Vi phạm sử dụng điện ngày càng tinh vi: Từ "ăn xổi" đến "chuyển giá"
(Cadn.com.vn) - Tính đến cuối tháng 10-2015, số vụ vi phạm sử dụng điện được phát hiện tại Đà Nẵng đã lên tới 410 vụ, tăng hơn 230% so với cùng kỳ năm 2014. Cơ quan chức năng đã truy thu, buộc các đối tượng vi phạm phải bồi thường số tiền hơn 1,1 tỷ đồng. Điện lực Đà Nẵng cho hay, ngoài việc vi phạm giá, nhiều trường hợp trộm rất tinh vi, khi bị phát hiện lại có thái độ chống đối, bất hợp tác...
Theo ông Hồ Quốc Phương, Trưởng phòng Quan hệ cộng đồng Điện lực Đà Nẵng, trong 410 vụ vi phạm sử dụng điện thì có 57 vụ trộm cắp điện, 293 vụ vi phạm giá điện và 60 vụ ở các hình thức vi phạm khác. Các thủ đoạn trộm điện thường được ngụy trang rất kín đáo ở các vị trí trong khuôn viên hoặc ngay trong nhà mà nếu không có kinh nghiệm sẽ rất khó phát hiện. Để tránh nghi ngờ, các chủ hợp đồng thường "ra tay" một số ngày trong tháng, những ngày còn lại vẫn dùng điện bình thường. Với thủ đoạn này, nhiều hộ gia đình "xài chùa" điện cho tivi, tủ lạnh, máy giặt, bình nóng lạnh, quạt điện, lò vi sóng... nhưng hóa đơn thanh toán hàng tháng lại rất thấp.
Để có cơ sở xử lý vi phạm, ngoài việc theo dõi hóa đơn, cán bộ điện lực phải theo dõi tất cả những dấu hiệu khả nghi từ khách hàng sử dụng điện, song bắt quả tang, lập biên bản để khách hàng "tâm phục, khẩu phục" là khó khăn nhất. Không chỉ gây tổn hao thương mại, hành vi trộm cắp điện còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. "Nguy cơ lớn nhất là dễ xảy ra chạm chập, cháy nổ, không chỉ mất an toàn cho bản thân, gia đình người thực hiện hành vi mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân ở trong các khu dân cư, làm hư hỏng thiết bị điện", ông Hồ Quốc Phương nói.
Nhiều trường hợp, người dân tự đấu nối vào thùng công-tơ |
Một hành vi phổ biến khác trong thời gian qua là vi phạm giá điện bằng hình thức chuyển đổi mục đích sử dụng. Theo biểu giá của Điện lực Đà Nẵng, hiện có 5 mức giá bán điện cho các mục đích sử dụng gồm điện sản xuất, hành chính sự nghiệp, kinh doanh, sinh hoạt và bán buôn với các mức giá khác nhau. Với việc quy định biểu giá này, nhiều khách hàng đã tự ý chuyển đổi mục đích sai so với hợp đồng ban đầu ký với ngành điện. Ông Hồ Quốc Phương cho hay: "Nhiều khách hàng ký hợp đồng mua điện cho sản xuất để hưởng mức giá thấp nhưng chỉ sau một thời gian ngắn lại tự ý chuyển đổi sang sử dụng điện cho sinh hoạt, kinh doanh gây thất thoát thương mại. Đây là hành vi vi phạm giá rất phổ biến".
Theo ông Phương, nếu năm 2013, không có trường hợp vi phạm giá điện bị phát hiện, năm 2014 có 2 trường hợp, truy thu tiền chênh lệch giá gần 3,5 triệu đồng thì đến cuối tháng 10-2015, Điện lực Đà Nẵng đã phát hiện tới 293 vụ vi phạm. Ngành điện đã truy thu hơn 700 triệu đồng. Lãnh đạo Điện lực Đà Nẵng cho hay, nạn trộm điện và vi phạm giá điện trong thời gian qua diễn ra rất nhiều nhưng việc phát hiện đã khó, việc lập hồ sơ xử lý và truy thu tiền thất thoát lại càng khó.
Để góp phần ngăn chặn nạn trộm điện, vi phạm giá điện, Điện lực Đà Nẵng đã có chủ trương thưởng nóng xứng đáng cho các đơn vị, cá nhân phát hiện trộm cắp điện. Ngoài việc, tăng cường công tác kiểm tra đêm, kiểm tra khu vực nông thôn, các trạm biến áp có tổn thất cao, thất thường, ngành điện cũng phối hợp với Sở Công thương và cơ quan CATP Đà Nẵng trong kiểm tra, xác minh, xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực.
"Ngành điện đã nhận được sự phối hợp, hỗ trợ rất lớn từ Sở Công Thương, chính quyền các địa phương, lực lượng CA. Công tác kiểm tra, xử lý nghiêm đã góp phần ngăn chặn, phòng ngừa và giảm thiểu các nguy cơ mất an toàn, chạm chập, cháy nổ, đảm bảo tính mạng và tài sản người dân cũng như tình hình ANTT trên địa bàn. Nhưng quan trọng nhất là người dân phải nâng cao được ý thức dùng điện, đừng vì những lợi ích trước mắt mà đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn", ông Phương nói.
Công Khanh