Vì sao Đà Nẵng sắp xếp lại tổ dân phố?
(Cadn.com.vn) - Sau 4 năm chia nhỏ tổ dân phố (TDP), Đà Nẵng buộc phải “tái cơ cấu” tổ chức tự quản này theo hướng tinh giản để phù hợp hơn với tình hình thực tế. Vậy số lượng TDP, chức danh tổ trưởng, tổ phó, ngân sách sẽ có biến động như thế nào khi chủ trương này được thực hiện?
Nhiều hạn chế khi chia nhỏ
Với mục tiêu chia nhỏ để quản lý tốt hơn, qua 4 năm thực hiện, các TDP có sự chuyển biến tích cực. Mặc dù vậy, ngành Nội vụ cho rằng, việc phân chia nhỏ TDP xuất hiện nhiều bất cập, hạn chế so với lợi ích mà nó mang lại. Xét về cơ cấu thì với 30-40 hộ dân/tổ là chưa phù hợp so với quy định chung. Quan trọng hơn là với việc không có tổ phó, tất cả mọi việc đều dồn lên vai tổ trưởng, dẫn đến khi có những công việc đột xuất, họp hành, triển khai các chủ trương, phát động phong trào mà người này có việc quan trọng của cá nhân, của gia đình thì không có người làm thay.
Việc sáp nhập TDP với quy mô lớn hơn sẽ tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng phát động phong trào cơ sở. Ảnh: Nguyễn Tuấn |
Ông Võ Viết Tấm – Tổ trưởng tổ 47, P. Hòa Khê, Q. Thanh Khê cho biết, khi chia nhỏ tổ dân phố, việc nắm thông tin của tổ trưởng tốt hơn nhưng xuất hiện tình trạng trăm dâu đổ đầu tằm, vai trò, vị trí cũng bị thu hẹp kiểu “kiệt trưởng”, “hẻm trưởng”. “Muốn triển khai một chủ trương, phát động phong trào thì một mình phải lo hết mọi việc, từ trang trí hội trường, thông báo, gửi giấy mời. Nếu chẳng may đau ốm hay có việc hệ trọng đột xuất thì không ai làm thay cả. Chưa nói đến khó khăn trong việc bố trí thời gian để nhiều tổ dân phố sử dụng hội trường, nhà văn hóa trong một khu dân cư nhất định”, ông Tấm cho biết.
Theo bà Hoàng Thị Kim Loan – Chánh Văn phòng UBND Q. Thanh Khê, hiện toàn quận có 1.278 TDP với 37.618 hộ dân. Cách đây 4 năm, việc triển khai tổ chức sắp xếp lại TDP từ trung bình 70 hộ/tổ xuống còn trung bình 30 hộ trong điều kiện thời gian ngắn đã khiến các phường gặp khó khăn trong công tác nhân sự, dẫn đến chất lượng các tổ trưởng không đồng đều về trình độ, năng lực lẫn kinh nghiệm, sự tín nhiệm của người dân chưa cao. Việc chia nhỏ TDP làm cho chất lượng phong trào của các khu dân cư trở nên hạn chế, số hộ ít nên việc hội họp rời rạc, nhiều cuộc họp không đạt chất lượng. Bên cạnh đó, tổ trưởng quá nhiều nên việc tổ chức họp giao ban cán bộ dưới khu dân cư tại các phường gặp khó khăn về địa điểm. Một số tổ trưởng đương chức làm việc tại các cơ quan nên không sắp xếp tham dự được các sự kiện ở cơ sở. “Nếu vì việc gì đó, tổ trưởng vắng mặt dài ngày thì rất khó chỉ định người tạm thời đảm nhiệm thay. Công việc dưới khu dân cư sẽ bị gián đoạn, các chủ trương chính sách không được triển khai thực hiện liên tục và thông suốt”, bà Loan cho hay.
