Báo Công An Đà Nẵng

Vi phạm sử dụng ngoại tệ có thể bị xử phạt lên đến hàng tỷ đồng

Thứ sáu, 23/08/2019 10:29

Thời gian gần đây, trên địa bàn TP Đà Nẵng nổi cộm lên tình trạng mua bán ngoại tệ trái phép, phổ biến là các loại tiền như: đồng Nhân dân tệ Trung Quốc, đồng đô-la Mỹ, đồng Won Hàn Quốc... đã gây bất bình trong dư luận nhân dân. Việc mua bán ngoại tệ trái phép bị xử phạt như thế nào; các doanh nghiệp, cá nhân được phép thu đổi ngoại tệ hay không; người dân và du khách mua, đổi ngoại tệ ở đâu...

Xung quanh các vấn đề này, phóng viên (P.V) Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh Đà Nẵng. 

Ông Võ Minh

P.V: Thưa ông Võ Minh, người dân có thể mua ngoại tệ phục vụ cho các nhu cầu hợp pháp của mình không ?

Ông Võ Minh: Theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 70/2014/NĐ-CP ngày 17-7-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối: người cư trú là công dân Việt Nam được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho các mục đích chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài như: học tập, chữa bệnh,  đi công tác, du lịch, thăm viếng  ở nước ngoài, trợ cấp cho thân nhân ở nước ngoài, định cư ở nước ngoài... Tại TP Đà Nẵng, người dân có thể đến các ngân hàng thương mại trên địa bàn    để thực hiện mua ngoại tệ phục vụ cho các nhu cầu hợp pháp  của mình.

P.V: Trong những trường hợp nào thì các doanh nghiệp, cá nhân cung ứng hàng hóa, dịch vụ được trực tiếp niêm yết và thu ngoại tệ của khách hàng?

Ông Võ Minh: Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự (bao gồm cả quy đổi hoặc điều chỉnh giá cả hàng hóa, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận) của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối (trừ các trường hợp được sử dụng ngoại hối quy định tại Điều 4 Thông tư số 32/2013/TT-NHNN ngày 26-12-2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam). Điều 4 Thông tư số 32/2013/TT-NHNN còn nêu rõ các trường hợp được sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam như: niêm yết, nhận thanh toán... bằng ngoại tệ, trong đó có các đối tượng như sau: người cư trú là tổ chức kinh doanh hàng miễn thuế; người cư trú là tổ chức cung ứng dịch vụ ở khu cách ly tại các cửa khẩu quốc tế; người cư trú là doanh nghiệp chế xuất,...; riêng người cư trú là tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực vận chuyển hàng không, khách sạn, du lịch thì chỉ được niêm yết, quảng cáo giá hàng hóa, dịch vụ bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ tương đương trên trang tin điện tử, ấn phẩm chuyên ngành (không bao gồm thực đơn và bảng giá dịch vụ) chỉ sử dụng tiếng nước ngoài. Các trường hợp khác được phép sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, chấp thuận căn cứ vào tình hình thực tế và tính chất cần thiết của từng trường hợp.

P.V: Khách du lịch nước ngoài khi đến Đà Nẵng có thể bán ngoại tệ lấy Việt Nam đồng để phục vụ nhu cầu chi tiêu, mua sắm... của mình ở đâu ?

Ông Võ Minh: Hiện nay, để phục vụ tốt cho nhu cầu ngoại tệ của người dân và khách du lịch, ngoài hệ thống 58 chi nhánh ngân hàng thương mại và 248 phòng giao dịch trực thuộc 58 chi nhánh ngân hàng thương mại này trải khắp các quận, huyện, tại TP Đà Nẵng, còn có 48 đại lý đổi ngoại tệ đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi Nhánh Đà Nẵng cấp phép hoạt động tại các khách sạn, resort, sân bay... nhằm tạo sự thuận tiện cho người dân, khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài khi muốn đổi ngoại tệ ra Việt Nam đồng để mua sắm, chi tiêu. Danh sách các đại lý đổi ngoại tệ hiện đã được công bố trên website của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh Đà Nẵng tại địa chỉ: http://danangbank.gov.vn. Trường hợp cá nhân và tổ chức vi phạm các quy định của Nhà nước về việc sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam, mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm theo Điều 24 Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ là rất cao với mức phạt lên đến hàng trăm triệu đồng đối với cá nhân và hàng tỷ đồng đối với doanh nghiệp.

P.V: Ông có khuyến cáo gì với công chúng khi thực hiện giao dịch ngoại tệ trên địa bàn TP Đà Nẵng ?

Ông Võ Minh: Nhà nước Việt Nam đã có quy định cụ thể về việc giao dịch ngoại tệ trong các hoạt động kinh tế. Với tư cách là công dân Việt Nam, chúng tôi mong muốn mọi người chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật. Du khách nước ngoài đến Việt Nam cũng phải có trách nhiệm tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính mà cụ thể là tịch thu lượng ngoại tệ giao dịch trái phép và áp dụng các chế tài khác. Bảo vệ chủ quyền quốc gia là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi công dân Việt Nam. Trên lĩnh vực tiền tệ, chúng ta có thể tham gia bảo vệ chủ quyền bằng cách không chấp nhận thanh toán bằng các loại ngoại tệ trong giao dịch mua, bán hàng hóa, dịch vụ với du khách nước ngoài. Đó là việc cần làm và có thể làm đối với mỗi công dân Việt Nam.

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

PHÚ NAM (thực hiện)