Vì sao Đà Nẵng áp dụng biện pháp mạnh thêm 3 ngày?
Ngày 21-8, UBND thành phố Đà Nẵng đã có quyết định kéo dài thời gian áp dụng biện pháp mạnh dập dịch thêm 3 ngày, kể từ 8 giờ ngày 23-8. Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, để đi đến thống nhất, thành phố đã cân nhắc rất kỹ và có những mục tiêu cụ thể, rõ ràng trong 3 ngày sắp đến.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 chiều 21-8.
Chưa thể kiểm soát được dịch
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố cho biết, trong ngày 21-8, Đà Nẵng ghi nhận 197 ca mắc COVID-19 mới. Trong đó, 75 ca đã cách ly tập trung, 44 ca cách ly tạm thời tại nhà, 35 ca trong khu phong tỏa và 43 ca ngoài cộng đồng.
Trong 43 ca ngoài cộng đồng có 1 ca xét nghiệm âm tính trước đó, là F1 đến cơ sở y tế lấy mẫu xét nghiệm liên quan đến chợ đầu mối Hòa Cường; 5 ca đến Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu và Ngũ Hành Sơn khám, phát hiện dương tính; 2 ca là F1 liên quan đến F0 chưa rõ nguồn lây và 35 ca lấy mẫu hộ gia đình.
Tính đến ngày 21-8, Đà Nẵng ghi nhận 2.661 ca mắc COVID-19.
Bác sĩ Tôn Thất Thạnh – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh thành phố cho hay, chuỗi lây nhiễm liên quan đến chợ đầu mối Hòa Cường vẫn còn nguy cơ rất cao. Từ chuỗi lây này, dịch bệnh đã lan rộng khắp thành phố. Đến nay, đã có 55/56 xã phường có ca mắc COVID-19 (duy nhất xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang chưa phát hiện ca nào). Dù các đơn vị, địa phương đã rất cố gắng nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp, dịch bệnh chưa thể được kiểm soát.
Nhiều ca dương tính tiếp tục được phát hiện, tách khỏi cộng đồng qua lấy mẫu xét nghiệm đại diện hộ gia đình.
Thay đổi kế hoạch lấy mẫu đợt 3
Bà Ngô Thị Kim Yến – Giám đốc Sở Y tế cho hay, khi thành phố áp dụng biện pháp mạnh, ngành y tế thành phố đã bắt tay vào xét nghiệm cho 100 đại diện hộ gia đình. Qua xét nghiệm đợt 1 đã phát hiện, bốc tách 81 F0 ra khỏi cộng đồng. Đến chiều 21-8, đã phát hiện 51 ca trong cộng đồng trong quá trình xét nghiệm đợt hai. Dự kiến, trong ngày mai (22-8) sẽ hoàn thành xét nghiệm đợt 2. Từ đầu tuần sau, các đơn vị, địa phương sẽ bắt tay vào vào lấy mẫu xét nghiệm đợt 3.
Dựa vào số ca F0 trong cộng đồng, Sở Y tế chia các địa phương vào 4 nhóm, gồm: bình thường mới, nguy cơ, nguy cơ cao và nguy cơ rất cao. Những ngày tới, ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh xét nghiệm hộ gia đình theo các nhóm nguy cơ. Đối với các khu vực có nguy cơ cao và rất cao sẽ xét nghiệm 100 đại diện hộ gia đình còn những vùng còn lại sẽ xét nghiệm 50% đại diện hộ gia đình. Song song đó, trong các khu phong tỏa sẽ được lấy mẫu toàn dân, 3 ngày một lần và lấy đủ 5 lần.
Hiện, các xã Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Liên, Hòa Bắc thuộc huyện Hòa Vang và phường Hải Châu 2 thuộc quận Hải Châu được đánh giá là bình thường mới.
Lực lượng Công an tuần tra, kiểm soát trên địa bàn thành phố.
Tận dụng tối đa “3 ngày vàng”
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, việc kéo dài thêm 3 ngày áp dụng biện pháp mạnh dựa trên cơ sở đánh giá 5 ngày qua. Khi thành phố ra quyết định, rất nhiều người dân cũng đã đồng tình, ủng hộ. “Mục tiêu chính trong 3 ngày tới là tiến hành xét nghiệm diện rộng lần thứ 3 để thành phố có đầy đủ cơ sở để đánh giá, cân nhắc áp dụng các giải pháp giai đoạn tiếp theo. Biết sẽ rất tốn kém nhưng sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết. Mong người dân tiếp tục tuân thủ nghiêm các quy định, chung sức, đồng lòng cùng thành phố dập dịch”, ông Quảng cho biết.
Trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm lần 3, ông Quảng yêu cầu ngành y tế phải hết sức kỹ lưỡng, khắc phục cho được những hạn chế, tuyệt đối không để F0 “lọt sổ”. Bên cạnh, các địa phương cần quyết liệt giám sát người dân, đảm bảo tuyệt đối “ai ở đâu, ở yên đấy”. Hiện, thành phố cũng đã thông qua kế hoạch hỗ trợ cho 150.000 hộ dân trên địa bàn thành phố với kinh phí gần 100 tỷ đồng.
Trước việc doanh nghiệp phản ánh gặp khó khăn trong quá trình tuân thủ nguyên tắc 3 tại chỗ, đặc biệt là gây thiệt hại về tài chính, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay, thành phố chia sẻ với những khó khăn, vất vả của doanh nghiệp trong gia đoạn này. Vì thấu hiểu được những điều đó nên thành phố mới quyết định kéo dài thêm 3 ngày áp dụng biện pháp mạnh thay vì 7 ngày. Thế nên, các doanh nghiệp cũng cần phải cảm thông với thành phố. Không riêng gì doanh nghiệp bị ảnh hưởng, khi dịch COVID-19 bùng phát, lợi ích của thành phố, của xã hội cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.
Về đề xuất nhiều công nhân cần được “giải phóng”, ông Quảng đồng ý cần thiết thì cho công nhân thay ca, thay kíp để tránh quá tải khi phải ăn ở, sinh hoạt và làm việc tại chỗ trong thời gian dài. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải lên kế hoạch, phương án thay ca, thay người một cách chi tiết, nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch chiều 21-8, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết, việc kéo dài 3 thêm ngày đã được thành phố cân nhắc rất kỹ trước khi đưa ra quyết định. Hiện, thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, đặc biệt về lương thực thực phẩm để kịp thời cung ứng cho người dân trong những ngày tới.
Phi Nông