Sắp xếp lại vì mục tiêu “4 an”
Trao đổi với phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng, ông Võ Ngọc Đồng – Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, từ hơn 5.800 TDP, thôn, nếu sắp xếp lại thì số lượng chỉ còn 2.760 với quy mô bình quân từ 60-80 hộ dân. Nội dung này vừa được HĐND thành phố thông qua trong Nghị quyết về phát triển KT-XH năm 2017 tại kỳ họp thứ 3 vừa qua. Ông Đồng giải thích, đây không phải là một cấp hành chính mà là một tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú ở một phường, xã nơi thực hiện dân chủ trực tiếp để phát huy các hình thức hoạt động tự quản. Khi xây dựng đề án sắp xếp lại, Sở Nội vụ cũng có khoảng mở cho các phường để đảm bảo tính liên cư, liên địa. Khi sắp xếp lại TDP là số lượng hộ có thể ít hơn nhưng không dưới 50 hộ hoặc nhiều hơn nhưng không quá 100 hộ, đồng thời TDP có 1 tổ trưởng và 1 tổ phó.
Ông Võ Ngọc Đồng khẳng định, Đề án sắp xếp lại TDP tạo cơ sở vững chắc |
Về những bước đi cần thiết để “tái cơ cấu”, thực hiện Đề án, đặc biệt là việc lấy ý kiến từ các cấp, ông Đồng cho biết, Sở đã tổ chức phát 1.134 phiếu lấy ý kiến khảo sát cán bộ tại cơ quan Đảng, Mặt trận, đoàn thể, chính quyền, lực lượng Công an, chính quyền cơ sở, bí thư chi bộ khu dân cư và bản thân các tổ trưởng TDP, trưởng thôn. Kết quả, có 70,8% cán bộ thuộc các cơ quan Đảng, Mặt trận, đoàn thể, chính quyền, Công an thành phố, quận huyện; 81,4% cán bộ phường, 58,1% bí thư chi bộ khu dân cư, tổ trưởng TDP tán thành chủ trương nên tăng quy mô số hộ dân của TDP. Bên cạnh đó, Sở cũng đã tổ chức 2 hội thảo về vấn đề này và ghi nhận phần lớn ý kiến nêu những bất cập trong thời gian qua và đề nghị nên tăng quy mô bình quân TDP gấp đôi so với hiện nay. “Sắp xếp theo phương án này, thành phố sẽ còn 2.760 TDP (giảm 2.989 TDP). Mục tiêu lớn nhất chính là nâng cao chất lượng tổ trưởng, tổ phó, đẩy mạnh tính tự quản, chất lượng phong trào trong cộng đồng dân cư. Căn cơ nhất là đưa chủ trương “thành phố 4 an” đi vào cuộc sống”, ông Đồng cho hay.
Việc tinh giản tổ dân phố ngoài việc chọn được những người có năng lực xứng đáng và bổ sung thêm tổ phó để có người gánh bớt việc cho tổ trưởng còn giảm áp lực về ngân sách. Bà Hoàng Thị Kim Loan cho hay, nếu sắp xếp lại với quy mô từ 47-70 hộ/tổ thì số lượng TDP của Q. Thanh Khê sẽ chỉ còn 639. Với mức phụ cấp tương đương 0.5 và 0.3 so với mức lương cơ sở, chi phí ngân sách phụ cấp cho tổ trưởng và tổ phó xấp xỉ 619 triệu đồng, giảm được gần 155 triệu đồng so với hiện tại. Theo tính toán của ngành Nội vụ, sau khi sắp xếp, chỉ tính riêng kinh phí phụ cấp TDP, ngân sách thành phố tiết kiệm được 9,672 tỷ đồng/năm.
“Lần này Đề án sẽ được thực hiện bài bản. Phải bắt đầu từ việc lấy ý kiến của khu dân cư để tạo sự đồng thuận. UBND thành phố sẽ tổ chức hướng dẫn triển khai cụ thể để các quận huyện thực hiện, sau đó hoàn chỉnh Đề án báo cáo HĐND thành phố quyết định vào kỳ họp giữa năm 2017”, ông Võ Ngọc Đồng cho hay.
Công Khanh