Vì sao Bệnh viện Đa khoa Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam nợ lương của 21 nhân viên?
Năm 2019, anh được lãnh đạo trường luân chuyển sang làm việc tại Khoa Dược của bệnh viện (BV) và giảng dạy tại trường. Những năm đầu, BV có rất đông bệnh nhân đến khám chữa bệnh, doanh thu ổn định. Tuy nhiên, đến năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên lượng bệnh nhân đến khám bệnh rất ít. Từ tháng 4-2022 đến ngày 15-1-2023, BV vẫn chưa trả lương cho 21 nhân viên. Ngày 15-1-2023, trường có quyết định cho tất cả nhân viên làm việc tại BV nghỉ việc.
“Sau khi nhận quyết định nghỉ việc, chúng tôi liên hệ trường rút sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) để nhận trợ cấp thất nghiệp thì biết BV vẫn chưa đóng BHXH cho chúng tôi 10 tháng. Sau khi chúng tôi phản ánh thì BV mới đóng tiền BHXH để giải quyết các chế độ cho người lao động. Riêng cá nhân tôi, trường còn nợ lương, phụ cấp khoảng 62 triệu đồng. Ngoài ra, nhà trường còn nợ tôi 2.000 giờ giảng dạy khoảng 100 triệu đồng. Vợ chồng tôi có 2 đứa con nhỏ, chi phí sinh hoạt rất nhiều. Thời điểm BV nợ lương kéo dài khiến cuộc sống gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn” - anh Tiến chia sẻ.
Chị Phan Thị Thu Nguyệt (1990, trú TP Tam Kỳ), từng là nhân viên kế toán của BV này đi kiểm tra sức khỏe chuẩn bị sinh con thì phát hiện thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đã bị khóa, không thể sử dụng. Chị Nguyệt gặp lãnh đạo trường thì được hứa hẹn sẽ sớm đóng BHXH và BHYT cho tất cả nhân viên. Tuy nhiên, đến tháng 1-2023 chị Nguyệt sinh con nhưng vẫn chưa được giải quyết BHYT đành tự đóng toàn bộ viện phí sinh mổ hơn 8 triệu đồng. Hiện tại, BVĐK Trường CĐ Y tế Quảng Nam còn nợ chị Nguyệt 9 tháng lương gần 27 triệu đồng…
Liên quan đến vụ việc, ông Huỳnh Tấn Tuấn - Hiệu trưởng Trường CĐ Y tế Quảng Nam, kiêm Phó Giám đốc phụ trách BV cho biết, BV được thành lập theo Quyết định số 4315 ngày 12-12-2017 của UBND tỉnh Quảng Nam trên cơ sở Phòng khám bệnh Đa khoa Trường CĐ Y tế Quảng Nam và giao quyền tự chủ về tài chính. Những năm đầu thành lập, bệnh nhân đến khám chữa bệnh rất đông, có ngày cao điểm đạt gần 500 người. Từ năm 2020 khi đại dịch COVID-19 bùng phát thì bệnh nhân đến khám chữa bệnh ngày càng ít dần, BV hụt thu, thu không bù được chi. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Nam trưng dụng làm cơ sở điều trị COVID-19 tầng 3 thể nặng, dẫn đến nguồn thu đơn vị giảm sút nghiêm trọng.
Từ năm 2016-2020, số tiền vượt trần, vượt dự toán của BV hơn 12 tỷ đồng. BV cũng đã nhiều lần báo cáo gửi cơ quan BHXH tỉnh Quảng Nam, BHXH Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Nam, Sở Y tế Quảng Nam giải quyết, nhưng đến nay vẫn chưa được thanh toán. Nhà trường cũng nhiều lần làm việc với các cơ quan chức năng để xin kinh phí hụt thu trong thời gian trưng dụng làm BV điều trị COVID-19, nhưng vẫn chưa nhận được khoản hỗ trợ nào.
Chính vì vậy, BV không có nguồn để chi trả tiền lương, tiền công cho người lao động. Do tình hình hụt thu, ngày 15-1-2023 nhà trường đã có Công văn gửi UBND tỉnh Quảng Nam về việc xin tạm dừng hoạt động BV để tái cơ cấu lại bộ máy, ổn định lại nhân lực để tiếp tục hoạt động trong thời gian tới. Đến nay, BV chưa thanh toán tiền lương hơn 800 triệu đồng và các khoản phụ cấp cho 21 người lao động làm việc tại BV từ tháng 4-2022 đến ngày 15-1-2023. Khi được BHXH thanh toán số tiền vượt trần, vượt dự toán từ năm 2016-2020 cho BV, nhà trường sẽ trả hết số tiền nợ cho 21 người lao động.
“Do công tác tuyển sinh những năm qua gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn tài chính của trường. Hiện tại, nhà trường đang nợ lương 3 tháng của 111 cán bộ, nhân viên. Nhà trường cũng đã kiến nghị lên UBND tỉnh xin cơ chế hỗ trợ, trả lương cho 94 viên chức của trường”- ông Tuấn chia sẻ.
Lê Vương