Báo Công An Đà Nẵng

Vì sao bà Lê Thị Thạch vẫn tiếp tục kêu oan?

Thứ hai, 15/04/2019 11:15

Sau khi chấp hành xong án tù về tội “Cố ý gây thương tích”, bà Lê Thị Thạch (1966, trú thôn Đức Thạnh, xã Tam Vinh, H. Phú Ninh, Quảng Nam) vẫn cho rằng mình bị oan nên tiếp tục gửi đơn kháng cáo yêu cầu xét xử lại vụ án này. Ngày 12-4, TAND tỉnh Quảng Nam đã mở phiên tòa phúc thẩm xem xét lại vụ án theo yêu cầu của bà Thạch.

Bị cáo Lê Thị Thạch cho rằng mình bị oan.

Theo cáo trạng, lúc 8 giờ 30 ngày 11-10-2016, ông Đặng Thiên (1963, chồng bà Thạch) đang trồng cỏ tại khu đất trống dưới cầu Suối Con (thôn Đức Thạnh) thì ông Phạm Tấn Tùng (1974, trú cùng thôn) đến ngăn cản. Ông Tùng cho rằng ông Thiên trồng cỏ trên phần đất của mình nên kéo áo ông Thiên đòi lên UBND xã giải quyết. Ông Thiên không đồng ý thì hai bên xảy ra cãi vã. Thấy vậy, anh Phạm Công Hoàng (1994, trú tỉnh Hà Tĩnh) đang làm công trình gần đó đến xem.

Lúc này, trên đường đi làm về bà Thạch nghe sự việc giữa chồng và ông Tùng nên chạy lên cầu Suối Con để kiểm tra thực hư sự việc. Đến nơi, bà Thạch đứng trên cầu ném cục đá trúng chiếc mũ cối ông Tùng đang đội. Ông Tùng quay lại thì thấy bà Thạch vẫn còn cầm 1 cục đá trên tay. Ông Tùng đi được khoảng 4 bước thì thấy choáng váng rồi ngã xuống đất bất tỉnh. Thấy vậy, anh Nguyễn Chí Tân (1967, trú cùng thôn) và anh Phạm Công Hoàng đang đứng trên cầu chạy xuống đưa nạn nhân đi cấp cứu. Sau đó, bà Thạch ném cục đá còn lại xuống đường rồi trở về nhà. Tại bản giám định thương tích cho thấy tỷ lệ thương tích của ông Tùng là 6%.

Tại phiên tòa phúc thẩm lần này, bị cáo Thạch vẫn giữ nguyên lời khai ở phiên tòa sơ thẩm rằng, những lời khai của các nhân chứng là hoàn toàn bịa đặt. “Ở phiên tòa đầu tiên, có nhiều nhân chứng nói không biết rõ sự việc, nhưng đến phiên tòa lần sau họ lại cho lời khai diễn tả rõ ràng từng chi tiết lúc xảy ra sự việc. Điều này chứng tỏ đã có sự “giúp sức” trong lời khai của các nhân chứng. Vả lại lúc đó tay phải của bị cáo bị chấn thương nên không thể cầm 1 cục đá nặng 1,5kg ném xa 6m được. Sự việc xảy ra bị cáo mới đến thì làm sao cầm đá ném trúng đầu ông Tùng như lời khai của các nhân chứng được”, bị cáo Thạch lý giải.

Trả lời ý kiến của đại diện VKSND cho rằng lời khai của bị cáo nhiều lần không trùng khớp, bị cáo Thạch cho rằng: “Bị cáo bị lực lượng chức năng đưa xe công vụ đến bắt, sự việc xảy ra quá đột ngột khiến tinh thần bị cáo lúc đó rất hoảng loạn nên lời khai chưa rõ ràng. Sau khi bình tĩnh, bị cáo đã khai đúng nhưng không được nhắc đến”.

Còn ông Đặng Thiên khẳng định: “Có thể chấn thương của ông Tùng là do tôi gây ra trong lúc xô xát chớ không phải do vợ mình. Tuy nhiên, sự việc chỉ xảy ra chỉ trong vòng 30 giây, một lúc sau nhiều người đi đường thấy đứng lại xem đông thì họ mới đến thì làm sao có thể cho lời khai như vậy được. Còn chi tiết ông Tùng dùng cây hành hung tôi lại không được nêu trong bản cáo trạng”.

Tại phiên tòa, các nhân chứng đều vắng mặt, luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng qua các phiên tòa trước, lời khai của các nhân chứng rất mâu thuẫn. Bên cạnh đó, vật chứng là cục đá được đưa đi giám định vân tay lại khác nhau, lúc cục này, lúc cục khác… “Vụ án này có quá nhiều điểm mâu thuẫn chưa được làm rõ nên cần hoãn phiên tòa trả hồ sơ để tiếp tục điều tra để tránh trường hợp oan sai”- vị luật sư nhận định. 

Sau khi xem xét toàn diện vụ án, HĐXX TAND tỉnh Quảng Nam đã quyết định bác bỏ kháng cáo của bà Lê Thị Thạch.

LÊ VƯƠNG