Vì sao cát xây dựng ở Đà Nẵng, Quảng Nam lại khan hiếm? (Kỳ cuối: vì sao các mỏ tạm dừng khai thác cát?)
Thời gian qua, việc UBND tỉnh Quảng Nam áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp mạnh cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, như: hạn chế việc gia hạn đối với một số mỏ cát đã hết hạn khai thác, giám sát việc khai thác qua camera, tăng cường tuần tra kiểm soát trên các tuyến sông, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm các quy định về khai thác khoáng sản…, đã mang lại những hiệu quả tích cực trong việc lập lại trật tự kỷ cương trên lĩnh vực khai thác cát xây dựng. Tuy nhiên, sau một thời gian, những biện pháp được xem là mạnh trước đây đã bộc lộ nhiều bất cập… vì sự phối hợp chặt chẽ trước đó đã bắt đầu lỏng lẻo, thiếu đồng bộ.
Theo nhìn nhận của giới chuyên môn, việc cấp phép, quản lý khai thác… đối với các mỏ vật liệu xây dựng, như: cát VLXD, đất san lấp… tại Quảng Nam còn nhiều bất cập, chưa sát với thực tế. Trước hết là các cơ quan liên quan, như: Tài nguyên và Môi trường, Công nghiệp… chưa đánh giá đúng trữ lượng khoáng sản tại từng mỏ, không dự báo được nhu cầu tiêu thụ của thị trường nên giấy phép khai thác được cấp thường thấp hơn trữ lượng, thời gian khai thác cũng bị ngắn lại. Cũng vì đánh giá không đúng về nhu cầu tiêu dùng của thị trường nên trong thời gian qua tại Quảng Nam số lượng mỏ hết thời hạn khai thác có số lượng rất lớn, trong khi đó số mỏ được cấp phép hoạt động mới theo dạng nhỏ giọt dẫn đến tình trạng nguồn cung thấp hơn yêu cầu của thị trường đã tạo ra sự khan hiếm và điều kiện để các doanh nghiệp nâng giá bán cao hơn giá thành thực tế.
Để khắc phục tình trạng “cầu vượt cung”, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của khách hàng, nhiều mỏ cát tổ chức khai thác vượt khối lượng cho phép trong thời gian dài cùng những sai phạm khác, như: bán hàng không xuất hóa đơn, khai thác ngoài khu vực mỏ… Đồng hành với những sai phạm trên là một số doanh nghiệp có hành vi trốn thực hiện nghĩa vụ thuế… Phát hiện những bất cập trên, một lần nữa các cơ quan chức năng tại Quảng Nam lại “vào cuộc” để tìm biện pháp khắc phục. Theo đó, để đối phó với việc thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng, các chủ mỏ cát đã đồng loạt tạm dừng việc khai thác.
Thực tế tại dọc sông Thu Bồn, Vu Gia, Phóng viên Chuyên đề CATP Đà Nẵng nhận thấy, đúng như lời phản ánh của các chủ bán VLXD, tất cả mỏ cát trên địa bàn H. Đại Lộc, gồm: xã Đại Hòa, Đại An, Đại Đồng, Đại Sơn, Lệ Bắc (Duy Xuyên)… đều trong tình trạng “cửa đóng, then cài”. Theo ông H.-một chủ mỏ cát thì việc tạm dừng khai thác là để công ty sửa chữa máy móc, khắc phục các sự cố về an toàn lao động (ATLĐ). Còn khi nào hoạt động trở lại thì chưa có thời gian cụ thể. Điều này cũng được một lãnh đạo H. Đại Lộc xác nhận. Và cho biết, sự việc trên đã được UBND H. Đại Lộc báo cáo cho các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam để có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, lý do sửa chữa máy móc, đảm bảo ATLĐ mà một số công ty đưa ra là thiếu tính logic, không thật sự thuyết phục…, che đậy một mục đích khác. Cụ thể là, do nhiều công ty có hành vi tổ chức khai thác khoáng sản vượt khối lượng cho phép, bán hàng không xuất hóa đơn… bị phát hiện, đầu tháng 2-2023 UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ. Với những sai phạm mang tính hệ thống, kéo dài…, việc xác minh làm rõ đòi hỏi phải có nhiều thời gian. Để đối phó với việc thanh kiểm tra, các chủ mỏ đã đồng loạt tạm dừng khai thác nhằm tạo sự khan hiếm VLXD, tạo áp lực… đến các cơ quan chức năng.
Trước sự việc một số mỏ cát tại Quảng Nam tạm dừng khai thác gây nên tình trạng khan hiếm giả tạo, khiến giá cát xây dựng tại Đà Nẵng, Quảng Nam bị đẩy lên quá cao gây khó khăn cho một số nhà đầu tư cùng người dân, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã vào cuộc tìm cách tháo gỡ. Trước mắt, các cơ quan chức năng đã làm việc, yêu cầu các công ty đưa các mỏ cát đang tạm dừng vào hoạt động trở lại theo đúng nội dung được cấp phép để cung cấp cát xây dựng cho thị trường. Từng bước đánh giá trữ lượng các mỏ để điều chỉnh quy mô khai thác theo đúng quy định của Nhà nước và có những biện pháp kiểm soát nhằm tránh những sai phạm có thể tái diễn.
Hy vọng, với những biện pháp trên, tình trạng khan hiếm cát xây dựng sẽ sớm được khắc phục…
M.T