, trên các luồng tuyến có nhiều đá ngầm, đập ngăn, bờ sông sạt lở, làm cản trở lưu thông, gây khó khăn cho các phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách. Hưởng ứng Chương trình hành động số 2007/CTHĐ-BCĐ ngày 27-6-2011 của UBATGT Quốc gia về thực hiện Cuộc vận động  xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, Phòng CSGT đã tổ chức quán triệt toàn đơn vị, đến  các đội, trạm, CSGT các quận, huyện..., phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, Văn phòng Thường trực Ban ATGT, Thanh tra Thủy sản, BĐBP... đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về GTĐT nội địa bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, sinh động, thiết thực, đạt hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, lực lượng CSGTĐT lập danh sách các bến đò ngang có học sinh đi học, đề xuất Ban ATGT hỗ trợ kinh phí cho Q. Cẩm Lệ và H. Hòa Vang đóng mới 4 phương tiện thủy để chở khách qua sông tại các bến đò ngang Lộc Mỹ Thượng, An Định (Hòa Bắc),  Thạch Bồ (Hòa Tiến), Trung Lương (Hòa Xuân), lắp đặt pa nô tuyên truyền Luật GTĐT nội địa tại các bến đò, khu vực khai thác cát, sạn trên các tuyến sông; đề xuất UBND TP hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo chứng chỉ lái phương tiện thủy nội địa cho các lao động là người địa phương, hoạt động trên địa bàn thành phố và kinh phí tổ chức cấp đăng ký, đăng kiểm cho các phương tiện; cấp bổ sung 200 áo phao, phao cứu sinh, phao tròn cho các bến đò, gắn 31 bảng niêm yết trên các phương tiện thủy quy định cụ thể số lượng người được phép chở...

CSGT đường thủy Đà Nẵng phát hiện, tạm giữ một thuyền máy neo đậu
không đúng nơi quy định.

    Trong 3 năm qua, CSGT đường thủy đã kiểm tra, lập biên bản 61 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt chuyển Kho bạc Nhà nước 105 triệu đồng; tạm giữ 2 tàu, tước quyền xử dụng chứng chỉ chuyên môn 1 trường hợp; nhắc nhở 525 trường hợp tàu thuyền neo đậu không đúng nơi quy định, 79 phương tiện chở khách không đầy đủ phao cứu sinh, áo phao, yêu cầu di dời 38 lồng bè nuôi hải sản đến khu vực an toàn; nhắc nhở, yêu cầu viết cam kết và buộc 16 hộ dân vạn chài về địa phương sinh sống không tái phạm việc đánh bắt hải sản, sinh sống trên thuyền, neo đậu tàu thuyền dưới gầm cầu, khu vực đảo xanh làm cản trở giao thông đường thủy, mỹ quan đô thị.

Phòng phối hợp với Phòng CSĐTTP về Môi trường, CAQ Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, Thủy đoàn 2-C68 Bộ CA, BĐBP, Thanh tra Thủy sản... kiểm tra các phương tiện hoạt động trên sông Hàn và hoạt động của tàu cá tại cảng Đà Nẵng; lập biên bản 53 trường hợp vi phạm, tạm giữ 29 tàu, xử phạt chuyển Kho bạc Nhà nước 245.850.000 đồng; đẩy đuổi 62 trường hợp đánh bắt hải sản không đúng nơi quy định, sắp xếp 13 hộ nuôi cá lồng bè trên sông Cẩm Lệ.

   Vào những ngày đầu tháng 6-2014, trực tiếp cùng tham gia công tác TTKS trên các tuyến sông trên địa bàn cùng lực lượng CSGT đường thủy, dưới thời tiết nắng lửa giữa hè, chúng tôi chứng kiến sự nỗ lực, quyết tâm đảm bảo ổn định an toàn giao thông đường thủy của các anh. Trung tá Đặng Hữu Tài cho biết thêm,  vấn đề khó khăn, vướng mắc nhất trong lĩnh vực giao thông đường thủy ở Đà Nẵng hiện nay là, trên địa bàn có khoảng gần 20 chiếc tàu chở khách du lịch cả một số doanh nghiệp và tư nhân, đều có đăng ký, đang kiểm đầy đủ. Lực lượng CSGT cũng thường xuyên tuyên truyền  về pháp luật và yêu cầu các chủ phương tiện ký cam kết chấp hành và đảm bảo về ATGT đường thủy.

Tuy nhiên, trên toàn địa bàn không có một điểm neo đậu nào cố định cho các phương tiện chở khách du lịch này.  Vấn đề này trước hết làm ảnh hưởng đến sự phát triển lĩnh vực dịch vụ du lịch trên sông nước, một tiềm năng rất lớn cho sự phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội của Đà Nẵng. Sự quản lý, kiểm tra của lực lượng chức năng cũng khó khăn hơn trong việc đảm bảo, ổn định về ATGT. Vì vậy, chính quyền và ngành chức năng thành phố cần sớm triển khai và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nơi neo đậu tàu thuyền  du lịch trong thời gian gần nhất.

 Nhằm đẩy mạnh đảm bảo ATGT đường thủy, sắp tới CSGT đường thủy có kế hoạch  phối hợp với các lực lượng chức năng như Thủy đoàn 2-C68, BĐBP, Thanh tra giao thông, Sở VH-TT&DL, Thanh tra Thủy sản... tổ chức ra quân kiểm tra, xử lý tình trạng neo đậu tàu thuyền không đúng quy định; triển khai có hiệu quả hơn nữa cuộc vận động xây dựng phong trào "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước"  mà UBATGT Quốc gia và Bộ CA đã phát động.

Hồng Thanh