Vì sao Campuchia chưa hạ nhiệt căng thẳng?
(Cadn.com.vn) - Những màn đối đầu chính trị căng thẳng ở Campuchia vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi trong ngày 16-9, chính quyền và phe đối lập chính - đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) - đối mặt với nhau tại tòa án và trên đường phố.
Hệ thống rào chắn được triển khai trước một trạm cảnh sát ở tỉnh Kandal nhằm ngăn chặn làn sóng biểu tình của phe đối lập. Ảnh: Phnompenh Post |
Điểm nóng mới nhất là ở Tòa án Phnom Penh - nơi diễn ra vụ xét xử ông Kem Sokha, Phó Chủ tịch đảng CNRP trong ngày 16-9, về tội chống lệnh triệu tập liên quan đến bê bối tình ái của vị chính trị gia này.
Tuy nhiên, cũng giống như vụ xét xử hôm 9-9, ông Kem Sokha không có mặt tại tòa mà “cố thủ” bên trong trụ sở đảng CNRP với cáo buộc, phiên tòa này “mang động cơ chính trị”. Ông Kem Sokha vẫn lẩn trốn trong trụ sở của CNRP từ khi bị cảnh sát tìm cách bắt giữ. Tại phiên xét xử hôm 9-9, Tòa Sơ thẩm Phnom Penh kết án ông Kem Sokha 5 tháng tù và phạt 800.000 riel (200 USD) về tội “Chống lệnh triệu tập của tòa”.
Căng thẳng ở Campuchia bùng nổ khi ông Sokha cáo buộc rằng, các thủ tục pháp lý chống lại là nhằm mục đích chính trị, và rằng, “nó được thiết kế để kết thúc sự nghiệp của tôi”. Tuy nhiên, chính quyền Campuchia bác bỏ cáo buộc này. Ủy ban bầu cử quốc gia Campuchia (NEC) ngày 16-9 ra tuyên bố nhấn mạnh, ông Kem Sokha vẫn được quyền đăng ký bầu cử, nhưng tất nhiên ông phải trực tiếp đến đăng ký tại điểm đăng ký bầu cử.
Bất chấp cảnh báo và nỗ lực hòa giải của chính phủ, phe đối lập vẫn kêu gọi những người ủng hộ xuống đường biểu tình quy mô lớn. Thủ tướng Hun Sen hôm 15-9 cảnh báo sẽ đập tan bất kỳ kế hoạch biểu tình nào, lưu ý, việc tổ chức cuộc đại biểu tình của CNRP đang đe dọa nghiêm trọng đến chính phủ, gây mất an ninh trong nước. Hôm 12-9, nhà lãnh đạo này cũng tuyên bố sẽ kiên quyết hành động và trấn áp cuộc biểu tình trái pháp luật của CNRP, dù có phải trả bất cứ giá nào.
Ngay sau lời cảnh báo của Thủ tướng Hun Sen, khoảng gần 40 xe chở cảnh sát và hải quân tuần tra gần trụ sở của CNRP. Tàu hải quân và máy bay trực thăng cũng được lệnh sẵn sàng. Giới chức Campuchia cho biết, hoạt động tuần tra này là nhằm tăng cường và đảm bảo an ninh cho người dân và đất nước. Quân đội Campuchia cũng ủng hộ Thủ tướng Hun Sen, tuyên bố sẵn sàng “ngăn chặn tất cả các hoạt động bất hợp pháp làm xã hội bất ổn, ảnh hưởng xấu đến trật tự công cộng và hạnh phúc người dân.
Tuy nhiên, xem ra phe đối lập vẫn không chịu nhượng bộ. Trong ngày 16-9, theo AP, gần 1.000 người ủng hộ phe đối lập tụ tập trước trụ sở đảng CNRP khi cảnh sát chống bạo động được triển khai quan sát họ từ khoảng cách 500m. Ông Kem Sokha xuất hiện trước những người ủng hộ và tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh. “Chúng tôi không thể đầu hàng...”, tờ Phnom Penh Post dẫn lời ông Kem Sokha nói. Thủ tướng Hun Sen cũng đáp trả bằng cảnh báo, CNRP đang đe dọa sự ổn định của đất nước. “Chính phủ Hoàng gia muốn cảnh báo những ai đã làm sai, xin đừng tiếp tục sai lầm. Nếu không, nó sẽ mang lại một kết quả xấu cho các bạn” ông Hun Sen nói.
Thủ tướng Hun Sen nắm quyền ở Campuchia trong 3 thập kỷ qua và rất được lòng dân. Tuy nhiên, trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 2013, đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền lần đầu tiên chỉ nắm 68 ghế trong Quốc hội và để mất 55 ghế vào tay CNRP. Tình hình trở nên rối ren khi phe đối lập tuyên bố đã có dấu hiệu gian lận bầu cử và tẩy chay các phiên họp Quốc hội. Với nỗ lực hòa giải, Thủ tướng Hun Sen đạt thỏa thuận chính trị quan trọng với CNRP vào năm 2014, có một số nhượng bộ nhỏ trong quy trình bầu cử và Quốc hội.
Nhưng mối quan hệ giữa chính phủ và phe đối lập vẫn tiếp tục rơi vào tình trạng “cơm không lành, canh không ngọt” do những bất đồng khó giải quyết về nhiều vấn đề và việc phe đối lập liên tục có những hành động phá rối. Giới quan sát cho rằng, phe đối lập dường như đang nỗ lực để phá vỡ các cuộc bầu cử địa phương, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 6-2017. Một cuộc bầu cử toàn quốc sẽ diễn ra vào năm 2018, và việc nắm giữ quyền lực ở các cấp địa phương sẽ tạo lợi thế cho các bên.
Khả Anh