Báo Công An Đà Nẵng

15 năm thực hiện Nghị Quyết 33 của Bộ Chính trị (khóa IX):

Vì sao Đà Nẵng chưa là đầu tàu miền Trung?

Thứ ba, 04/09/2018 11:53

Năm 2003 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 33 (NQ 33) về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Theo tinh thần NQ 33, Đà Nẵng được xây dựng để trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung, đóng vai trò hạt nhân, đầu tàu phát triển cho cả vùng.

Để trở thành đầu tàu miền Trung, Đà Nẵng cần phát triển mạnh để trở thành trung tâm logistics, đầu mối giao thông quốc tế. (Trong ảnh: Hoạt động bốc dỡ hàng tại cảng Tiên Sa). 

Nhìn lại sau 15 năm, Đà Nẵng đã phát triển mạnh mẽ nhiều mặt, mang hình hài của một TP trẻ, năng động. Tuy vậy, Đà Nẵng chưa thể hiện rõ vai trò hạt nhân, đầu tàu của khu vực, thậm chí đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Động lực nào để Đà Nẵng vượt qua thách thức, sớm khẳng định được vai trò trung tâm của khu vực như kỳ vọng?

Ấn tượng chưa mạnh

Trong bối cảnh các địa phương đều muốn tận dụng tối đa cơ hội để phát triển, Đà Nẵng muốn bứt phá, thể hiện được vai trò hạt nhân trong vùng đòi hỏi phải có sự khác biệt cả về cơ chế lẫn tư duy. Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình nói rằng, NQ 33 đã mở ra cho Đà Nẵng cơ chế đặc biệt trong việc thu hút nguồn lực để phát triển. Trong đó nguồn lực Nhà nước chỉ mang tính dẫn dắt, nguồn lực xã hội mới là chủ yếu. Suy cho cùng, nhờ sự vận dụng sáng tạo, tư duy đột phá, Đà Nẵng có nhiều cách làm hiệu quả, thu hút nguồn lực xã hội dồi dào để phát triển nhanh mạnh và bền vững. Sau 15 năm thực hiện NQ33, ông Bình nói điều đáng mừng nhất là nhìn thấy ở Đà Nẵng có hơi hướng phát triển bền vững (ngày nay thế giới dùng thuật ngữ phát triển bao trùm). Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người đánh giá Đà Nẵng là thành phố đáng sống. “Hà Nội cũng phát triển, nhưng có phải là TP đáng sống không?” - ông Bình đặt câu hỏi. Nói những điều đó để thấy rằng, Đà Nẵng đã biết vận dụng cơ chế một cách sáng tạo để xây dựng cho mình thương hiệu TP không chỉ phát triển về kinh tế mà còn an toàn, sạch đẹp, nơi khởi nguồn của nhiều quyết sách nhân văn.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, sau 15 năm thực hiện NQ33, Đà Nẵng đã từng bước khẳng định là đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội và đầu tàu, động lực phát triển của miền Trung - Tây Nguyên. Trong một số lĩnh vực như du lịch, dịch vụ, logistics, tài chính, viễn thông... Đà Nẵng đã bước đầu xác định được vai trò hạt nhân của vùng. Ông Minh nói: Sau thời gian đầu tư mạnh cho du lịch, TP đã có hệ thống lưu trú, nghỉ dưỡng đẳng cấp, các điểm giải trí, mua sắm, tham quan nổi tiếng như Bà Nà Hills, Công viên Châu Á, Khu sinh thái Núi Thần Tài... Đà Nẵng cũng đang dần hình thành lên trung tâm logistics của khu vực nhờ hạ tầng giao thông phát triển với Cảng hàng không quốc tế, cảng Tiên Sa, các tuyến cao tốc... Trong lĩnh vực công nghiệp CNTT, thương mại, đào tạo, y tế chuyên sâu, Đà Nẵng cũng dần khẳng định thương hiệu, tạo sức hút với các địa phương trong vùng.

Theo những số liệu công bố, Đà Nẵng có mức thu Ngân sách và đóng góp cho Trung ương cao nhất toàn vùng duyên hải miền Trung. Thu nhập bình quân đầu người ở Đà Nẵng hiện khoảng 3,7 ngàn USD/người/năm, cao gấp gần 7 lần năm 2003. Không gian đô thị Đà Nẵng đã được mở rộng gấp hơn 3 lần so với thời điểm năm 2003. Hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, cấp điện nước, xử lý rác thải được đầu tư đồng bộ tạo diện mạo mới cho TP theo hướng đô thị cảng biển văn minh, hiện đại.

Với hạ tầng du lịch được đầu tư mạnh đã bước đầu đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch của miền Trung.

