Vì sao các hộ dân chưa di dời để xây cầu Giao Thủy?
(Cadn.com.vn) - Trái với sự hồ hởi của bao người khi nhìn thấy cầu Giao Thủy đang dần được hình thành thì 17 hộ dân sống trong khu tập thể Ươm tơ Giao Thủy (xã Đại Hòa, H. Đại Lộc, Quảng Nam) đang thấp thỏm âu lo khi không biết sẽ sống ở đâu khi phải di dời giải tỏa để xây dựng cầu Giao Thủy...
Ngồi buồn trong căn phòng chưa đến 20m2 ở khu tập thể, ông Trương Phô nói: “Chính quyền mấy lần gửi thông báo để nhận tiền di dời nhưng chúng tôi không nhận, thử hỏi 17 hộ dân chúng tôi người thấp nhất là gần 60 triệu đồng, người cao nhất chỉ gần 100 triệu, với từng đó tiền làm sao chúng tôi mua đất làm nhà”. Ngày trước, ông Phô và những người khác là công nhân của Xí nghiệp Ươm tơ Giao Thủy và khu tập thể được xây dựng vào năm 1978 để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên khi nghề trồng dâu nuôi tằm dần mai một thì Xí nghiệp Ươm tơ Giao Thủy bị giải thể. Qua thời gian, khu tập thể xuống cấp nghiêm trọng nhưng nhiều công nhân vẫn bám trụ ở đây. Chị Trương Thị Liên, một hộ dân sống trong khu tập thể bày tỏ: “Người dân chúng tôi đều thống nhất chủ trương di dời để xây cầu Giao Thủy nhưng hỗ trợ như thế thì thấp quá. Nhà tôi được hỗ trợ nhiều nhất là hơn 90 triệu đồng nhưng không thể mua đất làm nhà được. Các hộ dân ở đây đều khó khăn, chứ khá giả thì ai lại sống trong khu tập thể nguy hiểm này”. Còn ông Trương Văn Đông cho biết, lúc đầu số tiền chính quyền hỗ trợ cho các hộ dân rất thấp, sau nhiều lần kêu cứu thì nhích lên được một ít. “Như gia đình tôi lúc đầu chỉ hỗ trợ được gần 64 triệu đồng, sau nâng lên được 79 triệu đồng, nhưng cũng không là gì so với giá đất thị trường. Với số tiền hỗ trợ như thế thì chúng tôi không thể chuyển đến nơi khác sinh sống”– ông Đông nói.
17 hộ dân sống trong khu tập thể Ươm tơ Giao Thủy chưa di dời vì số tiền hỗ trợ quá thấp. |
Trao đổi với chúng tôi về chuyện này, ông Lê Ba - Giám đốc chi nhánh Trung tâm phát triển quỹ đất H. Đại Lộc cho biết, địa phương đã tìm mọi cách tăng thêm hỗ trợ cho các hộ dân sống trong khu tập thể Ươm tơ Giao Thủy. Theo quy định của Luật đất đai và Quyết định 43 của UBND tỉnh Quảng Nam năm 2014 về bồi thường và hỗ trợ tái định cư thì chỉ khi nào thu hồi đất cá nhân mới bố trí tái định cư cho dân. Trong khi 17 hộ dân sống trên đất của Xí nghiệp ươm tơ Giao Thủy thuộc sở hữu của nhà nước, nhà ở cũng là nhà của Nhà nước. “Từ tháng 4-2015, chúng tôi đã thấy vướng chuyện di dời, hỗ trợ cho các hộ dân trong khu tập thể Ươm tơ Giao Thủy nên đã có báo cáo lên UBND H. Đại Lộc, huyện cũng đã gửi công văn đến Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh và sau đó Sở có công văn hướng dẫn là chỉ có hỗ trợ, không bồi thường vì đây là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước. Tiếp đó, H. Đại Lộc thành lập hội đồng định giá tài sản và đất để lấy căn cứ áp giá bồi thường. Khi công khai giá hỗ trợ đợt đầu năm 2015, mỗi hộ từ 30 - 70 triệu đồng. Với số tiền này, tất cả các hộ dân đều “lắc đầu” vì quá thấp, không thể mua đất, nhà ở nơi mới”–ông Ba cho biết. Sau đó UBND tỉnh Quảng Nam đã có ý kiến: Hỗ trợ chi phí tự sửa chữa, nâng cấp cải tạo để phục vụ cư trú; hỗ trợ để các hộ tự lo chỗ ở mới do không được bố trí nhà ở tái định cư và không có chỗ ở nào khác trên địa bàn. Hỗ trợ thuê nhà ở, ổn định cuộc sống và di chuyển tài sản. Khen thưởng các hộ bàn giao mặt bằng sớm... Như vậy mỗi hộ dân trong khu tập thể được tăng thêm 20-30 triệu đồng tiền hỗ trợ di dời. Tuy nhiên, người dân vẫn không chấp nhận phương án này. “Trước đây chúng tôi đã lên phương án đầu tư mặt bằng khu tái định cư các hộ dân này ở tại xã Đại Hòa, tuy nhiên sau khi tính toán đầu tư mặt bằng, cơ sở hạ tầng thì giá mỗi lô đất khoảng 150 triệu đồng, với số tiền đó thì các hộ dân sẽ không kham nổi. Nói thật, bây giờ chúng tôi mong các hộ dân chấp nhận di dời, chứ không có cách nào để xin thêm tiền hỗ trợ nữa. Theo quy định thì số tiền hỗ trợ như hiện nay kịch trần rồi” – ông Ba nói...
Thiết nghĩ, những khó khăn của 17 hộ dân sống trong khu tập thể Ươm tơ Giao Thủy là có thật và tỉnh Quảng Nam cần có các biện pháp hỗ trợ hợp lý, để không ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành cầu Giao Thủy.
Hoàng Anh