Báo Công An Đà Nẵng

Vì sao chậm xử lý sự cố điện hạt nhân Fukushima?

Thứ năm, 27/02/2014 09:41

(Cadn.com.vn) - Sự cố do động đất-sóng thần tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, II và Onagawa xảy ra hồi tháng 3-2011 từng gây rúng động thế giới. Từ đây, thuật ngữ Fukushima ra đời, nhằm chỉ những hậu quả tiêu cực nói chung liên quan đến năng lượng hạt nhân. Đến nay đã gần 3 năm trôi qua nhưng việc khắc phục hậu quả vẫn còn là bài toán nan giải.

Do yếu tố "văn hóa"?

Nước Nhật xưa nay vốn được coi là hình mẫu trong xử lý thảm họa. Nhưng việc đối phó với các thảm họa như Fukushima lại quá chậm chạp và kém hiệu quả.

Tháng 1-2012, Kiyoshi Kurokawa, chuyên gia y tế hàng đầu vừa  được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban độc lập nghiên cứu tai nạn hạt nhân (NAIIC) đặt nhiều hy vọng, sớm tìm ra lối thoát cho Fukushima. Viện nghiên cứu Quốc tế về Tháo dỡ hạt nhân (RIND) vừa được thành lập cũng là theo đề xuất của NAIIC nhưng kết quả xem ra vẫn không chuyển biến là bao, không hợp với thông lệ "văn hóa" người Nhật.

Tại quốc gia này, mỗi khi có sự cố, người ta lại cho ra đời ủy ban này ủy ban kia nhưng quyết định cuối cùng lại không do ủy ban hay giới chuyên gia quyết mà do nhóm trên "liên đoàn", không liên quan gì đến chuyên môn  giải quyết. Bài học này từng diễn ra tại Chernobyl ở Nga năm 1984, hậu quả đến nay vẫn còn rơi rớt.

Hạt nhân phóng xạ tồn tại rất lâu trong thiên nhiên, vì vậy nếu không có kiến thức, am tường về chuyên môn phóng xạ sẽ rất nguy hiểm. Và trách nhiệm của những người tham gia trong dự án khắc phục hậu quả điện hạt nhân là rất quan trọng, song đáng tiếc trách nhiệm trong vụ xử lý Fukushima lại không rõ ràng.

Cuối tháng 12-2013, các chuyên gia ở Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAEA) đã đến thăm Fukushima và cho biết, tình hình tại nhà máy này vẫn còn bi đát và hướng dẫn chuyên gia TEPCO chuẩn bị báo cáo đánh giá hậu quả môi trường. Theo IAEA, việc rò rỉ nước thải nhiễm phóng xạ tác động tiêu cực tới nguồn nước xung quanh.

Ngay thời điểm đầu năm 2014 mức ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép. Điều này cho thấy, các chuyên gia Nhật Bản không có đủ kinh nghiệm, kiến thức lẫn kỹ năng để giải quyết vấn đề triệt để, trái với những gì được Tokyo ca tụng. Theo thông tin mới nhất của hãng AFP, ngày 20-2 vừa qua, hơn 100 tấn nước nhiễm phóng xạ bị rò rỉ từ bể chứa của nhà máy Fukushima I.

Liên quan đến việc khắc phục sự cố Fukushima, tờ Les Echos, cho biết, tập đoàn điện lực TEPCO, đơn vị khai thác nhà máy Fukushima, vừa đệ trình kế hoạch tái thiết Fukushima, vốn có thể giúp TEPCO được tiếp cận nguồn vốn vay lên đến 500 tỷ yên (tương đương 4,7 tỷ USD).

Để lấy tiền trả nợ, TEPCO có kế hoạch tái vận hành một lò phản ứng vào tháng 7-2014 và hai lò khác trong năm 2015, trong tổng số 7 lò phản ứng của nhà máy hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa. Tuy nhiên, theo Les Echos, vẫn còn bài toán khó là đền bù thiệt hại cho hàng chục ngàn gia đình nạn nhân, cho đến cả chi phí cho việc tháo dỡ 6 lò phản ứng tại nhà máy Fukushima, với con số ước tính lên đến 24 tỷ USD.

Nhân viên TEPCO Kiểm tra nồng độ phóng xạ.

3 năm dài đằng đẵng

 Sau sự cố Fukushima, chính phủ Nhật Bản công bố "tình trạng khẩn cấp điện hạt nhân" do mất chất làm nguội và di tản hàng ngàn người dân sinh sống gần nhà máy Fukushima I.

Ngày tiếp theo, 12-3-2011, tổng cộng 45.000 người sống trong bán kính 20km xung quanh nhà máy số I phải dời đi. Tại nhà máy số II, chính quyền cho di tản dân cư trong khu vực bán kính 3km và khuyến cáo những người sống trong phạm vi 10km không nên rời khỏi nhà.

Ngày 11-4, Cơ quan năng lượng hạt nhân Nhật Bản nâng mức sự cố lên mức 7, có nghĩa là cao nhất trong thang sự cố hạt nhân quốc tế. Hiện tại, 5 lò phản ứng của các nhà máy ở Fukushima đang được đặt trong tình trạng khẩn cấp năng lượng hạt nhân quốc gia bởi sự cố hệ thống làm mát.

Kim Hùng

(Theo Diplomat/Ruvr)