Nguy cơ tụt hậu

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu nổi bật, song TS Trần Du Lịch, Thành viên tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Đà Nẵng vẫn chưa trở thành đầu tàu thúc đẩy phát triển vùng như trong NQ33 nêu. Thậm chí, Đà Nẵng đang phải đối mặt với nhiều điểm nghẽn trong phát triển, nếu không tìm ra động lực mới vượt qua, nguy cơ tụt hậu có thể xảy ra chứ chưa nói đến chuyện bứt phá thành trung tâm, đầu tàu khu vực. Theo ông Lịch, một số điểm nghẽn lớn mà Đà Nẵng đang phải đối mặt là cơ cấu ngành kinh tế không có sự khác biệt so với các địa phương trong vùng; tỷ trọng các dịch vụ cao cấp, sản phẩm công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ giá trị gia tăng cao đóng góp vào tăng trưởng kinh tế còn hạn chế; hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của một TP đẳng cấp. Bên cạnh đó, ông Lịch cũng chỉ ra rằng, những hạn chế về nguồn lực đầu tư phát triển khiến năng lực cung cấp các dịch vụ đô thị có chất lượng của TP bị ảnh hưởng (sân bay quá tải, giao thông tắc nghẽn cục bộ). Nếu dân số TP tiếp tục tăng đạt 2,5-3 triệu người mà cấu trúc đô thị, các nguồn tài nguyên vẫn như hiện nay thì Đà Nẵng sẽ không tránh khỏi sự giảm sút về môi trường sống, vị thế cửa đến du lịch của cả khu vực miền Trung.

Trong bối cảnh ấy, Đà Nẵng muốn là đầu tàu thì phải có sức hút, phải có liên kết để thúc đẩy các địa phương trong vùng. Tuy nhiên vấn đề liên kết và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng dùng chung chưa mang tính đột phá. Vai trò trung tâm của Đà Nẵng theo tinh thần NQ 33 chưa được thể hiện hiệu quả để tạo lợi ích chung cho các địa phương cùng hướng tới mục tiêu phát triển nhanh mà bền vững, tránh nguy cơ tụt hậu so với hai đầu đất nước.  Đối với Đà Nẵng hiện nay, động lực chính của tăng trưởng kinh tế đang hết dần dư địa huy động. Cụ thể DN và khu vực kinh tế tư nhân không phát huy hết tiềm năng, cơ chế chính sách cũ không phù hợp với nền kinh tế TP đô thị. Trong đó, các cơ chế tài chính, ngân sách ưu đãi cũng như các chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách, đầu tư, phân cấp quản lý... nhìn chung chưa đủ mạnh, chưa thực sự tạo động lực và sức bật cần thiết để Đà Nẵng tăng tốc phát triển nhanh, bền vững, đây là một trong những nguyên nhân cơ bản ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu phát huy vai trò Đà Nẵng là một cực phát triển kinh tế của miền Trung.

 Đầu tư sản xuất công nghiệp CNC là hướng đi phù hợp để Đà Nẵng trở thành trung tâm công nghiệp của khu vực.

Tập trung vào 4 trụ cột kinh tế

Để Đà Nẵng giữ vai trò hạt nhân, cực tăng trưởng của Vùng, ông Lịch cho biết phải tập trung vào 4 trụ cột kinh tế chính. Cụ thể là dịch vụ du lịch gắn với bất động sản nghỉ dưỡng. Đà Nẵng cần đề nghị Chính phủ cho phép nghiên cứu qui hoạch một phần vịnh Đà Nẵng để thành đô thị trên biển với kiến trúc và dịch vụ đặc sắc, phù hợp với điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái, tạo điểm nhấn cho du lịch. Đà Nẵng cũng cần phát triển cảng biển, cảng hàng không gắn với dịch vụ logistics. Sau năm 2020, cảng Tiên Sa phải chuyển thành cảng du lịch đáp ứng mục tiêu đón 370 ngàn khách, cảng Liên Chiểu phải đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung (loại 1A), Cảng hàng không phải được mở rộng về phía Tây với công suất 28 triệu khách/năm, làm cửa ngõ quốc tế cho cả vùng. Ngoài ra, Đà Nẵng cần phát triển công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp. Hiện Chính phủ đã đồng ý cho thí điểm tại Khu CNC Đà Nẵng mô hình đổi mới sáng tạo với cơ chế đặc biệt ưu đãi có thể thu hút chuyên gia, gắn việc sản xuất các sản phẩm công nghệ cao với việc sáng tạo công nghệ.

Hiện nay, trong liên kết vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có 4 lĩnh vực then chốt mà Đà Nẵng phải là thỏi nam châm kết nối. Đó là liên kết phân bố lực lượng sản xuất, xây dựng giao thông kết nối, đào tạo nhân lực và thị trường lao động chung. KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia qui hoạch quốc tế cho rằng cần phải Qui hoạch Vùng đô thị Đà Nẵng nhằm hình thành chuỗi đô thị từ Lăng Cô đến Dung Quất trong đó trọng tâm là tam giác Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An. Đà Nẵng cần chủ động chia sẻ ý tưởng với các địa phương trong vùng, trong đó nêu rõ những lợi ích chung riêng, những dự án đầu tư mang tính chất liên vùng để cùng kiến nghị Chính phủ. Trước mắt, cần xây dựng đường ven biển chiến lược từ Thừa Thiên - Huế đến Quy Nhơn tạo sự đột phá cho phát triển kinh tế biển. Kế tiếp cần đẩy nhanh các dự án làng đại học Đà Nẵng đào tạo nhân lực cho cả vùng, dự án khơi thông sông Cổ Cò nối Đà Nẵng - Hội An, dự án Hành lang kinh tế Đông - Tây 2 thông qua mở rộng cửa khẩu Đắc Ốc (Quảng Nam) thành cửa khẩu quốc tế nhằm rút ngắn hơn quãng đường bộ từ Thái Lan, Lào đến Đà Nẵng.

HẢI QUỲNH